Bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản khi bão đổ bộ

VHO- Đầu giờ chiều qua 27.10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp với các Bộ, ngành và địa phương tại Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9, đặt tại TP Đà Nẵng.

Bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản khi bão đổ bộ - Anh 1

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra chỉ đạo tại TP Đà Nẵng

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc chủ động ứng phó của các địa phương được dự báo bão số 9 sẽ đổ bộ vào như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là 1 trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây hướng vào miền Trung, vì vậy, chúng ta không được phép chủ quan, phải triển khai có hiệu quả mọi biện pháp với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như của nhà nước.

“Các địa phương chủ động, khẩn trương triển khai phòng chống bão số 9 và mưa lũ sau bão với phương châm “4 tại chỗ” với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành; rà soát tất cả các tàu thuyền trên biển, kêu gọi ra khỏi ngay khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; tổ chức neo đậu an toàn để hạn chế các tàu va vào nhau, gây hư hỏng, chìm tàu khi bão vào”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Phải tập trung bảo đảm an toàn trên đất liền khi bão đổ bộ, chú trọng triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; bảo đảm an toàn tại các công trình, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, bệnh viện, trường học, công sở, các biển quảng cáo...; bảo vệ các công trình hạ tầng trọng điểm như đường dây 500kv, cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng... Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng cùng với các địa phương phải rà soát tất cả các hồ, đập để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố nếu có; đồng thời quản lý, vận hành an toàn hồ đập, đặc biệt là quy trình vận hành các hồ thủy điện”. Các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên khẩn trương rà soát các hộ dân còn ở các khu vực có nguy cơ mất an toàn phải di dời ngay, chủ động triển khai biện pháp ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất ở miền núi sau bão số 9.

Ngay sau cuộc họp tại Ban Chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9, đầu giờ chiều qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp thị sát, kiểm tra vị trí sạt lở và khu sơ tán dân tại Cửa Đại, TP Hội An (Quảng Nam). Phó Thủ tướng nhấn mạnh cơn bão số 9 đặc biệt nguy hiểm, do đó tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, đồng thời yêu cầu các địa phương phải có phương án bảo vệ các cơ sở kinh tế ven biển, nhà cửa, tài sản của người dân. Chính quyền địa phương phối hợp các lực lượng giúp người dân bảo vệ tài sản, chằng chống nhà cửa..., tổ chức sơ tán, đặc biệt các hộ người cao tuổi, neo đơn, đau ốm...

 Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm

Chiều tối qua 27.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện 1490/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 9. Theo đó, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác ứng phó với bão theo Công điện số 1470/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo tiền phương, trong đó nhấn mạnh sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển, ven biển; trên tàu thuyền; trong các nhà không an toàn, các khu dân cư vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, bãi ngang có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu hoặc tác động trực tiếp của sóng....

Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Các Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận; các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình. Yêu cầu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

 

P.V - L.S

Ý kiến bạn đọc