Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Dựng cột đá chùa Dạm bằng công nghệ 3D:  Đó chỉ mới là phỏng dựng di sản

Thứ Tư 02/12/2020 | 10:38 GMT+7

VHO- Một nhóm người trẻ yêu di sản văn hóa sử dụng công nghệ 3D để phỏng dựng cột đá chùa Dạm, công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất còn sót lại từ thời Lý. Công trình là kết quả qua 8 năm trực tiếp tham gia khai quật khảo cổ của nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc và nhóm 3DART.

 Bản phục dựng 3D của Đinh Việt Phương và Đào Xuân Ngọc - Ảnh: 3DART

Việc phỏng dựng cột đá chùa Dạm chính là sự nối tiếp dòng chảy lịch sử, bởi ngôi chùa cổ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Phật giáo Việt Nam cũng như vương triều Lý. Nhưng cần phải nói, đây vẫn là bản phỏng dựng chứ không phải là phục dựng.

Cách của người trẻ đam mê di sản

Cũng mới đây tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cùng với triển lãm “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” là cuộc tọa đàm về các vấn đề khoa học liên quan đến bản phỏng dựng chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý. TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết, công trình phỏng dựng chùa Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo được tạo dựng bằng cách đưa ra một giả thuyết và số hóa.

“Nếu không sử dụng cột đá này thì coi như đóng sập một cánh cửa về quá khứ”, TS Trần Trọng Dương lưu ý, phỏng dựng không phải là một khái niệm có trong Luật Di sản văn hóa, bản thân ông cũng dùng từ này với ý nghĩa là một giả thuyết. Công trình phỏng dựng chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý trước đó đã được số hóa bằng công nghệ thực tế ảo và giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng cho biết lượng người tới đây trải nghiệm tại trưng bày rất đông.

Phỏng dựng chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý hay phục dựng cột đá chùa Dạm- công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất còn sót lại từ thời Lý bằng công nghệ 3D quả thực đã tạo nên những cơn sốt trải nghiệm đầy hứng thú, đặc biệt từ thế hệ trẻ. Từ năm 2012, nhà nghiên cứu trẻ Đào Xuân Ngọc đã tham gia khai quật khảo cổ tại khu di tích chùa Dạm. Năm 2013, Ngọc cùng nhóm khảo cổ đã đào xuống đáy của chân cột phế tích ở chùa Dạm và phát hiện nhiều đá chèn và sỏi, bằng chứng cho thấy các kiến trúc sư thời xưa đã đầm cây cột rất kỹ để chịu lực cho một khối vật thể lớn phía trên. Trong công trình của mình, Đào Xuân Ngọc chứng minh tàn tích cột đá ở vị trí A chính là phần trên của bệ đá ở vị trí B. Trong các năm sau đó, nhóm nghiên cứu kết hợp với các kết quả nghiên cứu từ trước, khẳng định hai tàn tích: Chiếc cột đá chính là phần trên của phần tàn tích bệ vuông, ngự trên cột đá chính là kiến trúc một tòa điện, bên trong đặt một tượng Phật.

Cũng theo nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc, tại dấu vết trụ đá còn để lại những dấu vết kỹ thuật học, đó là các vạch định vị, các điểm vết vỡ ngược chiều nhau. Nghệ thuật điêu khắc của các bậc tiền nhân xưa được thể hiện qua hình chạm khắc đôi rồng uốn lượn mềm mại quanh cột. Với niềm đam mê và tình yêu dành cho di sản, những bạn trẻ 8X đã cho thế hệ hôm nay thấy được rằng những tàn tích vẫn có thể kể ta nghe về những giá trị ngàn đời mà người xưa gửi gắm. Những tinh hoa từ khối óc và đôi bàn tay khéo léo của cha ông vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến tận hôm nay. Với những nghiên cứu, tìm tòi kỹ lưỡng, nhóm bạn trẻ đã cho thấy một bằng chứng khẳng định để mỗi khi nhắc đến triều đại nhà Lý là nhắc đến những dấu tích lịch sử làm vẻ vang nền văn hóa dân tộc. Chính những chi tiết hoa văn này đã bắt đầu hé lộ dấu vết đầu tiên phần cột đá và đá hình vuông phải thuộc về cùng một công trình nằm trong khuôn viên chùa .

Công nghệ 3D phục dựng cột đá

 

Hình ảnh kiến trúc Liên hoa đài – chùa Một Cột phỏng dựng bằng công nghệ 3D

Tất nhiên, để chứng minh phần cột đá và đá hình vuông phải thuộc về cùng một công trình, các nhà nghiên cứu trẻ tuổi phải chứng minh cột đá từng bị đổ và di chuyển.

Nhưng điều tuyệt vời không kém những kết quả nghiên cứu “phần âm” dưới đất là “phần dương” (theo cách nói của nhóm nghiên cứu trẻ), là sự kết hợp với những kiến trúc sư trẻ để mở ra cánh cửa tìm về lịch sử, tìm về quá khứ cho thế hệ hôm nay. Công trình 3D phục dựng tháp cổ chùa Dạm là kết quả thú vị từ những năm tham gia tiến hành khảo cổ của nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc và KTS Đinh Việt Phương, nhóm 3DART, người luôn mang theo niềm đam mê phục dựng họa tiết, kiến trúc cổ. Cách làm của những người trẻ đã giúp tổ chức không gian một cách hợp lý, từ đó nhân lên gấp bội vẻ đẹp công trình và biểu đạt ý niệm triết lý Á đông một cách tinh tế và đầy khéo léo.

Theo KTS Đinh Việt Phương, trong một tổng thể, chỉ cần có một thứ đặc biệt thì cả không gian đó sẽ thành đặc biệt. Từ quan điểm đó, “phép cộng” hợp lý từ hai phía đã cho ra đời một công trình lý tưởng. Và những tranh luận về kiến trúc chùa Dạm từ khi khai quật đến nay vẫn không ngã ngũ thì một phương án phục dựng bằng công nghệ 3D cột đá chùa Dạm được đưa ra, thực hiện bởi những người trẻ yêu di sản. KTS Đinh Việt Phương phụ trách phần phục dựng hình ảnh 3D của kiến trúc cột tại chùa Dạm. Bản dựng 3D chùa Dạm, kiến trúc cột chùa Dạm với những hình ảnh đẹp đến từng chi tiết đã giúp người xem hiểu hơn về cách mà các yếu tố này liên kết với nhau. Để có được điều này, các KTS đã sử dụng phương pháp scan lại hiện trạng để dựng lại kiến trúc đã không còn nguyên vẹn này. Trong đó, kiến trúc một trụ đỡ thời Lý chính là điểm nhấn đặc sắc của chùa Dạm.

Tuy nhiên, bản dựng cột đá chùa Dạm với sự đầy đủ những hạng mục hiện có trên hình ảnh 3D vẫn là sự phỏng dựng dựa trên các chất liệu khai quật khảo cổ, sử liệu cho phép người đời nay hình dung được phần nào đó, dù rất nhỏ về một cột đá thật. Cho đến lúc này không một chuyên gia, nhà nghiên cứu nào có thể đưa ra “giám định” một cách chắc chắn rằng, đó là cột đá mang dáng vẻ nguyên thủy khi nó được khởi dựng. Và theo cách nhìn nhận này, bản 3D chùa Một Cột cũng như vậy.

Bản dựng 3D họa tiết rồng trơn thời Lý từ tàn tích cột đá chùa Dạm Ảnh: 3DART

Cột đá chùa Dạm là công trình kiến trúc quy mô nhỏ trong tổng thể toàn bộ quy mô kiến trúc của chùa. Những hình thái dựng cấu trúc của cột đá này giúp ai cũng có thể hình dung được một phần trong tổng thể di tích chùa Dạm. Công trình 3D phục dựng cột đá cổ chùa Dạm có vẻ như góp phần mở ra một trong những cánh cửa tìm về quá khứ của thế hệ trẻ hôm nay. Như cách nói của KTS Đinh Việt Phương, khi hiểu rõ và biết được trí tuệ cha ông, tự hào về điều đó thì chúng ta mới gìn giữ được tất cả những giá trị đó.

Đoạn video 3D cũng mang đến nhiều xúc cảm đối với các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Nhóm bạn trẻ cho biết bản thân họ đã tổng hợp và đăng tải những ý kiến phản biện về dự án, theo đó, tiếp nhận đánh giá của các nhà nghiên cứu, một số chi tiết đã được lược bỏ nhằm tôn thêm sự cân bằng. Về tổng thể, công trình được đánh giá cao về hiệu quả, bản dựng trong không gian ba chiều sắc nét tạo nên cảm giác cổ kính, trang nghiêm, đưa người xem trở lại quá khứ gần 1000 năm trước. Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh để ai đó không xem kỹ lại hiểu nhầm, đấy là hình ảnh theo lối phỏng dựng chứ không phải là phục dụng. Mà đã là phỏng dựng thì trong đó có nhiều yếu tố cần phải được kiểm định dựa trên nhiều yếu tố, nhất là khảo cổ học.

Cột đá chùa Dạm chính là một trong những di chỉ hiếm hoi còn sót lại của ngôi chùa nổi tiếng này và được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao cả về giá trị lịch sử lẫn mỹ thuật, với hình khắc nổi cặp rồng thời Lý. Dẫu sao, với bản dựng 3D của nhóm nhà nghiên cứu trẻ phần nào đó dù ít thôi để cho thế hệ hôm nay có được cái nhìn tương đối về một công trình bất hủ. 

 

 Bản dựng cột đá chùa Dạm với sự đầy đủ những hạng mục hiện có trên hình ảnh 3D vẫn là sự phỏng dựng dựa trên các chất liệu khai quật khảo cổ, sử liệu cho phép người đời nay hình dung được phần nào đó, dù rất nhỏ về một cột đá thật. Cho đến lúc này không một chuyên gia, nhà nghiên cứu nào có thể đưa ra “giám định” một cách chắc chắn rằng, đó là cột đá mang dáng vẻ nguyên thủy khi nó được khởi dựng. Và theo cách nhìn nhận này, bản 3D chùa Một Cột cũng như vậy.

 

 HOÀNG PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top