Pháo sáng vẫn đỏ sân Hàng Đẫy, Hà Nội: Thách thức trước những nỗ lực

VHO- Văn Hóa đã đề cập đến vấn nạn pháo sáng như một thực tại nhức nhối trên sân Hàng Đẫy, Hà Nội trong nhiều mùa giải qua, nhất là khi CLB Hà Nội đối đầu với CLB Hải Phòng. Nhiều người cũng từng hy vọng với nỗ lực từBTC giải, BTC sân, Công an TP Hà Nội khi huy động tới 500 người làm nhiệm vụ an ninh trong trận đấu Hà Nội gặp Hải Phòng vào tối 17.7, sẽ ngăn được pháo sáng, tiền âm phủ. Thế nhưng...

Pháo sáng vẫn đỏ sân Hàng Đẫy, Hà Nội: Thách thức trước những nỗ lực - Anh 1

 CĐV Hi Phòng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy Ảnh: HẢI ĐĂNG

 Và câu trả lời là pháo sáng và tiền âm phủ vẫn xuất hiện ở sân Hàng Đẫy. Vậy phải chăng chúng ta đã và đang bất lực trước nạn pháo sáng từ CĐV Hải Phòng?

BTC giải, BTC sân “bó tay”?

Trưa qua 19.7, trước câu hỏi phải chăng BTC giải đã bất lực trong việc ngăn chặn nạn pháo sáng, mà nặng nề nhất là trên sân Hàng Đẫy, Hà Nội, mỗi khi CLB Hà Nội gặp CLB Hải Phòng? Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) – đơn vị tổ chức giải Trần Anh Tú cho biết trước trận đấu giữa CLB Hà Nội và CLB Hải Phòng, BTC điều hành giải cũng đã có nhiều cuộc làm việc với BTC sân và lực lượng an ninh, lên các phương án nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho trận đấu, nhất là các biện pháp để ngăn chặn pháo sáng.

“Chúng tôi cũng đã nỗ lực hết sức nhưng cuối cùng thì đã không ngăn chặn được. Ở đây có nguyên nhân phần lớn đến từ việc trong số các CĐV Hải Phòng đến sân có nhiều người cố tình gây rối, phá hoại nên đã tìm mọi cách đem pháo vào sân và tìm cách đốt pháo. Chúng tôi sẽ có cuộc làm việc với bên an ninh để bàn về các phương pháp giải quyết tình trạng này một cách triệt để”, ông Tú cho biết. Đúng là với chức trách của mình, BTC giải, BTC sân không thể một mình ngăn chặn tình trạng pháo sáng mà phải trông chờ vào sự giúp sức của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trong một trận đấu mà có tới 500 nhân viên làm nhiệm vụ an ninh, huy động cả chó đặc vụ, cổng từ, máy soi như ở sân bay nhưng cuối cùng pháo sáng vẫn lọt vào sân. Câu hỏi lại được đặt ra là việc kiểm soát người vào sân trong trận đấu này như thế nào? Trả lời về vấn đề này, ông Trần Anh Tú cho biết, lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát gặp khá nhiều khó khăn khi những quy định hiện thời chưa cho phép họ rà soát, khám xét khán giả trước khi vào sân nên các CĐV đã lợi dụng kẽ hở này.

Nói về các chiêu trò mang pháo vào sân, một CĐV Hải Phòng cho biết, việc nhét pháo vào giữa bánh mỳ rồi dùng ròng rọc kéo vào sân giờ đã “xưa” rồi. Bởi với lực lượng an ninh dày đặc, có mặt khắp sân, làm theo cách này sẽ mang lại nhiều rủi ro. Vì thế pháo có thể vẫn kẹp giữa bánh mỳ nhưng CĐV vẫn mang vào sân bằng cách vừa đi, vừa ăn nên qua được các chốt kiểm tra. Không những thế các CĐV nữ cũng được tận dụng tối đa để mang pháo sáng vào sân ở những chỗ nhạy cảm trên cơ thể, khiến lực lượng an ninh không thể kiểm soát được. Thậm chí, pháo còn được các CĐV Hải Phòng trà trộn vào sân và gài sẵn dưới ghế ngồi từ trước hôm diễn ra trận đấu và khi vào trận là che chắn cho nhau để mang ra đốt. Chính vì nhiều chiêu thức nên ngay cả máy soi, cổng từ, máy quét của lực lượng an ninh cũng phải “bó tay” trước sự tinh quái của các CĐV Hải Phòng. Không những thế nhóm CĐV này còn sử dụng chiêu đồng loạt ùa vào sân, khiến lực lượng an ninh bị quá tải không thể kiểm soát hết được.

Vẫn ngang nhiên thách thức

Trên Facebook trước trận đấu vài ngày, các CĐV Hải Phòng đã đăng tải những hình ảnh tiền trạm trước chuyến “đổ bộ” về Hà Nội vào ngày 17.7. Và dù trước trận đấu 4 ngày, Công an thành phố Hà Nội tuyên bố lực lượng chức năng sẽ sử dụng tối đa các loại thiết bị kỹ thuật như cổng từ, máy soi để ngăn chặn, không cho CĐV mang chất cấm, hung khí, vật liệu nổ và các chất cấm khác vào trong sân. Công an Hà Nội cũng cho biết, sẽ sử dụng các hình ảnh camera giám sát thu thập được để xác định rõ và chính xác cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật tại sân bóng đá, đặc biệt sẽ xử lý nghiêm và truy tố trước pháp luật cá nhân nào thực hiện và tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an toàn trận đấu, an ninh tính mạng, sức khỏe của người khác.

Thế nhưng các CĐV Hải Phòng vẫn ngang nhiên diễu hành, tập trung đốt pháo sáng trước khi bắt đầu di chuyển lên cầu Vĩnh Tuy khiến giao thông tại đây ùn tắc. Đến sân Hàng Đẫy, họ lại làm nóng không khí bằng việc đốt pháo sáng bên ngoài sân. Thậm chí đốt khoảng 6 quả pháo sáng trong thời gian thi đấu, trong đó có một quả được ném xuống sân. Rất may lực lượng an ninh đã có kinh nghiệm hơn các mùa trước trong việc xử lý nên đã không có tình huống đáng tiếc nào xảy ra. Tuy có giảm khoảng 1/10 so với số pháo sáng được đốt trong trận đấu vào năm ngoái nhưng điều đó vẫn đe dọa sự an toàn trên sân và là một lời thách thức cho những nỗ lực từ lực lượng an ninh đến BTC giải, BTC sân.

Sau trận đấu, trên Facebook một số CĐV Hải Phòng kêu ca về việc BTC sân đối xử tệ khi chỉ bán vé hạn chế cho CĐV Hải Phòng, không cho mang trống, kèn, loa vào sân khi chưa đăng ký trước với BTC, giới báo chí chỉ viết một chiều khi không nhìn thấy việc CĐV Hải Phòng bị đối xử tệ ở sân Hàng Đẫy rồi pháo sáng là xấu, cả thế giới phản đối. Thậm chí một số CĐV còn trích lại những bài viết nói về sự bất lực của sân Hàng Đẫy trước vấn nạn pháo sáng của CĐV Hải Phòng như một cách để hả hê cho chiến thắng.

Và vì thế pháo sáng sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh lớn với bóng đá Việt Nam nếu các CĐV Hải Phòng không tự nâng cao ý thức, vẫn còn muốn gây rối trong khi các lực lượng chức năng chưa đủ quyết liệt để ngăn chặn vấn nạn này. 

TRUNG DŨNG

Ý kiến bạn đọc