Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Điện ảnh 4.0 liệu có chuyển mình ngoạn mục?

Thứ Tư 11/09/2019 | 10:27 GMT+7

VHO- “Trong xu thế phát triển không ngừng của công nghệ điện ảnh trên nền tảng kỹ thuật số, ngành văn hóa nói chung và điện ảnh Việt Nam nói riêng cần làm gì để phát huy tối đa lợi thế và hạn chế những khó khăn, thách thức khi tiếp cận các công nghệ mới đó?”.

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nêu vấn đề trên tại hội thảo khoa học “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực điện ảnh” diễn ra hôm qua 10.9 tại Hà Nội, do Bộ VHTTDL tổ chức.

Thời mang cả rạp phim về nhà

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. Với sự phát triển mạnh của công nghệ không dây, có dây công nghệ cao cùng với truyền hình cáp quang vệ tinh, điện thoại 3, 4, 5G, thiết bị thu hình có khả năng trình chiếu kỹ thuật cao..., ngày nay chúng ta có thể mang cả rạp chiếu phim về nhà.

Ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, trong thời kỳ 4.0, những công ty sản xuất phim sẽ trở thành những công xưởng sản xuất phim kỹ thuật số. Công nghệ kỹ thuật số trở thành nhân tố quan trọng nhất, không chỉ trong quá trình sản xuất, phát hành, phổ biến phim mà còn trong công nghệ mới về cách kể câu chuyện phim, hay còn được gọi là xây dựng nội dung ghép nối, nơi đó những sản phẩm nghe nhìn truyền thống được kết hợp với các giải pháp phần mềm.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 tất yếu dẫn đến cách mạng công nghệ 4.0 trong công nghiệp điện ảnh. Ở đó, sự phản ánh hiện thực ảo và thật xen lẫn, hòa trộn với nhau trong một bộ phim; việc phát hành, phổ biến một bộ phim vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống là tại các rạp chiếu phim hoặc trên truyền hình. Cách thức tiếp cận, hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh của khán giả cũng thay đổi, có nhiều sự lựa chọn hơn để thỏa mãn nhu cầu cá nhân ở bất cứ thời gian, địa điểm nào...”, ông Đỗ Duy Anh nhấn mạnh.

Đánh giá về xu hướng phát hành và phổ biến phim trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều nhà điện ảnh cho rằng, trong thời đại này, người xem có thể vừa là quan sát viên, vừa là người tham gia trực tiếp vào các sự kiện bên trong phim. Vì thế, rạp chiếu phim không chỉ phải thay đổi về công nghệ mà còn phải thay đổi về kiến trúc cho phù hợp. Những rạp chiếu phim được xây dựng theo hình mẫu được số hóa, có thể gọi là một trong những công nghệ tạo nên công nghệ điện ảnh 4.0. Cũng chính các nhà điện ảnh nhiều kinh nghiệm lưu ý, công nghệ điện ảnh 4.0 đang tạo nên những thay đổi to lớn trong sự phát triển của điện ảnh Việt.

Tuy nhiên, cho dù công nghệ đó có sức mạnh vượt trội so với các mẫu thức truyền thống trong sản xuất, phát hành và phố biến phim, thì vai trò của con người, những nhà sáng tạo, tác giả của mỗi bộ phim vẫn luôn là lực lượng nòng cốt mà không một công nghệ nào có thể thay thế được.

Thách thức cho nền điện ảnh muốn giành chiến thắng

Bên cạnh lợi thế, điện ảnh Việt Nam cũng đang đứng trước vô vàn thách thức. Ông Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng (Bộ VHTTDL) nêu những khó khăn: Yêu cầu cao về tính bảo mật gắn liền với bản quyền tác giả phim số; yêu cầu về kiểm duyệt chất lượng phim số khi được chia sẻ trên Internet; yêu cầu về chi phí lớn để xây dựng một phòng chiếu phim phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nguồn nhân lực để sản xuất phim kỹ thuật số chất lượng cao... Đứng trước nhiều cơ hội, điện ảnh Việt thời cách mạng 4.0 liệu có bước chuyển mình ngoạn mục? Ông Đỗ Duy Anh nhấn mạnh, là một cuộc cách mạng không giống với bất kỳ điều gì mà loài người đã trải qua, cách mạng 4.0 mở ra vô số cánh cửa để điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập với quốc tế.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá hoang mang hoặc cường điệu hóa trước những thay đổi mà công nghệ điện ảnh 4.0 mang lại. Bởi cuộc cách mạng công nghệ đó không thể là cuộc cách mạng làm thay đổi tiêu chuẩn truyền thống về nội dung, cách thể hiện của một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, nghệ thuật điện ảnh là sự kết hợp tổng hòa của 3 lĩnh vực: nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế. Thời đại 4.0, công thức này càng đặc biệt quan trọng để góp phần thúc đẩy điện ảnh dân tộc phát triển, hội nhập. “Một bộ phim công phu nhưng chỉ sai sót một chút về kỹ xảo cũng là hỏng. Nền kinh tế còn hạn hẹp nhưng nói chuyện làm phim công nghệ cao, sang trọng quá cũng thấy không phù hợp. Cho nên, cả ba yếu tố nói trên, thiếu một trong ba đều không thể tạo nên tác phẩm điện ảnh xuất sắc, nhất là trong thời đại ngày nay”.

ThS Trần Anh Tuấn, Xưởng phim Én bạc, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) nhìn nhận, hiện nay điện ảnh Việt Nam phần lớn chỉ nêu được phần vỏ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng ta chưa chú trọng nhiều đến ưu, khuyết điểm của mình trước những thách thức của nền công nghiệp điện ảnh 4.0. Cuộc cách mạng điện ảnh 4.0 không chỉ thay đổi tư duy làm phim mà còn thay đổi tư duy tiếp cận điện ảnh. Trong thời đại ngày nay, khi nền công nghiệp điện ảnh thế giới đã bước sang giai đoạn 4.0 thì điện ảnh Việt Nam vẫn còn khá lúng túng trong việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho các tác phẩm của mình. 

 HOÀNG VY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top