Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Ngàn năm mây trắng”: “Phép thử” thú vị của “4 trong 1”

Thứ Hai 19/08/2019 | 09:25 GMT+7

VHO- Lần đầu tiên Nhà hát Đài Tiếng nói VN (VOV) dàn dựng một tác phẩm sân khấu để công diễn rộng rãi phục vụ khán giả. Và cũng lần đầu tiên nghệ sĩ sân khấu truyền thống cải lương, chèo, hát xẩm, hát văn Huế cùng lên sân khấu diễn trong một vở. Có thể nói phép thử nghiệm này của lãnh đạo Nhà hát Đài Tiếng nói VN cũng như các đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu truyền thống đã thực sự mang tới một trải nghiệm đầy thú vị đổi mới hình thức và thói quen xem nghệ thuật lâu nay. 

Một cảnh trong vở “Ngàn năm mây trắng”

Từ kịch bản văn học Ngàn năm mây trắng của tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, hai đạo diễn NSƯT Thanh Ngoan và NSƯT Triệu Trung Kiên cùng ê kíp sáng tạo và lực lượng nghệ sĩ thuộc 4 loại hình sân khấu truyền thống đã biến những điều tưởng như khó thực hiện thành hiện thực. So với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp khác thì Nhà hát VOV có một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu ở nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có sân khấu truyền thống. Đây là lý do mà PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói VN ấp ủ và viết ra kịch bản văn học Ngàn năm mây trắng mời hai đạo diễn của sân khấu chèo (NSND Thanh Ngoan), sân khấu cải lương (NSƯT Triệu Trung Kiên) cùng phối hợp dàn dựng. Vì có hai đạo diễn của hai nhà hát mà vở lại có thêm lực lượng nghệ sĩ Nhà hát Cải lương VN và Nhà hát Chèo VN cùng tham gia biểu diễn. Với thời lượng 90 phút, Ngàn năm mây trắng có sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam cùng một số nghệ sĩ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát VOV. 

Chia sẻ về đơn “đặt hàng” đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói: “Chúng tôi không kỳ vọng Ngàn năm mây trắng là một tác phẩm đại diện cho sân khấu đương đại đặt ra những vấn đề to tát của cuộc sống chỉ muốn nói bên cạnh cái đẹp, cái tốt thì cái xấu, cái ác cũng luôn song hành. Mong muốn hơn cả đó là làm sao dàn dựng được một tác phẩm nghệ thuật giới thiệu được cùng lúc nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống một cách hợp lý”. 

Ngàn năm mây trắng được lấy cảm hứng từ các câu chuyện truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, về nàng Tô Thị, người đàn bà chung thủy đứng chờ chồng, chờ mãi không thấy chồng về, nàng và con đã hóa thành đá. Dựa trên truyền thuyết về nàng Tô Thị nhưng vở diễn đã lý giải ở một góc độ khác đó là người chiến binh có thể hy sinh về hòn đạn mũi tên của quân thù nhưng cũng có thể chết trong tay người em kết nghĩa của mình. Vì danh lợi, vì dục vọng mà người em đã bị quân thù mua chuộc và tự tay giết chết anh trai. 

Đóng góp lớn nhất của vở diễn chính là ê kíp đã tạo ra nhiều không gian mang nhiều tính kể chuyện tự sự và mỗi không gian ấy được tái hiện bằng một loại hình nghệ thuật truyền thống riêng là cải lương, chèo, hát xẩm, ca Huế. Theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng là những không gian, những câu chuyện được kể lại mang tính tự sự và mỗi không gian được xử lý dưới một hình thức sân khấu riêng của từng loại hình sân khấu truyền thống. Khi nàng Tô Thị được tin chồng hy sinh qua lời kể của người em kết nghĩa được các nghệ sĩ cải lương thể hiện với những làn điệu độc đáo như Chiêu quân, Vọng cổ, Lý chiều chiều, Hoài cổ. Nàng Tô Thị lang thang đi tìm chồng ở một vùng sơn cước và gặp một gánh hát chèo được ông trùm gánh hát chèo kể lại câu chuyện về một người tưởng như là chồng nàng bằng hình thức sân khấu chèo dân gian với những làn điệu chèo cực độc đáo như Vỉa ngâm, Lẩy Kiều, Bản Tiểu. Không gian thứ ba được thể hiện là Tô Thị đến một vùng cao gặp một bà già hát rong cùng một đứa bé và lại được nghe kể về một người đồn là chồng nàng với những làn điệu xẩm như Xẩm ba bậc, Xẩm chợ, Ngâm sa mạc… Không gian cuối cùng là ngôi đền Tứ Phủ khi nàng và Trương Lỗ tới thì gặp cô Đồng với những làn điệu hát văn Huế như Trống quân, Hát Tử vi… 
Quang Khải, nghệ sĩ đảm đương vai Trương Lỗ chia sẻ: “Bản thân chúng tôi cũng không thể ngờ rằng cải lương, chèo, hát xẩm, hát văn Huế lại có thể hòa quyện với nhau trong một vở diễn nhuần nhuyễn và ngọt đến thế. Không có một rào cản cách biệt gì đối với nghệ sĩ biểu diễn ở từng loại hình khi cùng diễn trên một sân khấu. NSƯT Thu Trang vai nàng Tô Thị hay tôi vừa ca xong một bài cải lương thì NSƯT Văn Chương ngâm một câu hát chèo tiếp nối cũng rất hợp lý. Tự thân các giai điệu của các loại hình âm nhạc dân tộc đã tạo nên sự độc đáo này khi chúng tự tìm được sự hòa quyện với nhau, tôn vinh lẫn nhau”. 
Tìm được chìa khóa để kết nối các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống trong cùng một tác phẩm nghệ thuật phải kể tới sự đóng góp không nhỏ của hai thành phần sáng tạo đó là tác giả chuyển thể cải lương và chèo cũng như hai đạo diễn NSƯT Thanh Ngoan và NSƯT Triệu Trung Kiên. Quả thực sự tổng hợp của nhiều loại hình sân khấu truyền thống trong một vở diễn có cốt truyện là một gợi mở đầy thú vị cho những sáng tạo kế tiếp của giới sân khấu. Thay vì phải đến từng nhà hát để được nghe loại hình sân khấu thì khán giả, đặc biệt là những du khách quốc tế không có nhiều thời gian khi đặt chân tới Việt Nam, nếu được xem một tác phẩm mà có sự kết hợp độc đáo này, chắc chắn sẽ là trải nghiệm vô cùng ấn tượng.

THUÝ HIỀN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top