Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chơi đu bay bổng ngày Xuân…

Thứ Năm 11/02/2021 | 10:14 GMT+7

VHO- Đầu tháng Chạp, khi từng sướng mạ non ngoài đồng đã được nhổ gọn gàng, chỉ còn bụi mưa bàng bạc bay nghiêng rắc cườm trên cánh rau bánh khúc, người dân quê lại háo hức bàn với nhau chuyện làm đu Tết. Phong tục ấy được gìn giữ và nâng niu như một niềm tự hào đã in sâu vào trong tiềm thức, khiến từ già đến trẻ, ai ai cũng mong ngóng mỗi dịp Xuân về.

Cụ Vũ Văn Nghiễn, người nhiều năm được dân làng tín nhiệm phụ trách việc làm đu

Thôn Thanh Khê, xã Nam Cường nơi người viết sinh ra là một ngôi làng cổ nằm dưới chân con đê sông Đào uốn mình chảy qua huyện Nam Trực, Nam Định. Với những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, Tết là thời điểm tạm gác lại chuyện mùa màng, bỏ quên bao nỗi vất vả và lo âu của ngày cũ để chờ đón những đứa con đi xa trở về sum họp. Giữa cái rét ngọt ngào của đất trời miền Bắc, ai cũng sẽ mở lòng để đón năm mới theo cách của riêng mình. Thế nhưng khi được cùng nhau đứng dưới gốc đu, những cảm xúc, thanh âm và rung động riêng tư ấy như tan ra, rồi quyện lại thành một sợi dây gắn kết tâm hồn mỗi người. Người ta thường bảo, ngày Tết ở quê hay lắm, thích lắm...

Nhưng có lẽ, với người dân Thanh Khê thích nhất chính là chơi đu! Cụ Vũ Văn Nghiễn, người nhiều năm được dân làng tín nhiệm phụ trách việc làm đu kể: “Không chỉ là trò chơi dân gian đầu xuân, cây đu còn là cách mà cả cộng đồng sau lũy tre xanh thờ vọng và gửi gắm ước ao về một năm mới no ấm, an lành. Thế nên, bao nhiêu thăng trầm trôi qua mà người dân vẫn chỉ chọn khoảng đất trống cạnh ngôi đình làm nơi trồng đu. Đó cũng là hướng mà người dân sẽ xuất hành dịp năm mới, đồng thời là nơi mà người đi xa hay du khách thập phương đều phải đi qua, nếu muốn về làng để tìm lại với cội nguồn”. Ở thời khắc những tờ lịch cuối cùng của năm cũ dần được gỡ xuống, các bậc cao niên trong làng đã đi tìm những những cây tre già nhất, thẳng và dẻo dai nhất để làm cột đu. Bốn cây cột ấy là hiện thân cho sự vững chãi, chắc chắn nên làng chỉ chọn tre của gia đình nào có cuộc sống viên mãn, con cái ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. Nhà nào làm kinh tế giỏi thì được chọn cây tre bánh tẻ nhỏ hơn, để làm bộ ròng rọc hoặc tay vịn của đu. Phần mõ đu phải thật bền chắc, thì lại chỉ được phép chọn gốc cây tre già mọc ở vườn nhà các cụ cao tuổi.

Người dân trong làng mỗi người một chân một tay dựng đu chơi Tế

Cụ Lê Văn Rính, một thầy giáo già của làng khẳng định: “Mỗi bộ phận của cây đu đều mang một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt như thế, nên cả làng chỉ hơn chục hộ được có tên trong danh sách góp tre. Đối với người dân quê chân chất, mộc mạc, đó chính là niềm tự hào về truyền thống gia đình được mọi người tôn vinh và ghi nhận”. Những cây tre là một loại “giấy khen” cổ xưa và tinh tế biết bao. Cũng hiếm có một trò chơi nào lại trở thành biểu tượng thiêng liêng trong đời sống cộng đồng đến vậy. Vào sớm tinh mơ của ngày Ba mươi, những tấm bánh chưng nóng hổi đã được vớt ra bày lên ban thờ gia tiên với lòng thành kính thì không một người nào có thể bình tâm được trước sự cận kề, giao hòa giữa cái cũ và cái mới. Thế nhưng tất thảy đều bảo nhau gác lại việc riêng, cùng xúm vào mỗi người một chân một tay dựng đu chơi Tết. Góc này hò nhau đào hố trồng cột, góc kia bắc thang người giữ, người trèo…

Dù vụng về đến đâu thì người ta cũng nhận ra rằng, cái rộn ràng của mùa xuân được bắt đầu từ những giây phút như thế. Thời khắc quan trọng nhất để bắt đầu một năm mới là lúc Giao thừa. Lúc này, vị cao niên được trọng vọng nhất sẽ chủ trì một mâm lễ nhỏ dưới gốc đu. Giây phút trời đất chuyển mình, tiếng trống, tiếng chuông trong đền âm vang vọng lại cũng là lúc vị Tiên chỉ làng đọc bài văn khấn mời Thành hoàng về chơi đu Tết, mong cả làng sẽ có một năm mới an khang thịnh vượng. Chiếc đu được đưa một lượt theo cánh tay đẩy của cụ cao niên. Như thế lễ khai đu đã chính thức được bắt đầu. Khách phương xa về làng chúc Tết, nếu chủ nhà có mời chơi đu thì nhất định đừng chối từ.

Bởi người Thanh Khê quan niệm chơi đu là để mọi điều trong năm mới được hanh thông, thuận lợi. Đây còn là cách “mừng tuổi” đặc biệt và cũng rất tình mà người ta dành tặng cho nhau. Đánh đu thật dễ mà cũng thật khó! Dễ ở chỗ cứ trèo lên đu là chơi được, nhưng thật khó khi muốn đánh cho bổng, cho đẹp thì phải dũng cảm và khéo léo. Người chơi đu đứng lên chiếc mõ tre, tay nắm vào dây đu ở tầm ngang ngực. Nếu đánh đôi thì hai người đứng chân xen kẽ, mặt áp vào nhau. Khi đánh thường phải nhờ một người đứng dưới đưa lấy đà rồi người chơi đu bắt đầu nhún cho đu bay lên. Khi đã đu được lên cao, lơ lửng giữa không trung mới thực sự thấy hết được cái cảm giác lâng lâng, phơi phới của đất trời lúc vào xuân. Tất cả những hương vị ấy lan tỏa theo thời gian, men theo cả không gian và ẩn sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Thanh Khê .

VŨ MỪNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top