Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những hiện vật đặc biệt tại những triển lãm đặc biệt về Đảng

Thứ Sáu 29/01/2021 | 11:29 GMT+7

VHO- Cùng với các sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật đang diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, nhiều cuộc triển lãm quy mô lớn như Đảng ta thật là vĩ đại, Đảng Cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam- Sáng mãi niềm tin... đã và đang thu hút đông đảo người xem.

 

 Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh thu hút sự chú ý tại triển lãm Đảng ta thật là vĩ đại

Với hàng trăm hình ảnh, tài liệu, hiện vật quan trọng, được bài trí công phu, mới mẻ, mỗi cuộc triển lãm đều đã chuyển tải những thông điệp ý nghĩa, khẳng định niềm tin sắt son của nhân dân Việt Nam với Đảng.

Bản diễn văn đặc biệt

Tại trưng bày chuyên đề Đảng Cộng sản Việt Nam-Từ Đại hội đến Đại hội đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trên 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật quan trọng đã được lựa chọn trưng bày theo 3 chủ đề: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội; Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong số này, có nhiều hiện vật, tài liệu đặc biệt thu hút sự chú ý của công chúng.

Một trong số đó là bản gốc bài diễn văn Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc khai mạc Đại hội lần III năm 1960 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện vật được trưng bày tại triển lãm với 6 trang đánh máy, có bút tích chữ đỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III là kỳ Đại hội diễn ra ở dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước, giai đoạn vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa đấu tranh thống nhất nước nhà. Đại hội diễn ra tại Hà Nội từ 5-10.9.1960, đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Lê Duẩn là Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng. Đây là kỳ Đại hội có một ý nghĩa trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đường lối cách mạng do Đại hội vạch ra là ngọn đèn chiếu rọi con đường của nhân dân ta tiến tới CNXH, tiến tới thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Bản gốc bài diễn văn phát biểu khai mạc Đại hội của Bác Hồ là hiện vật có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng. Trong lời khai mạc, Người nêu rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Đại hội xác định nhiệm vụ chung của cả nước, nhiệm vụ của hai miền và mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ chiến lược ấy, thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân ta. Cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng, quyết định trực tiếp sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước. Trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, lịch sử 30 năm đấu tranh của Đảng đã dạy chúng ta rằng: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác- Lênin, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp vô sản và của dân tộc; giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và sự đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản, giữa các nước trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, đó là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho cách mạng thắng lợi”.

Sau nhiều thập kỷ, bản diễn văn có bút tích chữ đỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là hiện vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử dân tộc. Từng nét chữ, bút tích Người để lại mãi mãi là những giá trị lịch sử còn vẹn nguyên đối với từng dấu mốc phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như trên con đường đi lên của cả dân tộc.

 Hiện vật bản diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội III của Đảng trưng bày tại triển lãm Đảng Cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội

Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”

Tấm bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”, Bảo vật quốc gia cũng là một hiện vật đặc biệt, thu hút sự chú ý của đông đảo người xem tại cuộc triển lãm Đảng ta thật là vĩ đại, do Bộ VHTTDL tổ chức tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.1990), Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao tặng cho Viện Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) tấm Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”, được làm bằng giấy có hình chữ nhật (185,5cm x 170cm), bản đồ can 12 mảnh, trên bản đồ thể hiện 5 hướng tiến công của các đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng mực màu đỏ. Theo Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14.1.2015 về việc công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 3, tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh mang số đăng ký 7441-Gi-1700 của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Tại triển lãm Đảng ta thật là vĩ đại, công chúng một lần nữa được tiếp cận và tìm hiểu những câu chuyện lịch sử gắn với tấm bản đồ bảo vật quốc gia.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã ghi dấu như một trong những sự kiện trọng đại nhất trong trang sử vàng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đập tan bộ máy ngụy quyền mà Mỹ đã dày công xây dựng ở miền Nam trong 20 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để chuẩn bị cho “đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để”, ngày 31.3.1975, Bộ Chính trị đã họp mở rộng bàn kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Trên cơ sở nhận định cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Ngày 13.4.1975, thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhất trí đề nghị Bộ Chính trị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. 17h50 phút ngày 14.4.1975, bức điện của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ký, được gửi đến Mặt trận, với nội dung: “Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

 Một trang bản diễn văn có bút tích chữ đỏ của Người

Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ ngày 15.4.1975 đến ngày 21.4.1975, tại Sở Chỉ huy chiến dịch đóng ở căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương), dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Tham mưu trưởng chiến dịch, Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thới Bưng làm Trưởng Phòng và đồng chí Vũ Long làm Phó Phòng có nhiệm vụ lập Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh thể hiện trên bản đồ miền Nam Việt Nam. Sau một tuần làm việc, ngày 21.4.1975, cán bộ, chiến sĩ Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 22.4.1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch duyệt lại lần cuối kế hoạch chính thức của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng ký lên bản đồ Quyến tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” là hiện vật minh chứng cho những tháng ngày hào hùng của dân tộc, ghi dấu sự kiện Bộ Chỉ huy chiến dịch hoàn thành kế hoạch tác chiến cho chiến dịch cuối cùng của QĐND Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh vào đầu não của chính quyền và quân ngụy Sài Gòn, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” là hiện vật thể hiện thành quả lao động sáng tạo, tập trung trí tuệ của Bộ Chỉ huy chiến dịch trong việc giải quyết vấn đề tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa các hướng tiến công, kế hoạch bảo đảm giữa các hướng. Tấm bản đồ cũng thể hiện rõ quyết tâm chiến đấu, đoàn kết nhất trí cao của tập thể Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng đã đạt tới đỉnh cao. 

BẢO VY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top