Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Địa Linh mùa đúc tượng ông Táo

Thứ Sáu 29/01/2021 | 11:24 GMT+7

VHO-  Tranh thủ những ngày nắng ấm hiếm hoi của tháng Chạp, nhiều người dân ở thôn Địa Linh, xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) tất bật trang trí, phơi khô tượng ông Táo để nhanh chóng chuyển thành phẩm đi khắp các vùng miền cho kịp bán vào dịp lễ tiễn ông Táo về Trời.

 

 Lò nung luôn phải giữ ở nhiệt độ phù hợp, tránh tình trạng tượng bị nứt vỡ

Căn nhà cấp 4 của ông Võ Văn Nam (56 tuổi) nằm ngay trên tuyến đường liên thôn, đang tập trung nhiều nhân công hối hả tô vẽ, trang trí những màu sắc sặc sỡ cho tượng ông Táo. Đây là nghề gia truyền từ nhiều đời nay, nên ngoài hai vợ chồng ông Nam, lực lượng lao động còn có con cháu, anh chị em họ hàng được huy động đến làm vào lúc cao điểm.

Bà Hoàng Thị Bé, vợ ông Nam, vừa ủ tro canh giữ lò nung vừa thủ thỉ, hằng năm, cứ vào tháng 3-4 âm lịch là gia đình đã chuẩn bị đất sét, đúc và phơi tượng ông Táo trước để trữ hàng, phòng khi mùa đông mưa gió thất thường tượng không kịp khô. Đến tháng 10 thì cả nhà bắt tay vào vụ chính, cho vào lò nung và trang trí hoàn chỉnh thành phẩm. Con cháu trong nhà thì chia nhau mỗi người một chân một tay tô vẽ, các họa tiết, màu sắc cho tượng ông Táo. Ngày xưa thì chỉ cần nung tượng, phơi khô là xong, nhưng nhiều năm trở lại đây, theo nhu cầu thị trường, tượng ông Táo còn phải “làm đẹp” với mẫu mã, màu sắc thật sinh động. “Sau khi nặn tượng, để khô ráo một thời gian sẽ đưa vào lò nung. Mỗi lần sẽ nung được khoảng 3.000 tượng, thời gian kéo dài trong 1 tuần. Tiếp đó, phải phơi nắng thêm 3 ngày nữa rồi mới nhuộm màu và tô vẽ, trang trí. Giá mỗi sản phẩm bán ra chỉ chưa đầy 2.000 đồng, nên gần như các lao động là người trong gia đình vì chỉ lấy công làm lãi”, bà Bé chia sẻ.

 Tượng sau khi nung xong thì được tô màu, trang trí với những màu sắc sặc sỡ

Lò nung sau khi được nhóm lửa thì sẽ dùng vỏ trấu ủ để giữ nhiệt độ phù hợp. Do mỗi đợt nung kéo dài nhiều ngày đêm nên mọi người sẽ phải thay phiên nhau canh lò, ban ngày bà Bé phụ trách, còn ban đêm thì chồng bà và các con sẽ thay ca.

Thôn Địa Linh mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 50.000 tượng ông Táo thành phẩm. Không chỉ tiêu thụ tại các chợ đầu mối tại địa phương mà nhiều thương lái ở các tỉnh, thành lân cận cũng tìm tới đây đặt hàng. Ngoài ông Võ Văn Nam, ba người anh em trai của ông cũng mưu sinh bằng nghề truyền thống này. Bà Võ Thị Thơm (58 tuổi), chị gái ông Nam, một trong những nhân công phụ trách việc trang trí, tô màu cho tượng ông Táo cho biết, gia đình đã làm nghề nặn tượng ông Táo suốt 5 thế hệ, và đến bây giờ anh em con cháu trong nhà vẫn sống chết với nghề. Cả thôn Địa Linh giờ chỉ còn 4 gia đình “đỏ lửa” lò nung. Không biết sau còn có ai giữ lấy nếp nghề cổ xưa này!

Những ngày giữa tháng Chạp là thời gian các gia đình làm nghề bận rộn nhất, công việc kéo dài đến khoảng 20 tháng Chạp thì đóng lò, phân phối cho hết thành phẩm rồi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Năm nay do thời tiết bất lợi, mưa to và kéo dài nên bà con cũng khá vất vả. Lượng đất sét dự trữ bị thiếu hụt, phải đi gom ở nhiều nơi. Mưa nhiều nên không thể nung và phơi tượng theo kế hoạch, thành ra công việc dồn dập nhiều vào những tháng cuối năm, có lúc phải làm xuyên đêm. Thế nhưng những người thợ vẫn chăm chút, cần mẫn với nghề của cha ông, ngoài mưu sinh thì đây cũng là niềm vui của họ trong những ngày giáp Tết. 

SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top