Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Tháo gỡ, điều chỉnh những vấn đề “nóng”

Thứ Sáu 24/04/2020 | 11:02 GMT+7

VHO- Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Dự thảo này soạn thảo trên cơ sở quan điểm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích của các nghệ sĩ.

 Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung lần này, Ban soạn thảo đã tiếp thu và điều chỉnh nhiều vấn đề được dư luận quan tâm. Trong ảnh: Nhiều nghệ sĩ vui mừng và vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND Ảnh: P.V

 Đặc biệt, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc trong thực tiễn góp phần tháo gỡ những điểm còn hạn chế trong quá trình xét tặng mà vẫn bảo đảm tính khách quan, công bằng và tôn vinh giá trị của danh hiệu vinh dự Nhà nước.

“Điểm danh” những vướng mắc

Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTTDL), những quy định còn vướng mắc sẽ được tập trung sửa đổi, bổ sung là các quy định liên quan đến cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp; tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu; Hội đồng xét tặng danh hiệu các cấp; tỉ lệ % thông qua của Hội đồng các cấp…

Nghị định 89 là căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh những cá nhân có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Triển khai thực hiện Nghị định từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức được 2 đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, qua đó Chủ tịch nước đã có Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND cho 186 nghệ sĩ, danh hiệu NSƯT cho 686 nghệ sĩ... Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình xét tặng danh hiệu do một số quy định của Nghị định 89 chưa phù hợp với thực tiễn. Đơn cử về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Trên thực tế, đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, cơ bản việc đào tạo diễn viên do các Trường VHNT chuyên nghiệp đào tạo nhưng có không ít các nghệ sĩ được đào tạo mang tính truyền nghề. Các nghệ sĩ đó hiện nay phần lớn tuổi đời cao, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương và tuồng cổ. Qua đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 8 và lần thứ 9, Hội đồng các cấp thống nhất tính thời gian tham gia nghệ thuật chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ được xét cụ thể từng hồ sơ trên cơ sở thông tin cá nhân có xác nhận của Sở ngành có thẩm quyền ở địa phương, nơi cá nhân được xét hồ sơ. Với quy định này, sẽ tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, có nhiều đóng góp ở một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống…

Chuyện số lượng huy chương, giải thưởng từng “nóng” tại các kỳ xét tặng trước cũng là nội dung được điều chỉnh ở dự thảo Nghị định lần này. Ông Cẩn cho hay, trong đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 8, 9, có một số trường hợp chưa đạt tiêu chuẩn về giải thưởng nhưng được Hội đồng các cấp thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét vận dụng về số lượng huy chương để đề nghị Chủ tịch nước xét phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho một số nghệ sĩ. Đó là những nghệ sĩ lão thành, có nhiều đóng góp trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước; các nghệ sĩ là người dân tộc, tham gia tích cực phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật tại địa phương, các nghệ sĩ hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, cải lương, ít có cơ hội tham gia các Liên hoan, Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; các nghệ sĩ là giảng viên các Trường đào tạo VHNT chuyên nghiệp của Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng do vừa tham gia giảng dạy, vừa là thành viên Ban giám khảo, Hội đồng chấm thi, đồng thời tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật lớn phục vụ hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các nhiệm vụ chính trị nhưng khó tham gia các Liên hoan, Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc; nghệ sĩ đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đoạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế; các nghệ sĩ hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch do đặc thù ngành nghề ít có các cuộc thi được tổ chức.

Ông Phùng Huy Cẩn cũng nêu, về tỉ lệ phiếu bầu tại các Hội đồng xét tặng giải thưởng, quy định tỉ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% của tổng số thành viên Hội đồng là khó khăn, bởi thực tế khó thống nhất tuyệt đối trong đánh giá tài năng nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc. Vì thế, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung lần này sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng NSND Trần Hạnh tại Lễ trao tặng Danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX-2019 Ảnh: TR.HUẤN

Xét danh hiệu cho nghệ sĩ nhiều cống hiến nhưng thiếu huy chương

Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã nghiên cứu, thảo luận nhiều nội dung trên cơ sở tiếp thu ý kiến trao đổi của các đại biểu, chuyên gia chuyên ngành, các nghệ sĩ tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ do Bộ VHTTDL tổ chức tại 2 khu vực phía Bắc, Nam, cũng như trên cơ sở lắng nghe ý kiến dư luận xã hội về những vướng mắc trong công tác xét tặng.

Trong các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, ngoài sửa đổi về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, nội dung được dư luận quan tâm là về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu. “Dự thảo Nghị định quy định trong tổng số giải thưởng mà cá nhân được tính, phải có ít nhất 1 giải thưởng dành riêng cho cá nhân để khẳng định uy tín cá nhân của nghệ sĩ được xét danh hiệu. Đặc biệt, dự thảo quy định nội dung xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng chưa đủ tiêu chuẩn về huy chương, là những nghệ sĩ lão thành, có nhiều đóng góp trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật tại địa phương; các nghệ sĩ là người dân tộc, các nghệ sĩ hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, cải lương, ít có cơ hội tham gia các Liên hoan, Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng tích cực phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật tại địa phương, tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước…”, ông Cẩn cho biết.

Thực tế qua đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2015, 2018, có một số nghệ sĩ không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định giải thưởng nhưng vẫn được xem xét tại các cấp Hội đồng, được các cấp Hội đồng đánh giá có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng đặc cách danh hiệu NSND, NSƯT.

Về số lượng thành phần Hội đồng các cấp, theo Ban soạn thảo, việc giảm số lượng thành viên là đại diện các cơ quan, tổ chức hành chính tại ba cấp Hội đồng là cần thiết. Thành viên Hội đồng chủ yếu là các chuyên gia, các nhà chuyên môn sẽ đánh giá chính xác hơn về những cống hiến, đóng góp và tài năng nghệ thuật của nghệ sĩ ở từng lĩnh vực chuyên ngành, góp phần tôn vinh tài năng của nghệ sĩ và tôn vinh được giá trị của danh hiệu. Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, số lượng thành viên Hội đồng các cấp giảm nhưng vẫn đảm bảo số lượng các nhà chuyên môn, chuyên gia cơ bản đạt 2/3 trong thành phần Hội đồng... n

 Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng cho biết, để tránh “bỏ sót” việc tôn vinh các nghệ sĩ thực sự tài năng, Bộ VHTTDL thấy rằng cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của Hội đồng cấp Nhà nước: “Xem xét đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và bỏ phiếu đối với các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, nhưng chưa đạt tỉ lệ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định”.

 HÀ PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top