Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Thăm dò, khai quật khu vực Chính điện Kính Thiên: Nhiều phát hiện quan trọng

Thứ Sáu 10/04/2020 | 10:41 GMT+7

VHO- Cuộc khai quật năm 2019 đã phát hiện nhiều di tích mới, gợi những nhận thức mới, góp phần thúc đẩy thêm một bước quan trọng trong tìm hiểu diện mạo khu Chính điện Kính Thiên, tăng thêm giá trị của Di sản Thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

 PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết cuộc khai quật thu được nhiều hiện vật quý

Đó là nhận định của các chuyên gia về kết quả cuộc khai quật vừa hoàn tất tại Di chỉ khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long năm 2019.

Phát lộ nhiều di vật quý giá

Thực hiện khuyến nghị của UNESCO, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 990m2. Kết quả khai quật năm 2019 đã có đóng góp thêm cơ sở khoa học về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích tại Khu vực Chính điện Kính Thiên.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội không tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khai quật khảo cổ năm vừa qua. Các chuyên gia nhận định, kết quả cuộc khai quật năm 2019 có nhiều phát hiện mới quan trọng, có thêm tư liệu để khẳng định khu vực chính tâm của Hoàng thành Thăng Long có lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài hơn 1.300 năm không hề đứt đoạn.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam), trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Đại La (tiền Thăng Long) khoảng thế kỷ thứ 8-9, dấu tích minh chứng rõ nhất là cống nước xây bằng gạch khá công phu chạy theo hướng Bắc Nam. Lớp văn hóa này hình thành trực tiếp trên nền đất sinh thổ. Địa tầng cho thấy, trước thế kỷ 8-9, ở đây chưa hề có di tích nào. Thế kỷ 10 tuy không hình thành tầng văn hóa riêng biệt nhưng có thể đoán khu vực này cũng có các dấu vết kiến trúc thông qua các đầu ngói ống trang trí hoa sen.

Cũng trong đợt khai quật 2019, tại tầng niên đại thời Trần xuất lộ một con lạch nhỏ hình thành tự nhiên chảy theo hướng Đông Tây, dấu tích này đã cắt phá hầu hết các nền đất thời Lý và thời tiền Thăng Long nơi con lạch chạy qua. Ở phía Nam con lạch này có dấu tích kiến trúc cống nước ngầm, chảy theo chiều Bắc Nam có xu hướng thoát xuống lạch nước này. Dấu tích nền móng thời Trần khá dày. Đến thời Lê Sơ con lạch này được lấp toàn bộ, đồng thời toàn bộ mặt bằng khu vực này được san lấp để xây dựng các kiến trúc móng tường, móng cột. Dấu tích san lấp nền móng thời Lê Sơ xuất hiện trên diện rộng, bao trùm hết cả khu vực hố khai quật.

Thời Lê Trung Hưng có lớp móng nền có diện tích tương đồng với móng nền thời Lê Sơ, đồng thời mật độ xây dựng nhiều, có hệ thống kiến trúc có móng cột kích thước rất lớn và hệ thống sân vườn khá quy củ. Khoảng cuối thời Lê Trung Hưng sân vườn bị bỏ nhường chỗ cho hệ thống ao/ hồ được xây dựng to lớn công phu với hai tường bằng gạch vồ, đường nét uốn lượn khá cầu kỳ. Thời Nguyễn, toàn bộ dấu tích nói trên được san lấp để xây dựng các kiến trúc thời Nguyễn. Lần đầu tiên dấu tích kiến trúc có móng cột thời Nguyễn xuất hiện ở khu vực điện Kính Thiên được xây dựng quy mô và cẩn thận. Cuối cùng đến lượt các kiến trúc Nguyễn bị phá hủy, thay vào đó là các kiến trúc thời Pháp thuộc.

Cuộc khai quật đã tìm thấy nhiều di vật quý, trong đó điển hình là một số viên gạch bìa in hình hoa văn ô trám (TK 3-6), ngói âm dương xám, đầu ngói hoa sen và bát gốm men màu (TK 7-9). Thời Đinh- Tiền Lê là một số đầu ngói màu đỏ có hình cánh sen. Đặc biệt, tại địa tầng thời Lý, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các chân tảng đá cát, mảnh lá đề hình rồng cỡ lớn, mảnh mào tượng rồng cỡ lớn bằng đất nung cùng một số mảnh gạch lát hoa sen, hoa cúc. Thời Trần có các loại hình di vật như: Gạch in chữ Vĩnh Ninh trường, gạch vuông, ngói sen, ngói mũi lá, gốm men nhiều loại của Việt Nam, một số ít của Trung Quốc. Số lượng hiện vật thời Trần được tìm thấy khá nhiều tại lần khai quật này.

Địa tầng thời Lê Sơ và thời Mạc có nhiều mảnh ngói rồng tráng men vàng, men xanh cùng với đó là gạch vồ (có viên có chữ), các chân tảng đá đặc trưng của thời Lê Sơ. Số lượng hiện vật thời này khá nhiều, đặc biệt dòng gốm hoa lam thời Lê - Mạc chiếm số lượng lớn (đồ gốm hoa lam vẽ rồng và hoa sen). Thời Lê Trung Hưng: Gạch ngói, gạch hộp rỗng trang trí hoa cúc, các loại gốm men. Số lượng mảnh hiện vật thời Lê Trung Hưng cũng tương đối nhiều.

Việc phát hiện cống nước gạch kiên cố thời Đại La trong đợi khai quật lần này được xem là đặc biệt giá trị, là minh chứng cho giả thiết trung tâm của thành Đại La vẫn là trung tâm Hoàng thành Thăng Long. GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc (Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô) nhấn mạnh, việc phát hiện ra dấu tích văn hóa Lý và đặc biệt là dấu tích văn hóa trước Lý (hay Tiền Thăng Long) ở khu vực này là rất quan trọng. Những dấu tích kiến trúc Tiền Thăng Long có thể là những mảnh còn sót lại của các điện Nhật Quang, Long Thụy thời kỳ đầu định đô Thăng Long.

 Chỉ với 990m2, các nhà khảo cổ học đã giải mã được nhiều câu hỏi liên quan đến quy mô cũng như tính liên tục của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Cần phương án tiếp tục khai quật quy mô lớn

Theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia), kết quả khai quật đã cung cấp nhiều tư liệu từ trong lòng đất có giá trị và cùng tư liệu kết quả khai quật các năm 2017, 2018 đã khẳng định khu vực thành cổ Hà Nội và khu 18 Hoàng Diệu là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long - trung tâm quyền lực phát triển liên tục hơn 1.000 năm lịch sử.

PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành) nhận định, kết quả cuộc khai quật năm 2019 đã tiếp tục thu được nhiều phát hiện mới quan trọng, góp phần minh chứng rõ hơn, sâu hơn và toàn diện hơn về các di tích của thời Lê (Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng) ở khu vực này, đồng thời cho thấy rõ khu vực trục trung tâm cũng có nhiều loại hình di tích của các thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, có lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài hơn 1.300 năm không hề đứt đoạn, từ thời Đại La, Đinh – Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê. PGS.TS Bùi Minh Trí nhấn mạnh, phát hiện mới về dấu tích kiến trúc sân vườn thời Lê Trung Hưng gồm đường đi và hệ thống bồn hoa nằm dọc hai bên đường là đặc biệt quan trọng, minh chứng rõ hơn về trình độ quy hoạch không gian và cảnh quan sân vườn của các công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long đương thời.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) nhấn mạnh, các dấu tích kiến trúc phát hiện cùng những di vật đầy đủ từ thời Tiền Thăng Long đến Lê Trung Hưng là những tư liệu quý giúp cho việc khôi phục không gian Điện Kính Thiên.

GS Nguyễn Quang Ngọc nhận định, hai dấu tích bó nền, một dấu tích kiến trúc có một móng cột chứng tỏ thời Lê Sơ đã xây dựng ở đây nhiều công trình quan trọng, cho ta hình dung cụ thể hơn, rõ ràng hơn về không gian kiến trúc Lê Sơ ở phía sau nền điện Kính Thiên. Khu vực này tuy không thật đồ sộ, hoành tráng như ở phía trước, nhưng cũng cho chúng ta nhận ra một không gian điện Kính Thiên tổng thể, hiện thực và hợp lý, góp phần phục vụ hiệu quả cho chương trình phục dựng Không gian điện Kính Thiên.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu nêu, năm 2020 và các năm sau tập trung khai quật trục trung tâm Đoan Môn - Kính Thiên - Hậu Lâu - Bắc Môn để có thêm tư liệu phục hồi không gian Điện Kính Thiên. PGS.TS Bùi Minh Trí đề nghị Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cần có phương án tiếp tục đầu tư khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực này, nhưng với quy mô lớn hơn và đầu tư kinh phí xứng tầm hơn.

Còn theo TS Phạm Quốc Quân, khai quật và thăm dò Kính Thiên và xung quanh vẫn là ưu tiên hàng đầu, cần tập trung để có kết quả phục vụ đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên. 

 HOÀNG VY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top