Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Từ bản làng em nhìn ra thế giới

Thứ Ba 09/02/2021 | 09:27 GMT+7

VHO- Chảo Yến, tên đầy đủ Chảo Thị Yến, sinh năm 1990 là người dân tộc Dao Tuyển ở bản Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát (Lào Cai) trở thành người đầu tiên của xã vùng biên giới Việt - Trung đi du học trời Âu với học bổng trị giá 50 nghìn USD (khoảng 1,2 tỉ đồng) đã truyền đi cảm hứng cho biết bao bạn trẻ. Và cô cũng là một trong những nhân vật ưu tú của chương trình Cất Cánh để mở ra chân trời mới cho tương lai...

Chảo Yến dự Diễn đàn Vai trò tri thức bản địa với phát triển bền vững tại Indonesia 2019. Ảnh: NVCC

Năm 2020 trôi qua với đầy biến động, Chảo Yến tâm sự, dù thế nào đi nữa, “chúng ta không nhìn thấy sự phân biệt đối xử, không nhìn thấy sự chênh lệch giàu, nghèo mà chỉ thấy hai chữ “NGƯỜI NHÀ”...

1. Tết năm ngoái, tức Tết Canh Tý 2020, có lẽ là cái Tết khá buồn ở bản mình, bởi trên loa phát thanh từ nhà bác trưởng bản vang lên thông tin dịch Covid-19. Nhiều cô, nhiều chú hoang mang lắm vì khi đó mọi thông tin về con virus này còn khá rời rạc. Dân bản chỉ biết là, bên Trung Quốc có người chết vì con “vê rốt” nên lo lắng, chứ những thông tin chi tiết về “con” đó chưa ai nắm được. Ở bản, nhiều người thường dùng Wechat và Zalo. Trên Wechat lan truyền những đoạn clip người chết ở cổng bệnh viện, rồi có người truyền nhau những video đầy hình ảnh lở loét nói rằng đó là con “vê rốt” gây ra đó. Sau dân bản biết được những thông tin đó là tin giả, tinh thần mọi người đã đỡ hoang mang, nhưng vẫn đi lên rừng, cạo vỏ cây và một số loại thuốc khác về may túi thơm đeo bên mình để bảo vệ sức khỏe. Đó là bài thuốc đã được truyền miệng qua bao thế hệ người Dao. Mọi năm, đến ngày Tết, người Dao ở vùng biên giới Bát Xát thường đi Trung Quốc hát giao duyên đến mùng 5 mới về nhà. Nhưng năm ngoái, vì dịch Covid nên tất cả những bộ trang phục rực rỡ nhất được các cô cất kỹ trong tủ với tâm trạng đầy tiếc nuối vì cả năm chỉ đợi có dịp này để chưng diện.

2. Không. Tết năm ngoái không buồn như nó đáng ra sẽ phải buồn. Bởi câu chuyện dài dài ở phía sau. Quay lại với nhiều năm về trước, mọi người chỉ biết có người Dao Tuyển ở Nậm Chạc, Bát Xát, Lào Cai, chứ ít ai biết trang phục người Dao như nào vì bao lo toan bộn bề cuộc sống, vì cơm áo gạo tiền, và cũng vì người ta thấy mặc bộ đó lên thật rườm rà, khó chịu. Những năm trở lại đây, đời sống vật chất của người Dao khá lên, người ta bắt đầu quan tâm chăm sóc “đứa con tinh thần” bằng cách diện những bộ trang phục rực rỡ, bắt mắt với từng đường thêu tay tỉ mỉ, tinh xảo. Mấy chú bộ đội biên phòng thốt lên, “ở đây gần chục năm mà không biết dân tộc Dao có trang phục đẹp thế” khiến mấy cô lại càng phấn khởi, càng tự hào khi khoác lên mình bộ váy áo truyền thống. Chính vì thế, mọi người lại càng háo hức mong đến Tết để được hát giao duyên với một tâm thế đầy tự hào hơn và mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa nhiều hơn. Dịch đến giống như việc cắt bỏ sợi dây dù khiến các cô rơi tự do vậy. Thật may “đoàn cứu hộ” đến kịp lúc, giải cứu các cô nàng khỏi “nát nhừ cảm xúc”, khiế. cả làng đi từ bất ngờ đến “bùng nổ” chính là anh cán bộ xã bao năm công tác nhưng chưa bao giờ hát tiếng Dao, là cậu thanh niên từng nói “hát giao duyên là việc của những người rỗi việc”, là cô gái trẻ chỉ quen cầm micro hát karaoke ở phố, là anh nông dân từng cấm vợ đi hát vì cho rằng đó là “dở người”. Theo sau là cả một lũ nhóc vây quanh cười khúc khích mỗi khi “Đội cứu hộ” hát “lệch cả đường ray” và đằng xa chính là ánh mắt dõi theo của người lớn tuổi, thi thoảng đưa tay lên lau nước mắt bởi những tràng cười cứ rộ lên không ngớt. Đây là lần đầu tiên ở bản có hát giao duyên với toàn người trong nhà hát cùng nhau, và cũng là lần đầu thế hệ trẻ chịu ngồi xuống học hát tiếng mẹ đẻ, lần đầu tiên trên bàn mâm giao duyên có cả vợ cả chồng, cả con trai, con gái, con dâu và con rể. Ngày hôm sau, mọi người rủ nhau diện trang phục rực rỡ không khác gì đi hát giao duyên với làng khác, tiếp tục đến địa điểm ngày hôm trước, ngồi đốt lửa, rồi dọn mâm cơm ngồi hát từ sáng đến tối với những nụ cười tươi nhất, giòn nhất trong tất cả những mùa Tết ở bản! Một số cụ già được mời đến để đọc lời bài hát cũng như dạy lại cho thế hệ trẻ, gật gù thừa nhận rằng: “Ở Nậm Chạc bao năm, đây là cái Tết vui nhất từ trước đến nay!”.

 Chảo Yến

3. Hết Tết, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, các mặt hàng nông sản không thể xuất bán được. Trán của các bố, các mẹ trong bản làng thêm nhiều nếp nhăn. Vì những trận lũ làm hỏng mương thủy lợi, “nồi cơm” của nhiều hộ dân phụ thuộc vào sắn và chuối xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều nhà không có thu nhập nên bỏ xuống thành phố xin việc ở các công ty. Trớ trêu là dịch bệnh không phải là câu chuyện của riêng bản Ngám Xá mà là câu chuyện của nhiều bản to hơn mà được người ta gọi là huyện, thành phố, quốc gia và thế giới. Các thanh niên hay những phụ nữ trẻ rời bản làng xuống các thành phố lớn làm thuê trong các khu công nghiệp, nhưng chỉ được một thời gian ngắn đã thấy về bởi dịch bệnh các công ty cắt giảm nhân sự và bởi vì ở “bản” xa xa lại có người nhiễm Covid, một số nơi bị cách ly nên ở nhà lo lắng bắt về tránh dịch. Tôi gọi về cho bố, buồn vì ở quê mọi người không có tiền tiêu, nhưng bố nói: “Bố thương người thành phố lắm con, ở quê không có tiền tự trồng rau, nuôi gà sống qua ngày, ở thành phố, họ không có việc làm, không đất trồng rau, họ sống như nào con?”. Nỗi lo của bố tôi nhanh chóng được xoa dịu bởi những cây ATM gạo miễn phí, những điểm phát thực phẩm và cả đồ cá nhân.

Với sự đồng lòng của cả nước, dịch cũng được kiểm soát, đã có sự giao thương hàng hóa. Nhưng các “bản” hoạt động trở lại chưa lâu thì bão, lũ, thiên tai đến cùng lúc. Khúc ruột miền Trung gồng mình chống chịu, có những nỗi đau, có những mất mát, mà khi nghĩ lại cũng khiến ta có thể bật khóc thành tiếng. Có những bài hát, có những bài thơ ra đời, khiến ai mỗi khi đọc lên đều không khỏi ngậm ngùi. Các “bản thành phố” lớn và các bản nông thôn nhỏ lại cùng đồng lòng, người nấu bánh, người gom gạo, gom quần áo, kêu gọi ủng hộ tiền đồng lòng tiến về khúc ruột miền Trung.

Cậu bé Hồ Ánh Khiết vác búp măng trên con đường đất đi ủng hộ chống dịch Covid-19 được thầy Nguyễn Trần Vỹ, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) chụp, chia sẻ lên Facebook đã lay động hàng triệu con tim 

4. Hình ảnh những người lính dầm mình trong mưa tìm đồng đội; hình ảnh cháu bé chặt cây măng to hơn người vác xuống xã để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt; hình ảnh “cô Tiên” thế kỷ XXI với nụ cười tươi trao từng gói quà cứu trợ, hình ảnh những đoàn xe từ bản Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Nội, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM... với dòng chữ “HÀNG CỨU TRỢ ĐỒNG BÀO MIỀN TRUNG BỊ LŨ LỤT” khiến mỗi chúng ta đều thấy tinh thần dân tộc dâng lên theo từng giờ. Hai chữ ĐỒNG BÀO như gắn kết các “bản làng” và toàn dân tộc Việt Nam lại. Ở đó, chúng ta không nhìn thấy sự phân biệt đối xử, không nhìn thấy sự chênh lệch giàu, nghèo mà chỉ thấy hai chữ “NGƯỜI NHÀ”. Từ bản làng nhỏ đến thế giới to đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Nhưng ở “bản thế giới”, họ có cách kiểm soát dịch khác với Việt Nam nên hậu quả có vẻ nặng nề hơn. Về với Việt Nam, những chuyến bay thẳng vào vùng dịch để đón đồng bào về nước đã nhận được sự ca ngợi của bạn bè quốc tế, còn với những người Việt Nam, đó là cả một sự tự hào. Hình ảnh các bác sĩ, những phi công, tiếp viên mặc đồ bảo hộ đón từ người già đến trẻ nhỏ về nước an toàn đã khơi gợi niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, sống vì cộng đồng trong mỗi chúng ta. Câu chuyện các bác sĩ Việt Nam tận tâm hết mình giành lại sự sống cho anh phi công người Anh từ tay “tử thần Covid” cũng khiến bao người xúc động. Ở một đất nước nọ, trong dịp cách ly, người ta đã rủ nhau ra ban công đàn và hát cho nhau nghe. Sự lạc quan đó khiến chúng ta có thể mỉm cười nhẹ nhàng, dõi theo họ và cầu mong mọi sự bình an đến với họ. Đợt dịch Covid bùng phát lần 2 tại Việt Nam, chúng ta nhận được sự hỗ trợ từ các nước bạn láng giềng, hay sự hỗ trợ của các nước giúp Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai giúp cho tình đoàn kết giữa những “bản làng to” lại một lần nữa thêm gắn chặt. Nhìn từ bản làng nhỏ đến thế giới to, dù dịch bệnh hay thiên tai thì đâu đó vẫn luôn có những hy vọng, có những hồi sinh, có những câu chuyện khiến chúng ta có nhiều động lực và niềm tin vào cuộc sống này. Phải chăng, chính những biến động đó đã làm lòng người muốn sát lại gần nhau.

Người dân huyện Nam Trà My (Quảng Nam) gùi rau gửi xuống TP Đà Nẵng để chung tay phòng chống dịch

5. Năm 2020, con đường Chảo Yến đi cũng có những biến động gập ghềnh, khúc khuỷu có lúc tưởng như rơi vào ngõ cụt. Quyết định nghỉ việc khi dịch Covid còn đang làm bao người lo về cơm áo gạo tiền, đến hiện tại Chảo Yến cũng không biết mình lấy dũng khí ở đâu để nghỉ việc. Về nhà, bao định hướng đề ra trước đó bị “đình chỉ” cũng chỉ vì Covid khiến con đường Yến chọn không thể có lối đi. Thất vọng về bản thân, chán chường, rơi tự do, mất hết năng lượng. Một ngày, câu hỏi “Chị Yến muốn hôm nay trời nắng hay mưa?” của thằng Goong đã khiến Chảo Yến bừng tỉnh. Goong hỏi: Chị Yến muốn hôm nay trời nắng hay mưa? Chảo Yến: Chị muốn trời nắng. Goong: Em chúc mừng chị, điều ước của chị đã thành hiện thực rồi. Chỉ với câu nói đó, Chảo Yến nhận ra rằng, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, thì mình cũng cần có năng lượng tích cực của một đứa trẻ và cái đầu hơi tính toán của một người lớn. Khởi nghiệp giữa mùa đại dịch với dự án về du lịch cộng đồng mang tên GOONG (trong tiếng Dao là “tốt đẹp”), Chảo Yến mong muốn lan tỏa tinh thần sống lạc quan và hướng đến những điều tốt đẹp như chính cái tên GOONG vậy. Dù 2020 có nhiều biến động, nhưng chỉ cần tinh thần ta không biến động thì mọi chuyện rồi sẽ “Goong” thôi! 

CHẢO YẾN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top