Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Những hiện vật quý của Ngày Độc lập 2-9

Thứ Sáu 21/08/2020 | 11:18 GMT+7

VHO- Trong số hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu trong không gian trưng bày chuyên đề Ngày Độc lập 2-9 đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chiếc micro Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, bộ quần áo kaki Hồ Chủ tịch mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập, hai cuốn sổ tay ghi chép các công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 2.9.1945 đến 17.10.1945... là những hiện vật lịch sử đặc biệt giá trị, ghi lại dấu ấn gắn liền với Hồ Chủ tịch và những ngày tháng 9 thiêng liêng. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nghe giới thiệu bộ quần áo kaki Bác Hồ mặc trong nhiều sự kiện quan trọng tại trưng bày 

 Trong tâm khảm và trái tim của mỗi người dân Việt Nam, thời khắc thiêng liêng ngày 2.9.1945 trên Quảng trường Ba Đình với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trước micro trên lễ đài, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành vĩnh cửu. 
“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” 
Tại triển lãm mang tên Ngày Độc lập 2-9, bước chân người xem đã không thể không dừng lại trước những hiện vật gắn với thời khắc thiêng liêng, trong đó có chiếc micro được giới thiệu gắn với sự kiện Người đọc Tuyên ngôn Độc lập. Hiện diện khiêm tốn trong không gian trưng bày, nhưng đây là một trong những hiện vật thu hút được nhiều sự quan tâm của đông đảo khách tham quan. 
Trong hồi ký của ông Nguyễn Dực, chủ cửa hiệu radio Hà thành, người trực tiếp tham gia chuẩn bị việc trang bị, lắp đặt, phụ trách hệ thống âm thanh trong ngày Lễ Độc lập 2.9.1945, có viết: “Khi vừa chào cờ xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn vào ba chiếc micro, và khẽ thổi vào chiếc micro bốn mặt, nhãn hiệu Philips đặt ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên, lập tức có tiếng phù từ các loa dội lại khá to. Người lùi lại một chút rồi nói: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Phía dưới lập tức vang lên: Có ạ!”. 
Sau 75 năm, chiếc micro là một trong những chứng nhân lịch sử ấy luôn được Bảo tàng Lịch sử quốc gia trân trọng bảo quản. Chiếc micro bằng than chì, mạ kền trắng là hiện vật lịch sử đã truyền giọng nói ấm áp của Bác và bản Tuyên ngôn Độc lập đến đồng bào trong giờ phút thiêng liêng có một không hai. 
Theo chủ cửa hiệu radio Hà thành Nguyễn Dực, câu nói của Bác: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” thể hiện sự am tường về kỹ thuật truyền thanh của Người. Cấu tạo trong micro ngày ấy có bột than, người làm nghề ngại khi có người dùng tay gõ vào micrô bởi có thể ảnh hưởng đến chất lượng do bột than bị tác động. 

 Hiện vật micro Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập 

Tinh thần Ngày Độc lập 
Bà Trần Thu Hà, Phó Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, tại trưng bày Bảo tàng đã chủ trương và lựa chọn các hiện vật gốc tiêu biểu, nhằm khắc họa nổi bật không khí Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Trong số đó, hàng chục tư liệu và hiện vật tập trung thể hiện tinh thần Ngày Độc lập: Tuyên bố của phái đoàn Chính phủ Lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại tại Huế ngày 30.8; Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại để chuẩn bị cho ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của nhà tư sản Trịnh Văn Bô đi vào lịch sử, trong đó chiếc bàn Bác ngồi viết bản Tuyên ngôn Độc lập không thể thiếu trong góc tái hiện này. 
Bà Nguyễn Thị Tuyết (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, trưng bày có nhiều hiện vật khơi gợi những cảm xúc thiêng liêng, trong đó có bộ quần áo kaki, hiện vật Hồ Chủ tịch đã mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập. Câu chuyện về bộ quần áo rất thú vị. Theo hồ sơ hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bộ quần áo bằng vải kaki màu vàng nhạt được đặt may trong thời gian Bác ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô trong hồ sơ kể lại rằng, khi từ chiến khu về Hà Nội, Bác chỉ mặc chiếc áo nâu, quần soóc và đeo chiếc túi dết bạc màu, nên chính bà đề nghị Bác và các vị chủ chốt cần có bộ quần áo trang trọng để ra mắt quốc dân đồng bào. Bộ quần áo kaki này chính do ông chủ hiệu may Phúc Hưng ở phố Hàng Trống may đo từ bộ quần áo có sẵn của ông Trịnh Văn Bô. 
Bộ quần áo đặc biệt này đã theo Người tới nhiều sự kiện quan trọng sau Cách mạng Tháng Tám: Chủ trì cuộc họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời ngày 3.9.1945, đi nước ngoài, gặp Việt kiều tại Pháp. Bộ quần áo được đưa về Bảo tàng năm 1958 và đến năm 2008, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã gặp bà Minh Hồ để bà xác minh rõ về bộ quần áo này. Cũng tại trưng bày, lần đầu tiên Bảo tàng giới thiệu hai cuốn sổ tay ghi chép các công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 2.9.1945 đến 17.10.1945. Bên cạnh đó, trưng bày cũng giới thiệu nhiều hiện vật về nước Việt Nam độc lập: Tem bưu chính: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng con tem do chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương phát hành bằng cách in đè lên con tem dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập Tự do Hạnh phúc. Bưu chính 30 xu, lưu hành năm 1945”; Chiếc hòm phiếu dùng trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của nhân dân Quảng Bình; Bài Tiến quân ca - Quốc ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944, bản viết tay năm 1994 có chữ ký của tác giả tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam -nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, trưng bày Ngày Độc lập 2-9 đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem trong những ngày Thu lịch sử này. Những hiện vật tại đây đã để lại cho chúng ta cảm xúc mạnh mẽ, giúp ta nhìn lại quá khứ để hiểu rõ hiện tại và hướng đến tương lai. 

 Công tác bảo vệ an toàn cho lễ đài Độc lập và buổi mít tinh ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình được tổ chức hết sức chặt chẽ. Có ba lực lượng chính, đó là: Sở Liêm phóng Bắc Bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ các thành viên Chính phủ Lâm thời. Đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu chúng tôi bảo vệ địa bàn nơi diễn ra Lễ Độc lập, còn đơn vị Giải phóng quân từ chiến khu về được phân công trực tiếp bảo vệ lễ đài. Ngoài ra, các lực lượng quần chúng như: Thanh niên cứu quốc, Công nhân cứu quốc..,. tuy dự mít tinh nhưng có ý thức cùng bảo vệ Chính phủ Lâm thời. 
(Ông PHẠM HỒNG CƯ, đội viên Trung đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu trực tiếp tham gia bảo vệ Lễ Độc lập, ngày 2.9.1945) 

BẢO NGÂN, ảnh: NGUYÊN KHÁNH 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top