Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phác thảo diện mạo kiến trúc TP.HCM trong tương lai: Quan trọng vẫn là nhận diện bản sắc đô thị

Thứ Ba 09/02/2021 | 20:17 GMT+7

VHO- Bài toán quy hoạch một đô thị tương lai đáng sống ở Việt Nam đang được nhận định là chắp vá, không mang tính kế thừa và thiếu bản sắc. Dự báo đến năm 2035, hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ sống ở các thành phố, song, bức tranh đô thị hiện hữu đang có nhiều điểm sáng, tối đan xen.

Khu vực Chợ Lớn TP.HCM với các công trình hiện hữu là những tòa biệt thự cũ

Có thể nói, quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam diễn ra đồng thời với việc hình thành cái mới và chỉnh trang cái cũ. Cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ nhanh chóng trở thành cuộc cạnh tranh ở cấp độ đô thị, vì vậy, phát triển đô thị không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn là khởi tạo môi trường đáng sống để thu hút nguồn nhân lực.

Cớ sao “đất rất lành mà chim chưa đến đậu”?

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects cho rằng, trong quá khứ nhiều trường hợp xây dựng các khu đô thị hiện đại, căn hộ 5 sao nhưng ngay trước mặt là những con đường ngập nước “mãn tính”, khiến nhà xây xong không có người ở. Theo ông Sơn, xây nhà không chỉ giúp ai đó có nơi “chui ra chui vào” mà còn phải có công ăn việc làm phù hợp và chất lượng sống tốt. “Cần phải đáp ứng cho nhu cầu của đa dạng nhóm cộng đồng trong một khu đô thị. Ở đó không có sự phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, người nước ngoài hay trong nước, người già và người trẻ, mà cần bao gồm tất cả những nhóm cư dân ấy… Chính vì vậy, các dự án trước khi triển khai cần nghiên cứu kỹ xem cư dân tương lai là ai”, ông Sơn phân tích. 

TS.KTS Trần Văn Thành, Giám đốc sáng tạo ASA Lighting Design Studios, cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng, việc phát triển đô thị ở Việt Nam hiện được xác định đã bước đến giai đoạn người mua có nhu cầu đảm bảo an cư lạc nghiệp, thay vì thực trạng phổ biến trước đây số đông người mua nhà để đầu cơ. Tình trạng đó dẫn đến các khu nhà bỏ hoang không một bóng người, “đất rất lành mà chim không đến đậu”.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, nước ta có tình trạng “phân công” theo hướng nhà đầu tư thì chỉ lo dự án, còn hạ tầng đã có Nhà nước lo. “Tôi cho rằng thời gian sắp tới cần tránh chuyện này, khi làm dự án thì nên tính chuyện hoàn chỉnh hạ tầng để đáp ứng nhu cầu dân cư, Nhà nước đóng vai trò điều phối chung, tạo cơ chế. Nước ngoài người ta chọn phát triển khu ngoại vi trước, mấy chục năm sau mới phát triển khu trung tâm; người giàu sống khu ngoại vi, người nghèo sống ở khu trung tâm. Còn Việt Nam mình thì ngược lại, phát triển khu trung tâm trước và giai đoạn sau mới phát triển khu ngoại vi. Chúng ta phát triển ngược như vậy nên tất yếu dẫn đến kẹt xe, ngập nước”, KTS Nam Sơn trăn trở.

Dự án phát triển TP phía Đông từ việc sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức đang được kỳ vọng có thể tạo những đột phá phát triển mạnh mẽ, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các cơ sở sẵn có như các khu đại học, khu công nghệ cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mối liên kết đó dựa trên hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện, do vậy, TP phía Đông có triển vọng phát triển thành đô thị động lực quan trọng của TP.HCM. Đồng tình việc phát triển khu Đông là một chủ trương đúng, nhưng KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích thêm, “trên thế giới chúng ta thấy những đô thị đáng sống thì không có quy mô quá lớn. TP.HCM đang ở ngưỡng trên 10 triệu dân rất là khó để quản lý. Do vậy, nên phát triển theo hướng đô thị đa trung tâm, chia nhỏ ra thành nhiều đô thị vệ tinh”. Những yếu tố của một đô thị đáng sống cần có sự chung tay đoàn kết giữa những nhóm: Nhà nước đóng vai trò điều phối; nhà đầu tư phát triển các dự án; doanh nghiệp và đơn vị phát triển dịch vụ dân sinh; nhóm dân cư phải được đáp ứng nhu cầu một cách đa dạng theo từng đối tượng khác nhau và cuối cùng là nhóm chuyên gia đa ngành, phải bao gồm yếu tố văn hóa, lịch sử chứ không chỉ kiến trúc hiện đại.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, là một dự án lớn chưa có tiền lệ tại Việt Nam, TP.HCM có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm phát triển quốc tế như dự án Phố Đông Thượng Hải và TP Thâm Quyến (Trung Quốc), dự án phát triển khu đô thị phía Tây Paris bao gồm trung tâm mới La Défense (Pháp)… Chính quyền cần cẩn trọng trong việc chọn vị trí khu trung tâm của TP mới, vừa đóng vai trò đầu mối trong việc cung cấp tài chính cho các dự án, vừa gần gũi với bộ máy quản lý trung tâm để cùng nhau vận động và thực thi những chủ trương chính sách mới của cơ chế đặc thù…

Sự cạnh tranh giữa các đô thị sẽ tạo ra bản sắc

Cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ là cuộc cạnh tranh ở cấp độ đô thị. Vì vậy, phát triển đô thị không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn là khởi tạo môi trường đáng sống để thu hút nguồn nhân lực. Đề cập vấn đề này, ông Olivier Souquet, sáng lập và Chủ tịch De-so Architects Planners nhấn mạnh: “Có một điểm rất quan trọng, mọi TP đều tăng độ cạnh tranh, thu hút của mình. Chúng ta là những nhà quy hoạch nên cân nhắc nhiều dự án khác nhau, trong đó quan trọng nhất là bản sắc nhận diện của đô thị Việt Nam. Chúng không thể như nhau ở các khu đô thị trên toàn cầu, điều đó sẽ tạo sự nhàm chán, vì thế chúng ta cần làm gì cho bản sắc khác biệt, có yếu tố đặc trưng, trong thời đại toàn cầu hóa chúng ta càng phải khác biệt”.

“Trở lại câu chuyện về việc quy hoạch khu đô thị ngoại vi và khu trung tâm, đôi khi dẫn đến những hệ lụy là phá bỏ di sản để làm nhà cao tầng, tôi cho rằng, bảo vệ di sản đô thị cần có chiến lược rạch ròi. Chẳng hạn ngày trước tôi và đồng nghiệp được tham gia làm quy hoạch cho khu Phố Đông Thượng Hải, cũng tương tự như TP.HCM hiện nay. Con sông Hoàng Phố nằm giữa, khu đô thị hiện hữu nằm trên bờ Tây, bờ Tây ưu tiên cho bảo tồn, còn bờ Đông ưu tiên cho phát triển mới”, KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích và nói rằng quy hoạch ở TP.HCM chưa được rõ ràng, bờ Tây sông Sài Gòn lẽ ra phải bảo tồn thì lại xây dựng cao tầng, bờ Đông lẽ ra xây dựng cao tầng thì lại dồn hết cho bờ Tây rồi nên không còn tiền để làm bờ Đông nữa. Giả dụ như tất cả công trình từ Saigon Pearl cho đến Vinhomes xây bên bờ Đông thì giờ mình đã có khu phố Đông khang trang. Chúng ta đang thiếu vấn đề một định hướng chiến lược, trong chuyện này Nhà nước cần có định hướng để khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo hướng mình mong muốn và nó sẽ tốt hơn cho tổng thể phát triển chung của TP.

TÙNG THƯ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top