Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bản lĩnh Việt Nam là sức mạnh để vượt qua thử thách

Thứ Năm 11/02/2021 | 11:28 GMT+7

VHO- Nhìn lại năm 2020, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định những thách thức mà ngành VHTTDL đã đối diện và vượt qua cho thấy nguồn sức mạnh to lớn được tạo nên từ bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

Văn hóa là những gì còn lại

 P.V: Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh chung với nhiều tác động từ đại dịch Covid-19, ngành VHTTDL phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách. Trong lĩnh vực văn hóa, hầu hết các hoạt động, sự kiện đều bị đình trệ. Xin Bộ trưởng cho biết, bối cảnh đó đã tác động đến việc hoàn thành khối lượng lớn công việc được đặt ra từ đầu năm như thế nào?

- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Năm 2020, toàn ngành hoạt động trong bối cảnh hết sức khó khăn, nhiều sự kiện trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình gần như đều bị hoãn, hủy. Khi dịch bệnh bùng phát, các lễ hội phải dừng tổ chức; cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, khu vui chơi giải trí tạm ngừng hoạt động; lượng khách tham quan đến các bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh rất thưa thớt... Trong bối cảnh khó khăn đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, với tinh thần nỗ lực và đoàn kết, toàn ngành VHTTDL đã cùng nhau tạo nên nguồn sức mạnh để triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độ khối lượng lớn công việc được giao.

Bộ VHTTDL đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hoàn thiện hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững được chú trọng. Nhiều di tích tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn, phát triển kinh tế của các địa phương.

“Nghệ thuật Xòe Thái” đã được Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO ghi danh. Ảnh: N.H

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở đã vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Văn hóa cơ sở đã có sáng kiến phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động về đề tài phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền. Sáng kiến này đã được Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại.

Trong năm 2020, Bộ đã xây dựng Đề án “Tổ chức định kỳ Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021-2030”; Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030”... Trong thời gian dịch bùng phát, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã chuyển từ mô hình hoạt động trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, các nhà hát, rạp chiếu phim lại sáng đèn phục vụ khán giả; các triển lãm được tổ chức; bảo tàng mở cửa đón khách tham quan...

Thể thao Việt Nam vượt qua thách thức

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng đã khiến nhiều hoạt động thể thao bị hoãn, hủy, ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của toàn ngành. Trong dòng chảy với nhiều dấu ấn mà thể thao Việt Nam đã liên tục xác lập những năm gần đây, bối cảnh đặc thù năm 2020 có lẽ cũng mang đến nhiều tâm tư đối với đội ngũ làm thể thao nước nhà, thưa Bộ trưởng?

Bóng đá Việt Nam trở lại ấn tượng với các khán đài đông kín khán giả. Ảnh: VPF

- Đó là những cảm xúc không tránh khỏi. Tuy nhiên, phải thấy rằng vượt lên bối cảnh chung đầy thách thức, ngành thể thao đã nỗ lực gấp nhiều lần để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng. Khi kiểm soát được dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, Bộ đã phối hợp tổ chức hàng chục giải thể thao quốc gia và nhiều lớp tập huấn trọng tài, huấn luyện viên thể thao.

Từ đầu năm đến nay, Thể thao Việt Nam đã tham dự 18 cuộc thi đấu quốc tế, giành 26 HCV, 11 HCB, 8 HCĐ. Thể thao Việt Nam đã có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo gồm các môn: Bắn cung, Boxing, Thể dục dụng cụ, Bơi. Hiện các VĐV đang tích cực tập luyện để chuẩn bị cho các cuộc thi đấu vòng loại nhằm lấy vé dự Olympic. Công tác chuẩn bị cho Paralympic, đặc biệt là chuẩn bị tổ chức SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 vào năm 2021 tại Việt Nam đang tích cực được triển khai. Trong đó đã tổ chức chương trình “Khởi động cùng SEA Games 31” và Lễ đếm ngược trước một năm tổ chức SEA Games 31; trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải cuộc thi sáng tác Biểu trưng, Biểu tượng vui của SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 năm 2021…

Du lịch nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Du lịch là ngành chịu tác động trực tiếp nhiều nhất trước sự ập đến bất ngờ và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Trước bối cảnh đó, toàn ngành đã có những biện pháp để ứng phó kịp thời cũng như đã có kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động trực tiếp đến ngành du lịch toàn cầu, du lịch Việt Nam không là ngoại lệ. Tổ chức Du lịch Thế giới dự báo, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm lên tới 1,1 tỉ lượt, tổng thu du lịch toàn cầu mất đi 1.100 tỉ USD; khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành bị mất việc. Ở nước ta, mặc dù dịch được khống chế tốt, trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới nhưng ngành Du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Cụ thể, từ tháng 3.2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Năm 2020, các chỉ tiêu đều giảm mạnh so với năm 2019: khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3.686.779 lượt, giảm 79,5%; Khách du lịch nội địa ước đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%, trong đó có 28,7 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.200 tỉ đồng, giảm 58,7%.

Để ứng phó với những thách thức mới, ngành Du lịch đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép “vừa an toàn phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế xã hội”, đặt an toàn trong hoạt động du lịch lên cao nhất, xoá bỏ tâm lý e ngại dịch bệnh của người dân; chủ động điều chỉnh kế hoạch, chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa trong khi du lịch quốc tế bị ngưng trệ. Nổi bật nhất là Chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ phát động từ tháng 5.2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và đợt 2 từ tháng 9.2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp và hưởng ứng tích cực của nhân dân đã góp phần khôi phục hoạt động du lịch, đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới. Bộ cũng đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện; các Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Tạ Quang Đông và các đại biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước Bộ VHTTDL lần thứ III. Ảnh: Tr. Huấn

Mặc dù đã và đang phải đối diện với những thách thức, khó khăn lớn, nhưng trong năm 2020, Du lịch Việt Nam liên tiếp đoạt được những giải thưởng danh giá mang tầm vóc châu lục và thế giới, như: “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2020”; “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á năm 2020”; “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á năm 2020”; “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á năm 2020”… do Tổ chức Giải thưởng thế giới (WTA) trao tặng.

Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn sẵn sàng

Khi đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bối cảnh hiện nay tiếp tục đặt ra yêu cầu với toàn ngành về những giải pháp toàn diện để có thể vừa ứng phó với những tình huống nảy sinh, vừa thực hiện mục tiêu phát triển. Trong từng lĩnh vực, những giải pháp đó là gì, thưa Bộ trưởng?

- Diễn biến trong năm 2020 hoàn toàn nằm ngoài dự tính, tuy nhiên chúng ta đã kịp thời ứng phó tốt, kiểm soát dịch an toàn, hiệu quả. Đây là điểm tựa để toàn ngành vững tin bước sang năm 2021 một cách chủ động.

Về du lịch, lĩnh vực chịu nhiều tác động trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh, mục tiêu đặt ra trong năm 2021 là nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch một cách an toàn, bền vững. Theo đó, phải cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế theo hướng bền vững, hiệu quả; tập trung vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao; quan tâm nhiều hơn đến thị trường du lịch nội địa. Phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; đáp ứng nhu cầu, xu hướng du lịch mới của khách du lịch. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tour, tuyến, trao đổi khách. Thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu thị trường, hình thành cơ sở dữ liệu lớn và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Bộ VHTTDL phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động về đề tài phòng, chống dịch Covid-19 được Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại. Ảnh trên: Tác phẩm "Chung sức đồng lòng chống Covid-19" của họa sĩ Đỗ Như Điềm.

Về thể thao, trong năm 2021 sẽ phải chuẩn bị cho nhiều Đại hội lớn, trọng tâm là Olympic và SEA Games 31. Mục tiêu của Thể thao Việt Nam tại Olympic lần này là phấn đấu có khoảng trên 20 VĐV vượt qua vòng loại, chỉ tiêu đặt ra là phấn đấu có huy chương. Vì vậy ngoài 5 VĐV đã vượt qua vòng loại, Thể thao VN còn 12 môn Olympic tiếp tục thi đấu nhằm đạt chuẩn qua các vòng loại: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Cử tạ, Thể dục, Taekwondo, Karatedo, Xe đạp, Cầu lông, Rowing, Canoeing, Đấu kiếm, Bắn cung, Judo, Vật, Bóng đá… Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên hiện nay vẫn chưa có phương án cụ thể tổ chức các cuộc thi đấu vòng loại Olympic. Thời gian từ nay đến ngày khai mạc Olympic không còn dài nhưng diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc chuẩn bị cho Olympic Tokyo gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, đội tuyển Việt Nam vẫn chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho các cuộc thi đấu vòng loại.

Đối với SEA Games 31, tại phiên họp của Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á lần thứ 2 vừa được tổ chức tại Bộ VHTTDL, nước chủ nhà Việt Nam đã thông báo với các nước về dự kiến tổ chức 40 môn thi đấu với 522 nội dung thi đấu. Hà Nội sẽ là nơi tổ chức 26 môn thi đấu. Ngoài ra, sẽ có 11 địa phương tổ chức các môn còn lại. SEA Games 31 sẽ quy tụ sự tham dự của khoảng 10.000 VĐV đến từ các nước Đông Nam Á. Mục tiêu của Việt Nam là tổ chức thành công Đại hội, tạo điều kiện cho các nước cạnh tranh công bằng, sòng phẳng.

Về văn hóa, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng. Ngay từ những ngày đầu năm, toàn ngành sẽ dồn sức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tổ chức các hoạt động, sự kiện chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đối với công tác tổ chức lễ hội, Bộ đã ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2021. Với tinh thần quán triệt sâu sắc chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Đặc biệt, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục được triển khai là một nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành. Các lĩnh vực khác như bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa cơ sở, thư viện, bản quyền tác giả, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, công tác gia đình… cũng sẽ có rất nhiều nội dung quan trọng được triển khai trong năm 2021.

Mặc dù đối diện với những thách thức, khó khăn rất lớn nhưng Du lịch Việt Nam liên tiếp đoạt được giải thưởng danh giá mang tầm vóc thế giới như “Việt Nam - Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2020”… Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội vào dịp đầu năm 2020. Ảnh: Tr. Huấn

Trên nhiều diễn đàn, Bộ trưởng luôn bày tỏ những trăn trở về vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống, con người. Ngành VHTTDL cũng đã có nhiều giải pháp đối với vấn đề chống xuống cấp đạo đức xã hội. Trong thời gian tới, Bộ trưởng có kỳ vọng gì về những chuyển biến tích cực tiếp theo ở nội dung này?

- Nhìn lại năm 2020 vừa qua, giữa bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid -19 chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều điểm sáng ấm áp. Đó là hình ảnh những chiến binh áo trắng ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch; những người lính mang quân hàm xanh vượt lên vất vả, thiếu thốn về vật chất và tinh thần để “ăn lán, ngủ rừng”, bám trụ biên giới bảo vệ sự bình an cho nhân dân, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Đó là hình ảnh những người dân nghèo, những em nhỏ dành tiền tiết kiệm, bữa ăn sáng, tiền mừng tuổi... để mua khẩu trang tặng cộng đồng, đóng góp kinh phí cho công cuộc phòng chống đại dịch; những cây ATM gạo miễn phí; những điểm phát đồ “Ai cần cứ đến lấy” dành cho người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh...

Đó chỉ là một số ví dụ để nói về câu chuyện tình người trong giông bão, để thấy truyền thống văn hóa “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam vẫn luôn tồn tại trong mọi hoàn cảnh.

Tất nhiên, về vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống, con người cũng không thể không đề cập đến những mặt trái, tồn tại nhức nhối lâu nay. Để ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội, cần cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Bộ VHTTDL đã và đang tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Toàn ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống mới thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, nâng cao văn hóa ứng xử, tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống...

Lan tỏa những tấm gương điển hình cũng là một giải pháp quan trọng nhằm đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức xã hội. Năm 2020, Bộ VHTTDL tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III với ý nghĩa là sự kiện chính trị quan trọng, nơi hội tụ, biểu dương và tôn vinh các tập thể lao động, gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2016-2020, từ đó lan tỏa sâu rộng hơn nữa tinh thần sôi nổi trong phong trào thi đua yêu nước của Bộ VHTTDL. Bác Hồ từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Những người làm văn hóa và toàn xã hội luôn thấm thía câu nói của Người. Xét đến cùng, mọi sự phát triển đều hướng đến thước đo giá trị của văn hóa. Đội ngũ cán bộ làm văn hóa bởi thế không chỉ gánh trên vai những trọng trách, đối diện những khó khăn mà còn luôn cảm thấy vinh dự, tự hào trong công việc của mình.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top