Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khám phá thủy điện cổ nhất Việt Nam

Thứ Tư 10/02/2021 | 10:30 GMT+7

VHO- Là công trình thủy điện được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam, thủy điện Ankroet thuộc địa phận xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), do người Pháp thi công trong nhiều năm mới hoàn thành trong bối cảnh chủ yếu dựa vào sức người và công cụ hỗ trợ thô sơ.

Cách nhà máy thủy điện Ankroet khoảng 5 km là hệ thống đập tự tràn với dung tích hồ chứa một triệu m3 nước. Quá trình ngăn dòng đã tạo nên hồ Suối Vàng thơ mộng giữa rừng thông Ảnh trong bài: Quỳnh Trần

Thủy điện Ankroet nằm bên cạnh hồ Suối Vàng. Sau gần 80 năm kể từ thời điểm bắt đầu khởi công xây dựng, đến nay thủy điện Ankroet đã không còn giữ được vai trò quan trọng về mặt công năng, tuy nhiên những giá trị về lịch sử, du lịch khám phá vẫn còn nhiều điều chưa được “bật mí”.

Công trình mang đậm kiến trúc nghỉ dưỡng

Nằm sâu trong thung lũng Đan Kia - Suối Vàng lại được các cánh rừng thông bao phủ nên thủy điện Ankroet tách biệt với các khu dân cư. Đây là một công trình được xây dựng chủ yếu bằng đá chẻ, xung quanh trồng rất nhiều cây xanh. Để có thể vào bên trong nhà máy bắt buộc phải đi qua một cây cầu nhỏ bắc qua dòng nước xả để vận hành nhà máy. Có mặt tại đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước kiến trúc của thủy điện này bởi nó trông chẳng khác nào một ngôi biệt thự nghỉ dưỡng giữa chốn đại ngàn xanh đến ngút mắt. Ông Phúc, người quản đốc thủy điện cho biết: “Nhà máy thủy điện Ankroet được người Pháp cho khởi công xây dựng từ tháng 10.1942 đến năm 1945 mới hoàn thành và chính thức đưa vào hoạt động, phát điện phục vụ nhu cầu sử dụng điện tại Đà Lạt khi người Pháp muốn xây dựng nơi đây thành thủ phủ của Đông Dương.

Đập tràn của Thủy điện Ankroet là đập tràn duy nhất được xây dựng bằng đá chẻ Thủy điện Ankroet, nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam

Theo thiết kế ban đầu, nhà máy có công suất 600kW gồm 2 tổ máy có tuốc bin hiệu BELL phát hiệu CEM-LEHA VRE do Mỹ sản xuất. Đập tràn của thủy điện được xây dựng có chiều dài 97m, cao 10m, dung tích hồ chứa 1,3 triệu m3 nước. Thủy khẩu và đường hầm bê tông xuyên núi dài 536m hình móng ngựa, đường kính 1,65m có giếng áp thủy cuối hầm cao 44m, đường kính 4m; một đường ống thủy lực bằng thép dài 182m, rộng 1,3m dẫn xuống nhà máy”. Về sau, để có đủ nguồn điện phục vụ việc xây dựng thủy điện Đa Nhim (giáp ranh giữa địa phận Lâm Đồng và Ninh Thuận), đập thủy điện Ankroet được tiến hành cải tạo, nâng cấp với quy mô đập tràn dài 161m, cao 25m và tự tràn qua đá chẻ dài 40m, cao 20m, dung tích hồ chứa lúc này đã tăng lên 20 triệu m3 nước; 2 tổ máy 1250kW6,6kV được lắp đặt thêm nâng tổng công suất của nhà máy lên 3,1mW.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến động của lịch sử, những tổ máy phát điện do Mỹ, Pháp sản xuất lần lượt hoàn thành sứ mệnh của mình. Đến năm 2004, tổ máy đầu tiên được đưa ra khỏi vị trí, thay thế bằng những tổ máy phát điện mới do Trung Quốc sản xuất có công suất phát điện lớn hơn mang tính tự động hóa cao. Để có thể xây dựng thành công nhà máy thủy điện trong điều kiện không có máy móc hỗ trợ đã có hàng ngàn phu phen xây dựng được điều động từ mọi miền của đất nước về đây ra sức làm việc. Với đặc thù công việc nặng nhọc, cộng với đói rét, bệnh tật đã khiến không ít người phải nằm lại trước ngày thủy điện được hoàn thành.

Chính vì thế, để tưởng nhớ đến những con người đã hy sinh cho công cuộc kiến thiết, những thế hệ sau của nhà máy đã cho xây dựng một bia tưởng niệm để ghi nhớ công ơn cũng như an ủi phần nào linh hồn những người đã khuất.

Năm 1960, để phục vụ cho việc xây dựng thủy điện Đa Nhim công suất nhà máy Ankroet được nâng lên 3.100 kW. Hiện công suất của nhà máy là 4.400 kW

Điểm khám phá thú vị

Hiện nay một trong 2 tổ máy trước đây đã được đưa ra Hà Nội để trưng bày tại Nhà truyền thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một tổ máy khác được trưng bày tại khuôn viên của Nhà máy để giới thiệu với du khách đồng thời làm kỷ niệm. Năm 2004, Nhà máy thủy điện Ankroet đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây còn được biết đến là nhà máy thủy điện đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương. Mặc dù không chính thức đưa địa điểm này vào hoạt động du lịch, tuy nhiên tại đây mỗi năm vẫn có hàng ngàn lượt khách ghé tham quan, tìm hiểu về nhà máy. Bên cạnh đó, môi trường sinh thái của khu vực cũng là điểm nhấn đáng chú ý với phong cảnh hữu tình lại hài hòa với thiên nhiên nên nhiều du khách còn chọn nơi đây để thực hiện những chuyến dã ngoại đáng nhớ của mình. Vào những ngày đẹp trời, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều cặp đôi đến đây để lư lại những tấm ảnh cưới.

Các thiết bị máy móc nguyên thủy được trưng bày tại khuôn viên nhà máy

Suối Vàng cũng là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Đà Lạt

Thủy điện Ankroet, nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam

“Ngày nay, thủy điện Ankroet không còn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện như trước đây nữa bởi sự hiện diện của hàng loạt nhà máy thủy điện công suất lớn trong cả nước cũng như nhiều nguồn cung cấp điện khác. Chính vì thế, chúng tôi đang có ý định trong tương lai sẽ phát triển nơi này thành một điểm tham quan cho du khách cũng như làm mới vai trò sứ mệnh của nhà máy thủy điện đầu tiên tại Việt Nam này”, ông Phúc chia sẻ. Để đến được địa điểm này, từ trung tâm TP Đà Lạt, du khách sẽ đi theo con đường Xô Viêt Nghệ Tĩnh rồi rẽ vào con đường Ankroet tầm 12 km nữa sẽ thấy một bảng chỉ dẫn, giới thiệu về thủy điện được đặt bên đường. Tiếp tục theo bảng chỉ dẫn này chạy thêm khoảng 2,5 km nữa sẽ đến được địa chỉ cần tìm. Sứ mệnh xưa cũ đã hoàn thành, thủy điện Ankroet đã và đang thực hiện một sứ mệnh hoàn toàn mới, sứ mệnh của một đại sứ du lịch góp phần tô điểm cho vẻ đẹp nhiều nét đặc trưng của thành phố Đà Lạt ngàn hoa và thu hút du khách đến với địa phương cũng như tìm hiểu về Nhà máy thủy điện cổ nhất Việt Nam này. 

THÀNH KHIÊM 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top