Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Sao chép hay giao thoa văn hóa qua biểu tượng áo dài Việt?

Thứ Bảy 23/11/2019 | 11:12 GMT+7

VHO-  Một thương hiệu thời trang xuất hiện tại “Tuần lễ thời trang Xuân/Hè 2019” ở Bắc Kinh (Trung Quốc) với bộ sưu tập chủ đề “Thuyền” đang tạo nên những tranh cãi bởi giống với bộ sưu tập sử dụng hoa văn của NTK Việt Nam- Thuỷ Nguyễn.

Áo dài Việt Nam có từ bao giờ?

Điều dễ nhận thấy là bộ sưu tập “Thuyền” mang tính tổng hợp từ nền tảng các trang phục truyền thống của nhiều quốc gia, trong đó có một số mẫu sao chép áo dài Việt Nam, tuy nhiên lại được giới thiệu là “sáng tạo”, “cách tân” của nhà thiết kế đã khiến dư luận đặt dấu hỏi, ngạc nhiên và cả bất bình.

Nhìn lại sự việc, chủ đề của Tuần lễ thời trang  là "Một vành đai" và  BST của Ne.Tiger mang tên "Thuyền" - nhằm gợi nhớ lại sự kiện một tướng nhà Minh là Trịnh Hoà đã tìm hiểu các vùng Đông Nam Á từ thế kỷ 15 theo đường biển.

Tuy nhiên, một số thiết kế được giới thiệu cho thấy khá giống với áo dài của Việt Nam. Điều này đã gây tranh cãi khi áo dài, nón lá Việt Nam bấy lâu nay đã được xem như “bộ thương hiệu nhận diện” của văn hóa Việt Nam trên khắp toàn cầu.

Gây tranh cãi nữa có liên quan đến vấn đề bản quyền khi thương hiệu Ne.Tiger còn sử dụng hoa văn được cho là khá giống một thiết kế của NTK Việt Nam: Thuỷ Nguyễn. NTK Thuỷ Nguyễn đã bày tỏ bức xúc vì đây là hoa văn trong BST Áo dài Non nước mà cô đã giới thiệu trong chương trình “Tình Xuân” diễn ra ngày 24.1.2018. Trong khi BST tại Tuần lễ thời trang Xuân/Hè 2019 ở Bắc Kinh được giới thiệu vào cuối 2018 .

Theo giới thiệu của đại diện nhãn hàng thực hiện bộ sưu tập này, họ đã cử đội thiết kế tới Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào… trong vòng hơn một tháng để tìm hiểu về văn hóa và nét đặc sắc trong từng trang phục vùng miền để từ đó tinh chỉnh các yếu tố thiết kế như chất liệu, hình dáng. Nhãn hàng này cũng cho rằng họ "bảo tồn phục trang thời nhà Minh, sườn xám thời Thanh, cải tiến, thêm vào các phụ kiện, nón, thắt lưng, thêm các hoa văn mang màu sắc Đông Nam Á".

Giữa những tranh cãi, quan điểm khác nhau, dư luận đặt ra câu hỏi: Áo dài Việt có từ bao giờ? Theo tài liệu cung cấp từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, tiền thân áo dài được gọi là áo ngũ thân cổ đứng. Loại áo này nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác nhau vài đặc điểm như: nữ cổ áo thấp hơn nam, ống tay nữ hẹp hơn ống tay nam..., được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), ông là người đặt nền tảng cho hình hài của áo dài.

Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước (1802) đã kế thừa sự cải cách trang phục của chúa Nguyễn. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị là từ khu vực Huế trở vào Nam người dân đã quen rất nhanh với trang phục mới, thì trái lại ở miền Bắc người ta vẫn giữ các phong tục ăn mặc cũ tới tận thời nhà Nguyễn và thậm chí là thế kỷ XX, ví dụ phụ nữ miền Bắc vẫn mặc áo tứ thân với váy và yếm, bọc tóc trong khăn hoặc đội khăn mỏ quạ.

Tới năm 1836 - 1837 vua Minh Mạng sau chuyến tuần du ra Bắc Hà, tận mắt nhìn thấy người dân Bắc vẫn giữ kiểu ăn mặc cũ (tức vẫn mặc áo tứ thân) đã quyết định tiến hành cải cách trang phục triệt để. Từ đó Áo dài được phổ biến rộng trong cả nước.

Trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, họa sĩ Cát Tường là người khởi xướng cho phong trào cách tân áo dài truyền thống. Ông đã thiết kế áo dài gọn hơn, khoe vẻ đẹp người phụ nữ (trước đây áo dài che kín thân kín đáo) phù hợp với đời sống xã hội lúc bấy giờ. Họa sĩ Cát Tường đã thêm những yếu tố tạo hình mới vào áo dài như vai bồng, áo có cổ lá sen, tà áo hẹp hơn…

Kiểu áo dài chúng ta thường thấy hiện nay đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi.

Sao chép hay giao thoa văn hóa?

Cũng theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, áo dài phụ nữ Việt Nam luôn có sự cách tân, cải tiến. Phần lớn các nhà thiết kế vẫn tôn trọng vẻ đẹp của áo dài, giữ được các yếu tố tạo hình tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Vì vậy, qua các giai đoạn lịch sử, áo dài nữ đã được Việt Nam coi như Quốc phục.

Từ năm 1990, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Triển lãm xây dựng Đề án Quốc phục để tìm ra bộ trang phục mặc phổ biến trong công chức, nhà nước. Năm 2013, 2014, Đề án Quốc phục chuyển thành Đề án Lễ Phục nhà nước (xây dựng bộ trang phục sử dụng trong các nghi lễ nhà nước và ngoại giao). Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được giao nhiệm vụ xây dựng đề án này. Cục đã tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia về tiêu chí và định hướng thiết kế, sau đó tổ chức cuộc thi thiết kế Lễ phục.

 Qua ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, đại đa số đã đồng ý giữ nguyên áo dài của nữ làm bộ Lễ phục (Quốc phục). Bên cạnh đó các ý kiến cũng cho rằng cần tập trung tìm Lễ phục của nam giới. Tuy nhiên, Đề án này không kết thúc được bởi các bộ Lễ phục của nam giới do các nhà thiết kế gửi đến đều không đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ, không mang được bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam và ý kiến còn rất khác nhau về Lễ phục của nam giới.

Như vậy,  để thấy rằng không chỉ trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam mà cả trong các tài liệu nghiên cứu đều khẳng định sự tồn tại như một biểu tượng văn hóa vĩnh cửu của áo dài Việt.

Nhưng có một vấn đề đặt ra, đòi hỏi sự nhìn nhận khách quan, tránh đưa đẩy dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực. Đó là trong công cuộc hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, giao lưu, tiếp thu các giá trị văn hóa là xu hướng phổ biến trên thế giới. Xu thế đó cũng đòi hỏi có sự chắt lọc tinh hoa văn hóa trong các hoạt động, sự kiện giao lưu giữa các quốc gia trên thế giới. Việc hòa trộn, ảnh hưởng,  lấy cảm hứng từ phong cách Âu- Á, hay bản sắc của dân tộc nọ với dân tộc kia… trong các sản phẩm văn hóa và đặc biệt là thời trang cũng không phải là chuyện hiếm.

Tuy nhiên, trong trường hợp nêu trên, ê kip thực hiện bộ sưu tập đã không minh bạch, sòng phẳng khi sử sụng rất nhiều trang phục “sao chép”, thậm chí có mẫu còn sao chép cả họa tiết của nhiều bộ áo dài Việt Nam. Trong thiết kế thời trang  thì đây không thể coi là sản phẩm “sáng tạo”, “cách tân” hay là thiết kế của mình được. Vì lẽ này, trong những ngày qua dư luận và đặc biệt là giới nghề thiết kế đã bất bình khi những hình ảnh áo dài và họa tiết trên áo dài Việt đã bị xâm phạm.

Có điều, cần phải điềm tĩnh hơn là chỉ đưa ra những nhìn nhận mang tính chất bất bình, sự  bức xúc len lỏi và dường như đã thổi bùng trong dư luận không ít đánh giá, góc độ tiếp cận  tiêu cực. Rõ ràng, với lịch sử lâu dài và tần suất xuất hiện  ngày một phổ biến, áo dài Việt  đã luôn khẳng định một sức sống mạnh mẽ, là hành trang tự hào của mỗi người dân Việt Nam trên con đường giao lưu, hội nhập quốc tế. Áo dài và nón lá không chỉ sống trong cộng đồng mà còn là hình ảnh Việt Nam đầy thân thiện với bạn bè quốc tế.

Và bởi vậy, dù có cách tân, dù có những thay đổi như thế nào theo thời gian thì áo dài Việt Nam vẫn mãi mãi là một biểu tượng văn hóa bất biến, là niềm tự hào để người Việt khoe mình với thế giới. Không cần đến sự lên gân bởi với tấm áo này, chúng ta đã tự giới thiệu được  mình: Tôi là người Việt Nam!

BẢO NHÂN, ảnh minh họa

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top