Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phiên chợ Tết… “0 đồng”

Thứ Ba 09/02/2021 | 09:20 GMT+7

VHO- Là một doanh nhân trong ngành dịch vụ du lịch, anh Nguyễn Thanh Quang (P. Thanh Hà, TP Hội An) có niềm đam mê cháy bỏng là phục dựng những nét xưa, những nghi lễ truyền thống. Năm nào anh cũng tổ chức không gian Tết xưa để mọi người, nhất là giới trẻ cùng trải nghiệm.

Dàn nhạc truyền thống phục vụ tại phiên chợ

Năm nay, anh Quang tái hiện phiên chợ Tết xưa tại quê nhà với hàng trăm phiếu chợ “0 đồng” dành cho người nghèo, người bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh. Không có tiền vẫn đi chợ, sắm Tết Hiểu được giá trị tâm linh, giá trị tinh thần của Tết cổ truyền, đã nhiều năm anh Quang đam mê phục dựng những không gian, nghi thức Tết xưa. Anh cùng một số họa sĩ, đạo diễn đã từng tái hiện góc làng quê xưa, có bày biện thêm mâm cỗ, nghi thức ngày tết, thu hút đông đảo khách tham quan.

Anh nói: “Thật may mắn cho tôi trong thời gian làm việc tại những khu du lịch nổi tiếng của Quảng Nam và Đà Nẵng, tôi được tiếp xúc với nhiều đạo diễn các chương trình lễ hội, các sự kiện có liên quan đến văn hóa như đạo diễn kiêm họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, hay Phạm Việt Thanh, họa sĩ trẻ Phiên chợ Tết… “0 đồng”l Ngọc Diên Kù Kao Khải… tôi thường được góp sức trong phần việc về những nét cổ xưa. Qua đó, tôi học tập ở họ được những kỹ năng cần thiết để thắp thêm ngọn lửa đam mê của mình với công việc”. Để có phiên chợ Tết xưa “0 đồng”, anh Quang đã tự bỏ tiền túi khoảng 200 triệu đồng để phục dựng và phục vụ cho mọi người, nhất là bà con nghèo, người bị ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh trong khu vực được trải nghiệm, được có cái Tết đơn sơ nhưng ấm cúng. Năm nay, người dân miền Trung chịu thiệt hại nặng nề từ các đợt dịch Covid-19, rồi thiên tai bão lũ chồng nhau, anh Quang vẫn không buông bỏ niềm đam mê, anh tập trung cho chợ Tết xưa “0 đồng” một cách có ý nghĩa, có sự chiêm nghiệm và trải nghiệm của thế hệ 8X, 9X về sau. Tại khối phố Nam Diêu, làng gốm Thanh Hà, TP Hội An là không gian chợ Tết xưa “0 đồng” mà anh Quang mong muốn cống hiến cho mọi người, trong đó quan tâm đến người nghèo, người bị ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh trong năm qua.

Với chủ đề năm nay là chợ Tết xưa có gắn với “0 đồng”, anh Quang đã nghĩ đến mâm cỗ ngày Tết là một trong những nét đẹp truyền thống vào những ngày đầu năm của người Việt. Mỗi vùng miền đều có mâm cỗ ngày Tết với những món ăn riêng biệt, miễn sao tỏ lòng thành kính nhớ tổ tiên, ông bà và thể hiện mong ước cho một năm mới sung túc, thịnh vượng. Phiên chợ của anh Quang đáp ứng đầy đủ những nguyên liệu để nhà nhà có thể trưng bày mâm ngũ quả, mâm cỗ cúng gia tiên, khay bánh quê, cơi trầu, bình rượu… và có cả các trò chơi dân gian. Không gian chợ Tết xưa “0 đồng” của anh Quang đậm chất quê, với tranh tre, nứa lá, nhưng bề nổi tạo sự chú ý cho mọi người, đó là cây nêu và những lá cờ hội, lồng đèn vải nhiều màu sắc, dàn nhạc cổ cất lên những giai điệu truyền thống, với các nhạc công từ nam đến nữ trong trang phục khá bắt mắt. Dạo qua chợ Tết xưa, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi các mặt hàng rau củ quả phong phú, thịt cá, đồ khô… kể cả những mặt hàng mộc mạc chân quê mà không phải chợ nào cũng có. Anh Quang thực hiện phiên chợ này là dành cho tất cả mọi người, kể cả người không có tiền vẫn được đi chợ. Có 200 phiếu đi chợ “0 đồng” được phát trước cho người nghèo, neo đơn và bị thiệt hại do dịch bệnh, bão lũ. Ngoài việc người đi chợ Tết xưa tự do mua sắm những mặt hàng mình thích và cần trị giá 1 triệu đồng/phiếu, quý khách của anh Quang còn được trải nghiệm công việc làm bánh, mứt, mổ heo, làm dưa kiệu, nấu nướng các món ngon ngày Tết…

Cây nêu, tranh tre và đèn lồng tại chợ Tết xưa

Những sắc màu chợ Tết

Gian chính của chợ Tết xưa được bày biện một tủ thờ và phía trước là chiếc bàn rộng bày hương, hoa, trà, quả, bánh mứt đủ đầy. Phần chính giữa bàn là mâm cỗ cúng. Miền Trung là vùng đất mỗi năm phải gánh chịu nhiều thiên tai, bão lũ. Con người nơi đây rất thâm trầm, tỉ mỉ và khá cầu kỳ trong cách chế biến các món ăn ngon trong mâm cỗ Tết. Bánh tét, bánh chưng truyền thống, quen thuộc của những ngày Tết; Bánh tổ có nguồn gốc từ lâu đời, hình dáng khá giống với tổ chim, biểu tượng của sự ấm no, đoàn tụ; Tré là đặc sản người miền Trung, thể hiện cho tình cảm gia đình với mong ước vào năm mới, các thành viên sẽ luôn hòa thuận với nhau, quan hệ sẽ khăng khít hơn; Tôm chua, thịt heo ngâm nước mắm, nem chua, dưa món, chả bò, măng kho khô... thôi thì vô vàn được sắp đặt đẹp mắt. Nhưng 2 món chính phải có là đĩa ba chỉ thịt heo luộc hoặc đầu heo luộc và một con gà trống luộc. Để có mâm cỗ bài bản, khách đi chợ được tham gia các công đoạn từ đầu đến cuối. Các anh thì mổ heo, lọc thịt cho phù hợp với các món chế biến, thịt mỡ để gói bánh tét, bánh chưng, xương hầm củ, thịt nạc xiên nướng lửa than, huyết tụ để nấu cháo lòng, ba chỉ để xắt phay hoặc xào lăn… Các chị, các cô thì mổ gà vịt, chế biến các món ăn; nhào bột làm bánh, lau lá dong, lá chuối gói bánh, gói chả… dường như ai đến đây cũng có việc để làm, để sống lại không khí Tết xưa. Cầu kỳ và công phu nhất vẫn là phần việc làm các loại bánh, mứt quê, rang hạt bí, hạt dưa, một phần khá quan trọng, luôn hiện diện trên bàn khách của mọi nhà trong ngày Tết. Gần chục loại bánh, như: Bánh tét, bánh chưng, bánh tráng, bánh in, bánh len, bánh tổ, bánh nổ, bánh thuẫn…; Hàng chục loại mứt, như mứt gừng, bí đao, đu đủ, dừa, trái quất… là những món mứt rất dân dã, nhưng không kém phần hấp dẫn khi thưởng thức. Chỉ riêng việc làm bánh in, các chị phải chọn nếp ngon để làm.

Một góc hàng rau quả tại chợ Tết xưa “0 đồng

Nghi thức cúng đưa, cúng rước ông bà, cúng minh niên… cũng được tái hiện bài bản và đông đảo người trẻ chú ý xem để học hỏi các bài khấn của một cụ lớn tuổi trong làng. Không gian văn hóa, xin chữ đầu xuân, hát bài chòi, đánh bài chòi, hô lô tô, múa lân, các trò chơi dân gian như đẩy gậy, nhảy thụng… làm cho không khí Tết xưa thêm hấp dẫn, náo nhiệt. Sau một ngày mọi người tham gia nấu nướng, làm các loại bánh, mứt, hôm sau chợ Tết xưa “0 đồng” được mở cửa; người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được thoải mái lựa chọn những mặt hàng cần cho bếp ăn ngày Tết của nhà mình. Đợt dịch Covid-19, anh và các Mạnh Thường Quân trong CLB Chia sẻ yêu thương ở Hội An đã trao hàng ngàn suất quà giúp người mua bán ve chai, vé số và người làm công trong ngành du lịch bị mất việc; lập chợ “0 đồng” với 500 phiếu tặng. Và trong lúc chúng tôi thực hiện bài viết này thì anh Nguyễn Thanh Quang đang miệt mài với những chuyến đò “0 đồng” giúp người dân đi lại trên sông nước được an toàn và miễn phí sau 8 đợt bão lũ đồn dập ở Hội An.

NGỌC DIÊN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top