Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

"Muốn đi đường xa, đường dài hãy đi cùng nhau!"

Thứ Sáu 14/08/2020 | 11:06 GMT+7

VHO- Bắt đầu từ ngày mai 15.8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Hội Di sản văn hóa Việt Nam (DSVH) lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội sẽ diễn ra trong hai ngày với sự tham dự của hơn 300 đại biểu, đại diện cho hơn 1 vạn hội viên Hội DSVH Việt Nam.

 

Nhân dịp này, PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội DSVH Việt Nam đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi.

P.V: Thưa ông, Hội DSVH Việt Nam bước vào nhiệm kỳ thứ IV ở tuổi 17. Ông có thể cho biết một số kết quả Hội đã đạt được trong những năm qua?

- PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Ngay từ ngày đầu thành lập, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã xác định nhiệm vụ hàng đầu, đồng thời cũng là lý do ra đời, tồn tại và phát triển của Hội là phải góp phần tích cực, có hiệu quả cùng với Nhà nước và xã hội làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tư tưởng đó đã được thể hiện xuyên suốt, nhất quán từ Điều lệ Hội, nghị quyết các kỳ đại hội, nghị quyết các hội nghị Ban Chấp hành và chương trình công tác hằng năm của Hội, cho tới hoạt động cụ thể của các tổ chức thành viên trong toàn Hội.

Từ chỗ chỉ có gần 600 hội viên buổi đầu thành lập, đến tháng 7.2020, Hội đã có hơn 10.000 hội viên sinh hoạt ở 11 hội cấp tỉnh, 3 liên chi hội, 5 câu lạc bộ, 101 chi hội (chưa kể các chi hội thuộc các hội cấp tỉnh, thành phố), 2 hội viên tập thể; 17 đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Hội gồm: Văn phòng Hội, Văn phòng Đại diện Hội khu vực phía Nam, Tạp chí Thế giới Di sản in và điện tử, Ấn phẩm tiếng Anh Vietnam Heritage; 8 công ty, 6 trung tâm và Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

Có thể nói, chính sự đa dạng và linh hoạt về hình thức tổ chức phù hợp với tính chất của một hội xã hội - nghề nghiệp, không chỉ là lợi thế để tập hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, mà còn thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trên các lĩnh vực khác tâm huyết với di sản văn hóa, tự nguyện gia nhập Hội, cùng nhau tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, theo tính chất, đặc điểm và điều kiện cụ thể. Điểm lại quá trình gần 17 năm qua, phương châm, thực tiễn hoạt động và những kết quả đã đạt được của Hội DSVH Việt Nam, tôi thấy quả đúng như đúc kết: “Muốn đi nhanh thì đi một mình; muốn đi đường xa, đường dài thì hãy đi cùng nhau”.

Xin ông nói rõ hơn về sự đa dạng của các thành phần tham gia Hội?

- Nói một cách hình ảnh thì với tổ chức, đội ngũ sâu, rộng và đa dạng thành phần tham gia như hiện nay, Hội DSVH Việt Nam tựa như đội quân đa “binh chủng” tham gia vào việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa trên cả hai “mặt trận”: Tham mưu, tư vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học, xây dựng hồ sơ di tích... trực tiếp chăm lo, gìn giữ và thực hành di sản. Đội quân này có mặt từ Trung ương đến các cơ sở, trải dài khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.

Có thể dễ dàng nhận thấy điều đó, như việc trong 27 thành viên hiện tại của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập thì có tới 13 thành viên là Ủy viên Ban Chấp hành Hội DSVH Việt Nam, đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề như phương hướng, chiến lược, các chính sách lớn về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; công nhận bảo vật quốc gia; thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành; đề nghị UNESCO đưa di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và di tích tiêu biểu của Việt Nam vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới; thẩm định đối với hồ sơ về di sản văn hóa do Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ... Nhiều Ủy viên Ban Chấp hành của Hội còn tham gia các Hội đồng của ngành như: Hội đồng Khoa học về di tích, Hội đồng Giám định cổ vật, Hội đồng Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú; tham gia tư vấn, phản biện, thẩm định, nghiệm thu các đề án, đề tài khoa học của Bộ. Nhiều người còn trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ di sản văn hóa của Việt Nam đề nghị UNESCO ghi danh... Cũng từ việc quy tụ các nhà khoa học như trên, vai trò phản biện xã hội, đóng góp vào các chính sách, quy định, văn bản dưới luật về di sản văn hóa của Hội DSVH Việt Nam ngày càng được coi trọng và phát huy.

Mặt khác, chúng tôi có những chi hội là nơi tập hợp của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín như Chi hội Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; có những chi hội là nơi đầu tiên sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học mọi lĩnh vực như Chi hội Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam; có những chi hội mà hội viên là các cụ cao tuổi nhưng hết lòng vì sự nghiệp di sản văn hóa, có những hoạt động thực tiễn như sưu tầm tài liệu về làng, xã; tôn tạo đình, chùa, di tích lịch sử... như Chi hội DSVH Sông Cánh (Vĩnh Phúc); có chi hội đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở một trong những di tích tiêu biểu của Việt Nam và thế giới như Chi hội Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; có Liên chi hội mà hội viên hầu hết là người dân tộc, đã và đang góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Tày, Nùng như Liên Chi hội Khu Bảo tồn Làng Nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên)... Hội cũng có những công ty đã tạo được uy tín trong các công trình xây dựng tượng đài về Bác Hồ; có công ty chuyên thi công, tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa hay có những trung tâm chuyên tư vấn, thiết kế, thi công trưng bày bảo tàng và cả trung tâm nghiên cứu và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng...

 Hơn 10.000 hội viên của Hội đã cùng nhau kết thành một lực lượng rộng lớn, tạo hiệu quả cao. Không thể kể hết có biết bao nhiêu di tích, công trình, cụm công trình trên khắp cả nước được nhân dân tự nguyện góp công, góp sức xây dựng, trùng tu, tôn tạo. Nếu chỉ bằng nguồn kinh phí của Nhà nước thì khó có thể thực hiện được một khối lượng công việc to lớn, đầy ý nghĩa như vậy.

 PGS.TS Đỗ Văn Trụ trao quyết định thành lập Liên Chi hội DSVH Khu Bảo tồn Làng Nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên)

Nếu cần nêu những kết quả ấn tượng nhất trong nhiệm kỳ III, ông sẽ nêu những kết quả nào?

- Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, chúng tôi đã đánh giá toàn diện mọi mặt hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ III. Ngoài những kết quả, hiệu quả tiếp nối từ nhiệm kỳ I, II, tôi cho rằng có 3 điểm nhấn mà nhiệm kỳ III đạt được:

1. Kết thúc nhiệm kỳ II (12.2014) bước vào nhiệm kỳ III, Hội DSVH Việt Nam có chưa đến 5 nghìn hội viên. Nhưng tính từ 2015 đến trước Đại hội này, số hội viên đã tăng lên hơn gấp đôi, năm sau tăng hơn năm trước. Về số lượng tổ chức, đơn vị, kể từ 2015 đến nay đã có thêm 20 cơ sở từ Trung ương đến các địa phương.

2. Là Hội xã hội - nghề nghiệp không được cấp kinh phí, phương tiện và trụ sở hoạt động, nhưng ở nhiệm kỳ này có hội cấp tỉnh, do hiệu quả hoạt động, do những đóng góp của mình với phong trào bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương nên được lãnh đạo địa phương cấp một phần kinh phí cho hoạt động, cấp phương tiện và đặc biệt là cấp trụ sở làm việc ổn định.

Nhiều Hội cấp thành phố, tỉnh được đặt hàng nghiên cứu, được mời tham gia thực hiện hoặc phản biện, thẩm định những vấn đề có liên quan đến di sản tại địa phương. Thậm chí có chi hội cấp thị trấn còn được chính quyền và nhân dân địa phương tin tưởng giao quản lý kinh phí và trực tiếp thực hiện việc trùng tu tôn tạo di tích tại thị trấn.

3. Nhiệm kỳ III cũng ghi nhận lần đầu tiên Hội DSVH Việt Nam thực hiện việc trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam”. Hội đã tổ chức 2 đợt trao toàn quốc cho các hội viên và cả những người chưa phải là hội viên Hội DSVH Việt Nam và đã nhận được sự hưởng ứng, khích lệ rộng rãi.

Tôi cho rằng đó là những minh chứng rõ nhất và ấn tượng nhất về vị trí, vai trò và uy tín của Hội DSVH Việt Nam và các thành viên của Hội đạt được và đã được các cơ quan chức năng cũng như xã hội ghi nhận.

Như ông chia sẻ, Hội DSVH Việt Nam đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Nhiệm kỳ này Hội sẽ làm gì để phát huy vai trò cao nhất của một tổ chức, một lực lượng xã hội đông đảo góp phần cùng các cơ quan chức năng thực thi các chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, thưa ông?

- Ngay từ đầu thành lập Hội, lựa chọn là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đồng nghĩa với việc Hội DSVH Việt Nam phải đối mặt với một thách thức lớn: Không có sự hỗ trợ về kinh phí, phương tiện làm việc và trụ sở từ Nhà nước.

Nhưng, gần 17 năm qua, Hội và các tổ chức, hội viên của Hội đã nỗ lực vượt qua thách thức để đạt được những kết quả đáng tự hào, Hội đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan. Bộ Nội vụ đánh giá “Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là một hội xã hội - nghề nghiệp rộng lớn, có uy tín, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận”.

Tôi cũng rất tâm đắc với nhận xét của một đồng chí lãnh đạo Bộ VHTTDL về những thành quả mà Hội DSVH Việt Nam đã đạt được trong những năm tháng vừa qua: Đó là kết quả của tình yêu đối với di sản.

Việc ứng xử với di sản không chỉ đòi hỏi trách nhiệm, tầm nhìn của các cấp quản lý mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, của xã hội. Để phát huy cao nhất vai trò của một tổ chức, một lực lượng xã hội đông đảo, góp phần cùng các cơ quan chức năng thực thi chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để mỗi hội viên, mỗi tổ chức Hội là một hạt nhân góp phần lan tỏa, thấm sâu tình yêu và lòng tâm huyết với di sản văn hóa trong toàn xã hội, thông qua những hoạt động phong phú, thiết thực và hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

 

 Từ khi thành lập vào năm 2004 đến nay, với tư cách là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội DSVH Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở ngày càng vững mạnh toàn diện; tập hợp được hàng nghìn hội viên là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và có tâm huyết với di sản văn hóa; xây dựng và mở rộng được mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước…

(Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TÒNG THỊ PHÓNG)

 

 Trong những năm qua, Hội DSVH Việt Nam đã có những bước tiến vững mạnh; vai trò, vị thế và uy tín của Hội ngày càng được khẳng định và nâng cao trong xã hội, nhất là trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hội đã tập hợp, xây dựng và phát triển được một hệ thống các tổ chức thành viên, đóng góp tiếng nói phản biện quan trọng trong lĩnh vực di sản văn hóa. Bộ VHTTDL luôn ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của Hội DSVH Việt Nam trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp của Bộ nói riêng, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung.

(Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL NGUYỄN NGỌC THIỆN)

 

 Nói một cách hình ảnh thì với tổ chức, đội ngũ sâu, rộng và đa dạng thành phần tham gia như hiện nay, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tựa như đội quân đa “binh chủng” tham gia vào việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa trên cả hai “mặt trận”: Tham mưu, tư vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học, xây dựng hồ sơ di tích... và trực tiếp chăm lo, gìn giữ và thực hành di sản. Đội quân này có mặt từ Trung ương đến các cơ sở, trải dài khắp ba miền Bắc - Trung – Nam.

(PGS.TS ĐỖ VĂN TRỤ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội DSVH Việt Nam)

 HOÀNG ĐĂNG (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top