Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Cản trở xe cứu hoả làm nhiệm vụ: Phải phạt thật nặng

Thứ Tư 25/09/2019 | 11:15 GMT+7

VHO- Xe cứu hoả liên tục hú còi và phát loa yêu cầu nhường đường, nhưng chiếc xe con Kia Morning vẫn nghênh ngang phía trước. Clip này được đăng tải trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. “Phải phạt thật nặng”, đó là bình luận gay gắt của nhiều người.

Xe Kia Morning nghênh ngang cản đường xe cứu hoả - ảnh cắt từ Clip

 Phạm luật vì ý thức quá tồi

Đoạn clip dài khoảng 22s, ghi lại cảnh xe cứu hoả liên tục phát tín hiệu và tiếng loa kêu gọi nhường đường được phát đi tới 3 lần “Yêu cầu xe ô tô 29D - 071.82 giảm tốc độ, đi gọn vào bên phải của mình đi”. Tuy nhiên, chiếc xe con đi phía trước vẫn không hề có ý định thực hiện nghĩa vụ nhường đường. Quan sát tình hình giao thông thời điểm xe cứu hoả đề nghị các phương tiện nhường đường cho thấy đường phố khá thông thoáng, không hề bị ùn tắc và các phương tiện tham gia giao thông khác đều nhanh chóng chuyển làn vào phía bên phải để nhường đường cho xe cứu hoả. Được biết, xe cứu hoả lúc đó đang đi làm nhiệm vụ chữa cháy ở chợ Tó, Đông Anh, Hà Nội. Còn chiếc xe cản đường, đã được xác định được chủ nhân là Nguyễn Hồng Tâm (trú tại Minh Khai, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ngay sau khi clip được đăng tải, nhiều người đã rất bức xúc với thái độ ngang ngược của tài xế chiếc xe Kia Morning. Tài khoản huongnguyen bức xúc: “Ý thức tham gia giao thông quá kém, coi thường pháp luật, cần phải xử thật nặng”, trong khi tài khoản Vuminh cho rằng “đạo đức của người lái xe là con số 0”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sở dĩ giao thông tại Việt Nam lộn xộn, tình trạng tắc đường xảy ra triền miên, tai nạn giao thông cao, là vì ý thức của người tham gia giao thông rất kém, mặt khác các quy định pháp luật về chế tài xử phạt vừa chưa có tính răn đe, việc áp dụng trong thực tế lại tuỳ tiện, tuỳ theo người thực hiện pháp luật. Thực tế cho thấy, cũng là người Việt Nam nhưng khi đi sang các nước khác, đều răm rắp chấp hành luật, vì không phải họ nghiêm túc mà vì họ sợ bị phạt, và sợ hơn nữa là nếu vi phạm pháp luật của nước sở tại, sẽ không có chuyện xin xỏ.

Cố tình cản trở giao thông xử phạt như thế nào?

Theo Điều 22, Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định quyền ưu tiên của một số loại xe thì những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ thì hành vi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ được quy định:

1. Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô, mức phạt sẽ từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, được quy định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 5.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

2. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên, đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo Điểm đ, Khoản 5, Điều 6.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Nếu hành vi vi phạm này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

3. Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt cho hành vi trên sẽ từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, được quy định tại Điểm h, Khoản 4, Điều 7.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung nếu gây ra tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 đến 4 tháng.

Đây là mức phạt theo quy định hiện hành. Nhiều người cho rằng, mức phạt này thiếu tính răn đe, do đó cần sửa đổi để nâng cao mức phạt; thậm chí, hành vi này cần được quy định trong nhóm các hành vi thuộc Tội Cản trở giao thông đường bộ để những người không chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của cá nhân, tổ chức, tài sản nhà nước phải có ý thức tuân thủ pháp luật. 

HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top