Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia ngục Đăk Glei (Kon Tum): Tám năm vẫn chưa hoàn thành

Thứ Hai 19/08/2019 | 08:00 GMT+7

VHO- Năm 2011, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia ngục Đăk Glei (xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei) với tổng mức đầu tư trên 35 tỉ đồng. 

Tuy nhiên đã gần 8 năm trôi qua dự án này vẫn chưa thể hoàn thành, gây khó khăn cho công tác quản lý và phát huy giá trị. 

 Nhà biệt giam

7 gói thầu trong 7 năm 

Ông Nguyễn Văn Hiềng, Giám đốc Ban quản lý cho biết, dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử ngục Đăk Glei được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại quyết định số 1164/ QĐ-UBND ngày 28.10.2011, với tổng mức đầu tư xây dựng là 35.456,392 triệu đồng, bao gồm 3 hạng mục: Di tích, công trình phụ trợ và giao thông; Hệ thống cấp điện; Hệ thống cấp nước. Trong đó, riêng hạng mục di tích, phần phụ trợ, giao thông được phê duyệt gần 24,26 tỉ đồng. Nhưng do kế hoạch bố trí vốn hằng năm rất ít, nên từ 2012-2018 UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt kế hoạch đấu thầu chia ra thành 7 gói thầu xây lắp và nhiều giai đoạn khác nhau với số vốn hơn 21 tỉ đồng. 

“Do nguồn vốn hạn hẹp và giải ngân theo từng gói thầu nên tất cả các gói thầu nói trên được thi công từ ngày 1.12.2012 và đến ngày 7.2.2018 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Do năm 2018, 2019 không được bố trí vốn nên hiện còn một số hạng mục chưa đầu tư như bãi đỗ xe, thang bộ, đường dốc phía tây và hệ thống thoát nước chung. Việc dự án kéo dài nhiều năm không làm ảnh hưởng chất lượng xây dựng nhưng lại ảnh hưởng đến tính đồng bộ về mặt thẩm mỹ chung của toàn bộ dự án. Cụ thể, các hạng mục được đầu tư từ năm 2013, 2014 có phần cũ kỹ hơn so với các hạng mục đầu tư năm 2016, 2017. Công tác bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng phải thực hiện nhiều lần”, ông Hiềng cho hay. 

Tái hiện cảnh lao động khổ sai của các tù chính trị

Khó khăn công tác quản lý, khai thác 

Bà Y Hồng Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đăk Glei cho biết, UBND huyện giao khu di tích ngục Đăk Glei cho Phòng quản lý, khai thác sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay nhân sự phòng chỉ có 3 người, từ khi nhận bàn giao, phòng phải hợp đồng thêm 2 người để trông coi, bảo vệ cũng như dọn dẹp vệ sinh khu di tích. Do kinh phí của Phòng eo hẹp nên không có nguồn để duy tu, bảo quản di tích. “Các hạng mục tu bổ, tôn tạo đã hoàn thành bàn giao nhưng chỉ có bộ khung, chưa có cơ sở vật chất bên trong. Hiện khu di tích vẫn chưa xây dựng công trình vệ sinh cho du khách đến tham quan. Nếu không đầu tư nữa thì khu di tích sẽ không phát huy được giá trị vốn có của nó”, bà Hạnh chia sẻ khó khăn. 

Bà Hạnh cho biết thêm, năm 2017 UBND huyện Đăk Glei có kế hoạch khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Hiện nay huyện chưa có Ban quản lý di tích vì thế không có cơ chế hoạt động nên rất khó quản lý thu chi. Cái khó thứ 2 là việc kêu gọi, liên kết tour du lịch đến với di tích ngục Đăk Glei. Có nhiều đoàn đến liên hệ tìm hiểu, tham quan di tích nhưng Phòng chỉ có 3 người không thể hướng dẫn cụ thể”, bà Hạnh bộc bạch. 

Việc đầu tư, trùng tu tôn tạo di tích lịch sử quốc gia ngục Đăk Glei là chủ trương đúng, góp phần giữ lại cho huyện Đăk Glei nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung một di tích lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, chỉ đầu tư xây dựng mà không có kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác phát triển khía cạnh du lịch hiệu quả thì rồi cũng dần rơi vào lãng quên. 

Theo các tài liệu, vào khoảng năm 1932, thực dân Pháp cho xây dựng đồn Đăk Glei nằm trên tuyến quốc lộ 14 để án ngữ khu vực này. Đồn Đăk Glei là công trình kiến trúc 1 tầng, mặt bằng hình chữ nhật, rộng 19,85m, sâu 10,2m và có diện tích khoảng 200m2, bao gồm 4 phòng. Nằm đối diện với đồn Đăk Glei qua một khoảng sân rộng chừng 20m là một ngôi nhà một tầng, 2 gian nhỏ, cũng được xây dựng bằng đá, gian bên ngoài là trạm gác, gian còn lại là nhà bếp. Cách đồn khoảng 150m dưới sườn đồi là nhà “ngục biệt giam” rộng khoảng 12m2, được xây dựng ngay sau cuộc vượt ngục của hai nhà cách mạng yêu nước, đó là Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ vào năm 1942. 

Nằm ở khoảng giữa nhà ngục với khu đồn là “căng an trí” với các dãy nhà giam có kết cấu bằng tre và gỗ. Mỗi nhà giam có một sạp nằm cho tù nhân, đầu quay vào giữa, chân cùm phía ngoài, buổi tối lính canh đếm chân để kiểm tra số lượng tù phạm. Mỗi sạp nằm khoảng 20 người. Do không được xây dựng kiên cố, nên khu vực “căng an trí” hiện không còn dấu tích công trình. Do có sự khác nhau giữa các tư liệu ghi chép, nên số lượng nhà giam có thể là 2 hoặc 3 cái. 

 NGỌC HÒA 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top