Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa: Không thể coi đầu tư cho văn hóa theo kiểu "giải ngân"

Thứ Sáu 12/06/2020 | 10:13 GMT+7

VHO-  Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW cũng nhấn mạnh nội dung “Tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế”.

 

 Cách đây gần 2 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” đã tạo nên cú hích quan trọng trong việc bảo tồn di sản dân tộc

 

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian VN, người có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với hoạt động văn hóa cơ sở cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, tăng cường nguồn lực cho văn hóa cần phải xem là vấn đề cấp bách, bởi mọi sự phát triển nếu không dựa trên nền tảng là các giá trị văn hóa thì sẽ khó bền vững.

P.V: Thưa ông, Kết luận của Bộ Chính trị vừa mới ban hành một lần nữa nhấn mạnh quan điểm trụ cột “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế cần được nhìn nhận như thế nào?

- TS Trần Hữu Sơn: Trước hết phải nhìn nhận thế nào là tăng cường các nguồn lực và vì sao phải tăng cường nguồn lực cho phát triển văn hóa? Đây là vấn đề cấp bách và ở tầm nhìn dài hạn thì đó là vấn đề cốt lõi trong mọi sự phát triển. Kinh tế muốn phát triển bền vững thì văn hóa chính là yếu tố động lực, bao trùm. Ví dụ, chữ tín trong kinh doanh, nghệ thuật kinh doanh... đều bắt nguồn từ nguồn lực văn hóa. Giai đoạn hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi quan niệm trước đây rằng văn hóa chỉ là ngành tiêu tiền. Công nghiệp văn hóa trong các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, game, các phương tiện công cụ trên mạng xã hội đã khai thác yếu tố văn hóa và mang lại nguồn thu rất lớn.

Trong lĩnh vực du lịch cũng vậy, nếu không có những ý tưởng, tài nguyên về văn hóa thì không thể phát triển được. Một điểm du lịch nếu được đầu tư bài bản về văn hóa thì sẽ phát triển, còn nếu chỉ mang tính chộp giựt, thời vụ thì sẽ tàn lụi. Bài học của Hội An là kinh nghiệm của sự phát triển dựa trên văn hóa. Từ những di sản truyền thống được khai thác, mở rộng ra các loại hình để xây dựng thành các mô hình sinh hoạt văn hóa, hoạt động trải nghiệm thú vị, hấp dẫn, tạo điều kiện cho du lịch cất cánh. Phía sau những hoạt động bề nổi đó là tầng sâu của văn hóa, những giá trị di sản phi vật thể, hồn cốt tạo nên sức thu hút cho du lịch Hội An…

Nói như vậy để thấy rằng, vai trò của công nghiệp văn hóa sẽ ngày càng phát triển và đóng một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của đất nước. Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore và nhiều quốc gia đã cho thấy điều đó. Bởi vậy, định hướng tăng cường nguồn lực cho văn hóa, đầu tư phát triển văn hóa tương xứng với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội có một vai trò đặc biệt quan trọng.

Kết luận của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững... Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Chăm trình diễn tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây – Hà Nội) Ảnh: TR.HUẤN

Vậy cần có những giải pháp ra sao để thực hiện định hướng trên, thưa ông?

- Phải nhìn nhận một thực tế là trong nhiều năm qua, dù đã có những thay đổi tích cực song mục tiêu “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Kết luận của Bộ Chính trị nhấn mạnh về tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế chính là nhằm tiếp tục thực hiện quan điểm xương sống này. Thực tế, không ít địa phương vẫn chưa có sự đầu tư cho văn hóa tương xứng với mức độ tăng trưởng kinh tế. Nơi nào quan tâm thì có sự đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, và ngược lại. Nhìn vào con số thống kê mức độ đầu tư cho văn hóa ở nhiều địa phương thì sẽ thấy ngay thực trạng này. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng dành những khu đất đẹp, địa thế “vàng” vốn là nơi tọa lạc của các công trình thiết chế văn hóa, thể thao cho các khách sạn, nhà hàng, địa điểm kinh doanh. Trên thực tế chúng ta đã chứng kiến có nhiều hiệu sách nhân dân, nhà văn hóa, thư viện... bị thay đổi vị trí nhiều lần, ngày càng lùi sâu trong ngõ ngách hơn. Vì sao lại có chuyện như thế? Đó là hệ quả của tâm lý đặt nặng kinh tế hơn văn hóa. Vậy, giải pháp nào để văn hóa phát triển tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế? Theo tôi, cần xây dựng cơ chế cụ thể, định mức rõ chỉ tiêu đầu tư dành cho văn hóa là bao nhiêu phần trăm, lộ trình đầu tư cho văn hóa đến năm 2025 - 2030 là bao nhiêu, chi cho văn hóa là chi cho những mục gì. Không thể coi đầu tư cho văn hóa theo kiểu “giải ngân” bằng việc chăm chăm xây dựng cơ bản mà không chú trọng nội hàm, hồn cốt văn hóa.

Chẳng hạn, một khu du lịch của người Dao để thực sự có hồn thì phải nghiên cứu, khảo sát các giá trị cốt lõi để bảo tồn, phát huy chứ không phải cứ đổ ra nhiều tỉ đồng để xây lấy được một nhà văn hóa, trong khi người Dao lại thấy hoàn toàn xa lạ với văn hóa của họ. Do vậy, đầu tư cho văn hóa phải thực sự cụ thể và thực chất.

Không thể coi đầu tư cho văn hóa theo kiểu “giải ngân” bằng việc chăm chăm xây dựng cơ bản mà không chú trọng nội hàm, hồn cốt văn hóa.

 Nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng như thế nào trong thực hiện mục tiêu này, thưa ông?

- Nguồn lực con người luôn là nguồn lực quan trọng nhất. Nguồn lực này bao gồm đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ chuyên môn. Cần có những con người hiểu biết văn hóa, tài năng và đam mê. Nếu chỉ chăm chăm có lợi mới làm thì không bao giờ làm văn hóa được. Ngoài ra còn có những nguồn lực khác cũng rất quan trọng như cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin vào sự phát triển văn hóa. Nếu không có đổi mới về cơ sở vật chất thì rất khó. Các đội thông tin lưu động nếu vẫn hoạt động như cách đây 5-10 năm về trước cũng không thu hút được người dân đến xem. Bây giờ không còn là thời đốt đuốc đi xem chiếu bóng, xem văn nghệ nên cần có sự chuyển đổi kịp thời. Nếu không đổi mới cập nhật thì hoạt động của thư viện, bảo tàng, đoàn nghệ thuật sẽ không thể phát triển.

Chẳng hạn, thiết chế bảo tàng vẫn hoạt động như truyền thống thì sẽ không thu hút được du khách. Bảo tàng phải gắn với du lịch, trở thành một điểm đến du lịch. Những khu du lịch mà không phát triển bảo tàng cũng không được. Tôi đã đề xuất ở Sa Pa cần có ít nhất vài bảo tàng chuyên đề, quy mô nhỏ thôi nhưng để thu hút du khách. Phải coi bảo tàng hay các thiết chế văn hóa khác như một cửa hàng, đáp ứng nhu cầu của khách chứ không phải cứ xây to, hoành tráng mà vô hồn cốt.

 Đồng bào Tây Nguyên trình diễn văn hóa cồng chiêng tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây – Hà Nội)

Thưa ông, ngoài việc cần có định mức cụ thể, rõ ràng chỉ tiêu dành cho văn hóa thì còn cần có những giải pháp nào khác trong việc thực hiện mục tiêu tăng cường các nguồn lực phát triển văn hóa?

- Cần đổi mới cách đặt hàng đối với các đơn vị sự nghiệp công, đi kèm là kinh phí đầu tư. Hiện nay ở nhiều tỉnh, thành phố có không ít đơn vị hoạt động văn hóa đang rất khó khăn, vì vậy cần phải có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ phát triển, hằng năm đặt hàng những gì. Chẳng hạn như muốn đẩy mạnh tuyên truyền ở vùng dân tộc, miền núi thì phải lên kế hoạch, có ngân hàng dữ liệu đưa lên mạng để tuyên truyền. Ngoài ra, khu vực nào có thể thúc đẩy phát triển dịch vụ, tạo nguồn thu thì cũng cần có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện.

Quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy, từ đó tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư cho văn hóa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa thì cũng cần có những đầu tư để giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật như chèo, tuồng, cải lương..., để những loại hình này vẫn có chỗ đứng vững chắc trong cơ chế thị trường.

Xin cảm ơn ông! 

 

ĐẠI BIỂU NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG, PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QH TỈNH QUẢNG BÌNH, ỦY VIÊN ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QH:

“Đường hướng đã rõ, còn lại là giải pháp thực hiện”

Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW đã chỉ rõ những mặt đã làm được, những điều còn hạn chế để tiếp tục đưa nghị quyết mang tính chất là “hồn cốt” của dân tộc này đi vào cuộc sống. Nghị quyết số 33 đã đi vào cuộc sống 5 năm, gắn liền với đó là nhiều dự án bảo tồn văn hóa, nhiều công trình văn hóa đã được nhiều cấp, nhiều ngành quan tâm đầu tư. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, ở nhiều nơi, nhiều cấp vẫn chưa xem Văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế nên từ nhận thức cho đến việc dùng nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa còn hạn chế, nếu không nói là còn ít.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương

Điều đó dẫn đến nhiều giá trị nghệ thuật truyền thống bị mai một, nhiều di tích có giá trị về nhiều mặt đối diện với nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng; những công trình văn hóa, những thiết chế văn hóa ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa ít được quan tâm đầu tư để tạo ra sự hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Một thực trạng khác và đáng báo động như Kết luận của Bộ Chính trị đã nêu ra, “đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh”…

Chính vì những tồn tại, hạn chế ấy cho nên việc Bộ Chính trị ra Kết luận và nhấn mạnh rằng cần “Tăng cường các nguồn lực cho phát triển Văn hóa, tương xứng với phát triển kinh tế” là rất đúng đắn và kịp thời. Ở đây và lần này Bộ Chính trị đã đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn lực cho phát triển văn hóa phải tương xứng với phát triển kinh tế, vì thế trong kế hoạch phát triển chung và địa phương nói riêng, thì Văn hóa phải được ưu tiên, ngang hàng với chính trị và kinh tế. Vấn đề mà chúng ta quan tâm trong thời gian tới là Chính phủ và Bộ, ngành cụ thể hóa Kết luận của Bộ Chính trị như thế nào để nó thực sự đi vào đời sống. Nói cách khác, chủ trương và đường hướng của Đảng đã rất rõ ràng và cụ thể, còn lại là giải pháp triển khai như thế nào trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp xúc với cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, nhiều cử tri đánh giá cao những thành tựu về kinh tế - xã hội và đặc biệt là Việt Nam đã từng bước vượt qua đại dịch Covid-19, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ thì nhiều người bày tỏ sự bức xúc trước sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Vì thế việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33, trong đó có nội dung tăng cường giáo dục về đạo đức, lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái” là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. 

 

 ĐẠI BIỂU LƯU BÌNH NHƯỠNG, PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI:

“Đầu tư cho văn hóa như đầu tư cho dãy đê ngăn lũ”

Trong không khí đại hội Đảng các cấp, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Có thể nói đây là một trong những điểm nhấn rất quan trọng để các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục nâng cao nhận thức vị trí, vai trò của Văn hóa đối với sự phát triển đất nước, của địa phương mình. Kết luận của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc…”, vì thế chúng ta cần tập trung nguồn lực hơn nữa cho việc xây dựng một “dãy đê văn hóa”. Bởi nếu “dãy đê văn hóa” không chắc chắn, không bền vững thì chỉ cần một cơn sóng lớn là có thể càn quét, cuốn trôi tất cả những nỗ lực.

 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Trên thực tế, vấn đề đầu tư cho Văn hóa đã được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, và quán triệt từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được như mong muốn. Muốn xã hội phát triển, người dân được ấm no, hạnh phúc thì chúng ta phải xây dựng nền tảng văn hóa vững chắc. Cho nên việc đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển, ổn định đất nước, đầu tư cho con người. Nếu người dân thấm đẫm những giá trị văn hóa thì họ sẽ có tình yêu thương, không ruồng bỏ, độc ác với nhau. Từ đó xã hội mới ổn định và phát triển. Cạnh đó, chúng ta cần ưu tiên đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa, một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa. Vấn đề cơ bản lúc này là Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học cần nghiên cứu, chỉ rõ những công trình trọng điểm nào cần được tăng cường đầu tư, xây mới để tạo không gian văn hóa cho những công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn về vật chất, tinh thần cho xã hội. Nhưng cũng phải tránh tình trạng tham mưu không tốt, xây dựng những công trình nguy nga, tráng lệ, phản văn hóa, không hợp thời… Chúng ta cần phải đầu tư để làm sao gìn giữ được văn hóa của dân tộc, tránh tiếp thu văn hóa ngoại lai không phù hợp với truyền thống, nếp sống của con người Việt Nam.

Kết luận của Bộ Chính trị được ban hành trong thời điểm này là rất phù hợp bởi chúng ta rất cần đến vai trò của Văn hóa trong việc đánh giá, lựa chọn được đội ngũ cán bộ có văn hóa, đạo đức, có tác phong học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng môi trường văn hóa xã hội, nhất là sau khi đất nước vừa trải qua đại dịch Covid-19. Văn hóa ở đây được nhấn mạnh ở những khía cạnh, thứ nhất là văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, kể cả người lãnh đạo mà hiện nay Đảng đang muốn xây dựng những người lãnh đạo phải gương mẫu, liêm khiết, hết lòng phục vụ nhân dân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Một khía cạnh nữa là chúng ta đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, khơi dậy ý thức thức dân tộc gắn với đạo lý truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”… Dù ở khía cạnh nào đi nữa thì chúng ta cần nhấn mạnh đến sự nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quan tâm chăm lo, đầu tư cho bảo tồn, phát triển văn hóa. Nhận thức đó cần đi liền với những hành động thiết thực, cụ thể nhưng lại phải tránh cho được tình trạng phô trương, hình thức, lãng phí…

 

 

PHƯƠNG ANH - THU SÂM (thực hiện); ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top