Nhiều doanh nghiệp “soi” trang cá nhân để tuyển dụng ứng viên

VHO- Hôm qua 3.10, Nhà sách Văn Lang (Vanlangbooks) phối hợp cùng Trường ĐH Kinh tế Tài chính (UEF) vừa cho ra mắt bộ sách với nội dung xoay quanh 3 kỹ năng nghề nghiệp như viết, vẽ và chụp ảnh.

Nhiều doanh nghiệp “soi” trang cá nhân để tuyển dụng ứng viên - Anh 1

 Chuyến xe tri thức dành cho sinh viên trường ĐH Kinh tế Tài chính

 Trước đó, ngày 2.10, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM đã giới thiệu đến độc giả cuốn Bộc lộ của tác giả trẻ Thiên Phong… Có thể nói các quyển sách như cẩm nang “gối đầu giường” nhằm bồi dưỡng tâm hồn, trang bị nhiều kiến thức cho các bạn trẻ đang hành trình chinh phục mục tiêu nghề nghiệp. Bên cạnh đó, chia sẻ của các chuyên gia, giảng viên cũng mang đến nhiều góc nhìn mới về kỹ năng sống cho các bạn trẻ.

Với ngôn ngữ chân phương, gần gũi nhưng không thiếu sự chuyên nghiệp, bộ sách kỹ năng nghề nghiệp của Vanlangbooks với 3 quyển chia là 3 tựa đề hóm hỉnh: Không đọc sách này, viết dở đừng than!, Không đọc sách này, vẽ xấu ráng chịu! Và Không đọc sách này, chụp xấu đừng buồn! Với Không đọc sách này, viết dở đừng than!, tác giả đã biết khéo léo lồng ghép những lời trích dẫn của người nổi tiếng, thành công trong việc khơi gợi nên cảm hứng cho người đọc. Các ý tưởng được đề cập trong quyển sách mang tính thực tiễn cao kèm từng ví dụ cụ thể. Không đọc sách này, vẽ xấu ráng chịu! cho các bạn trẻ cái nhìn tổng quan về những lĩnh vực và phạm vi kiến thức mở rộng mà hội họa mang lại. Với phương châm “Vẽ vời không dành cho riêng ai”, bạn đọc tự do tìm hiểu phong cách vẽ của riêng mình, đồng thời học những kỹ thuật vẽ cơ bản cho đến chuyên sâu. Trong Không đọc sách này, chụp xấu đừng buồn!, trình bày kỹ thuật chụp của 50 bậc thầy nhiếp ảnh trên thế giới, mỗi người một vẽ, cách chụp riêng, là những mảnh ghép trong một tập thể xáo trộn. Tuy khá buông thả nhưng các kỹ thuật cơ bản của chụp ảnh như bố cục, phơi sáng, ánh sáng, ống kính… đều được tác giả đề cập đầy đủ và tường tận. Người đọc không những học hỏi cải thiện kỹ năng mà còn thấm nhuần tư tưởng phóng khoáng của tác giả….

Tại buổi giao lưu, ThS Phan Thị Thùy Linh, Phó Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Kinh tế Tài chính, chia sẻ “bí kíp” với sinh viên: “Các em đừng nghĩ rằng mình đang học những chuyên ngành thiên về kinh tế, tài chính, kỹ thuật,… thì không cần biết viết cho tốt, nói năng cho dễ đi vào lòng người. Ngày nay, các doanh nghiệp rất quan tâm đến khả năng thể hiện của ứng viên qua cách trình bày hồ sơ xin việc, kỹ năng thuyết phục khi viết các đề án. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn kỹ đến mức vào trang cá nhân của các ứng viên để xem qua quan điểm, cách sống, thái độ ứng xử, phát ngôn… bằng việc các bạn thể hiện câu chữ, văn phong trình bày, do vậy, nếu được đọc nhiều, viết chỉnh chu là lợi thế lớn để các bạn tạo cảm tình cho đơn vị tuyển dụng”.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc