Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Một sự thật về bằng giả

Thứ Hai 30/11/2020 | 10:52 GMT+7

VHO- Vụ vi phạm của Trường Đại học Đông Đô chỉ là một trường hợp cho thấy việc sử dụng bằng giả khá trầm trọng ở Việt Nam hiện nay, và kể cả không phải bằng giả thì tình trạng bằng thật nhưng “học giả” cũng khiến nhiều người lo ngại về câu chuyện bằng cấp ở nước ta. Câu hỏi đặt ra ở đây là, lý do tại sao tình trạng này, dù ai cũng hiểu là nghiêm trọng, vẫn xảy ra thường xuyên và phổ biến trong xã hội?

Chắc chắn câu trả lời sẽ khá nhiều nhưng chúng ta cần tìm những lý do mang tính bản chất để từ đó có phương án giải quyết hiệu quả, dứt điểm cho tình trạng đang khiến dư luận xã hội bức xúc.

 Thứ nhất, theo tôi, có thể đó là những nguyên do từ truyền thống trọng danh. Trọng danh là tốt khi nó đề cao những giá trị thực sự của con người, từ đó tạo điều kiện để một cá nhân biết phấn đấu, vươn lên để đạt được những phẩm chất nhất định. Nhưng mặt trái của trọng danh là dẫn đến trào lưu tìm kiếm danh hiệu bằng mọi giá, mọi cách, mọi thủ đoạn mà chúng ta vẫn thường gọi là thói háo danh. Trước kia, chúng ta có thể thấy hiện tượng này qua tình trạng mua danh, bán tước xảy ra tương đối phổ biến trong xã hội cũ, thậm chí chuyện này còn được công khai ở tục mua ngôi thứ trong nhiều làng ở Bắc Bộ, hay nỗ lực tìm kiếm sắc phong từ triều đình phong kiến cho khá nhiều các đình, đền ở không ít địa phương trong cả nước. Ngày nay, hiện tượng này không hoàn toàn mất hẳn mà chỉ thay đổi ở những hình thức cụ thể. Không chỉ liên quan đến bằng cấp, các cuộc thi sắc đẹp hay nhiều sự kiện khác nhau được tạo ra để có danh hiệu cũng là những dấu hiệu cụ thể của hiện tượng háo danh này.

Thứ hai, khi một người nỗ lực để tìm kiếm bằng cấp bằng mọi cách thì có thể có hai lý do: Chủ quan và khách quan. Chủ quan vì họ mong muốn có được bằng cấp để đạt được những vị trí nhất định khi bằng cấp là một trong những điều kiện cần và đủ. Khách quan là vì xã hội đã đề ra quá nhiều quy định mà bằng cấp lại là thước đo đương nhiên để đặt một ai đó vào một vị trí nào đó. Thước đo bằng cấp nhiều khi lấn át thước đo năng lực thực sự được đánh giá bởi những tiêu chí khác, điều này kích thích mọi người, thay vì tập trung trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, lại đi tìm kiếm bằng cấp để chứng minh năng lực của mình.

Như vậy, câu trả lời ở đây là, khắc phục tình trạng bằng giả phải từ cách tiếp cận đánh giá năng lực thực sự của một cá nhân thay vì chỉ dựa vào bằng cấp. (Một ví dụ hơi hài hước nhưng có thể xảy ra là nếu Bill Gates sống ở Việt Nam thì chắc sẽ khó xin được việc vì chưa có mảnh bằng đại học). Để làm được điều đó, 1) Chúng ta cần đề cao những giá trị của con người dựa trên cống hiến thực sự của họ hơn là chỉ dựa vào bằng cấp; tạo điều kiện để mỗi người thể hiện tài năng, năng lực của mình, từ đó xác định được trình độ thực của họ. 2) Tránh việc sử dụng/tạo ra danh hiệu tràn lan, không cần thiết, không phù hợp trong các văn bản hành chính nhà nước, tại các sự kiện nhằm hạn chế tình trạng khuyến khích cá nhân háo danh. 3) Kiểm soát tốt hơn chất lượng đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ để chất lượng đào tạo phản ánh đúng trình độ người học.

Người xưa có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Việc làm trong sạch chất lượng bằng cấp cũng là một hành động thiết thực, cụ thể để giữ gìn nền tảng đạo đức của xã hội, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững. 

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top