Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Giấc mơ liêu trai của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh

Chủ Nhật 14/02/2021 | 11:04 GMT+7

VHO- Bước qua thềm năm mới, bộ phim được chờ đợi nhất có lẽ là Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Tác phẩm được thực hiện nhằm kỷ niệm 20 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi nhân gian.

Chuyện tình Sơn – Ánh

Ngoài yếu tố được “nương tựa” tên tuổi của vị nhạc sĩ tài hoa thì bộ phim cũng phải đối diện với không ít thách thức khi công chúng có sự so sánh giữa huyền thoại trong âm nhạc và thần tượng trên màn ảnh.

Hình tượng hóa những mối tình sâu đậm

Được sự hỗ trợ của gia đình cố nhạc sĩ, những thước phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hứa hẹn sẽ mang lại cho công chúng một góc nhìn mới mẻ và trẻ trung về một huyền thoại âm nhạc Việt. Sau nhiều lần chỉnh sửa, kịch bản Em và Trịnh chọn điểm nhấn là câu chuyện tình lãng mạn, cuộc gặp gỡ định mệnh giữa người phụ nữ Nhật và chàng nhạc sĩ họ Trịnh tại Paris, rồi nàng theo tiếng gọi trái tim đến Việt Nam để tìm hiểu về sự nghiệp và cuộc đời của thần tượng.

Vai nữ chính mô phỏng nhân vật Michiko có thật ngoài đời. Michiko tốt nghiệp Đại học Kyoto trước khi sang Pháp làm nghiên cứu sinh tại Đại học Paris 7. Luận án mà Michiko thực hiện là ngôn ngữ Việt Nam qua ca khúc Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng thổ lộ về cô: “Có thể nói, Michiko là người sưu tập đầy đủ nhất, từ băng đĩa đến các tập bài hát của tôi. Lúc ở Paris, tôi có đến thăm nhà cô ở Ivry và được cô cho xem nguyên bộ sưu tập gồm có 100 băng nhạc được biểu diễn với nhiều loại hình và nhiều ca sĩ khác nhau. Riêng về ca khúc, cô sắp xếp thành mười mấy album, khoảng trên 200 bài. Phải nói rằng đây là một thư viện đầy đủ nhất, mà chắc chắn bản thân tôi cũng không thể có được!”.

Hiện tại, Michiko Yoshii đã là một GS và có mái ấm hạnh phúc ở Nhật. Thỉnh thoảng bà vẫn sang Việt Nam để thực hiện các chương trình từ thiện và không quên ghé tới thắp nhang tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bước qua thềm năm mới, bộ phim được chờ đợi nhất có lẽ là Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Tác phẩm được thực hiện nhằm kỷ niệm 20 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi nhân gian. Theo gia đình nhạc sĩ họ Trịnh, trong di cảo của ông có nhiều ca khúc và bài thơ viết tặng cho Michiko Yoshii chưa từng được công bố. Tuy nhiên, Michiko có phải là mối tình sâu đậm nhất của Trịnh Công Sơn để hình tượng hóa trên phim hay không lại là câu chuyện khác. Trong đoạn nhật ký tuổi 30 được viết tại Huế vào năm 1969, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại thể hiện sự day dứt cao độ với một duyên nợ hư ảo: “Thời gian mơ ước được làm người lớn, cũng là thời gian của mối tình đầu tiên. Cũng là thời gian đã được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc tình duyên này không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi là một thất vọng lớn không lường được. Sau đó là những mối tình khác, nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc cảm (tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi) với thành phố này”.

Trần Lực vào vai Trịnh Công Sơn

Diễn viên 22 tuổi Phạm Nguyễn Lan Thy vào vai Bích Diễm (ảnh bên). Ảnh: laodong.vn

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tỏ ra rất phấn khích khi tìm được gương mặt đóng vai Bích Diễm, tức nhân vật “Diễm của ngày xưa” trong lòng chàng Trịnh. Làm phim về người thật luôn có yếu tố thử thách về sự tin cậy. Người trong nhạc và người trong đời đã khác nhau, thì người trong phim phải làm sao cho thuyết phục? Ca khúc Diễm xưa được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào năm 1960 ở Huế, nhân vật Diễm đã trở thành huyền thoại trong lòng người hâm mộ. Mỗi khán giả có một cách mường tượng riêng về Diễm xưa, đôi khi khác hẳn bóng hồng có thật. Dự án điện ảnh Em và Trịnh quyết định chọn diễn viên 22 tuổi Phạm Nguyễn Lan Thy, một nhan sắc khá mong manh vào chất của Diễm xưa thuở đó hay không? Lan Thy cho biết, cô khá rụt rè, lúng túng và hồi hộp, vì mọi thứ đều mới mẻ.  Việc được chọn cho vai Bích Diễm là một bất ngờ và niềm vui rất lớn đối với cô gái trẻ tuổi xinh đẹp này.

Cuộc sống không thể thiếu tình yêu!

Thuở ấy, Trịnh Công Sơn sống trên gác hai của ngôi nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ, mỗi ngày đều đợi cái phút giây “thiêng liêng” được len lén ngắm nhìn Diễm, tên thật là Ngô Vũ Bích Diễm, từ bên kia sông đi qua cầu Phú Cam đến trường. Khi ca khúc Diễm xưa xuất hiện, nhiều người đoán định, nhiều người hồ nghi, nhiều người háo hức, riêng người con gái Ngô Vũ Bích Diễm thì lại tỏ ra bình thản. Sau nửa thế kỷ ca khúc Diễm xưa đến với đời sống âm nhạc, bà Bích Diễm mới chia sẻ: “Nếu mọi người để ý kĩ thì sẽ thấy thì dường như anh Trịnh Công Sơn viết về vẻ đẹp của Huế nhiều hơn là về tôi.

Chân dung Trịnh Công Sơn

Bóng dáng của Thành nội cổ xưa, của dòng Hương giang xanh mát và huyền hoặc, không khí lãng đãng của thơ, của nhạc… và anh Trịnh Công Sơn đã truyền đạt tất cả mọi thứ trong bài hát”. Trong những ghi chép của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hơn một lần đề cập đến ca khúc Diễm xưa, nhưng tế nhị không nêu rõ người đẹp nào đã tạo cảm hứng cho mình. Ông hồi ức: “Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học Văn khoa ở Huế. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt. Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường…

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy, hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi”. Bà Ngô Vũ Bích Diễm có người em gái là Ngô Vũ Dao Ánh cũng là một cảm hứng âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Từ nhớ nhung dành cho Ngô Vũ Dao Ánh, khi Trịnh Công Sơn rời Huế đi học ở Quy Nhơn và dạy học ở Bảo Lộc, ông đã viết những ca khúc như Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Lời buồn thánh… Dự án điện ảnh Em và Trịnh đã chọn diễn viên Hoàng Hà vào vai Dao Ánh, như một trong những “hồn vía” của bộ phim. Khi Trịnh Công Sơn qua đời, người ta đã gom hết những lá thư trao gửi giữa chàng Trịnh và Dao Ánh để in thành tập Thư tình gửi một người. Dẫu nhân vật “Diễm của ngày xưa” và nhân vật Dao Ánh là có thật, thì đưa họ lên màn ảnh cũng không dễ tạo ấn tượng cho đám đông. Bởi lẽ, chuyện tình của Trịnh Công Sơn luôn mơ màng như chính ông tự thú: “Hàng nghìn năm nay, con người đã sống và đã yêu, yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời…”.

Vai chính Trịnh Công Sơn được giao cho diễn viên Trần Lực, khiến công chúng một phen háo hức xen lẫn ngỡ ngàng, bởi gần đây anh chủ yếu xuất hiện với vai trò đạo diễn. Trần Lực hào hứng: “Tôi đã chờ đợi trong 10 năm để rồi tái xuất với vai diễn mình hằng mơ ước. Nhân vật Trịnh Công Sơn đúng là bước ngoặt khiến tôi hào hứng trở lại với điện ảnh. Tất cả những công việc mới không làm tôi mất đi tình yêu với môn nghệ thuật thứ 7, mà ngược lại tôi càng nhớ nghề, yêu nghề, khao khát có vai diễn hay để chìm đắm, để sáng tạo và... Trịnh Công Sơn đã đến, nghiệp diễn đã trở lại với tôi”. Em và Trịnh được đầu tư khoảng 40 tỉ đồng, không hề giấu giếm tham vọng sẽ tạo ra “bom tấn” trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thế nhưng, kịch bản ôm đồm cả một giai đoạn mấy thập niên để mô tả nhân vật từ trẻ đến già thật sự quá mạo hiểm vì đây là phim chiếu rạp chứ không phải phim truyền hình để dông dài kể lể buồn thương, nhung nhớ.

Ngoài đòi hỏi về nội dung, dự án điện ảnh Em và Trịnh còn một trở ngại tương đối nữa là lời thoại của nhân vật chính. Vốn là người điềm đạm và từ tốn, nhưng văn phong của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại rất bay bổng và uyển chuyển. Làm phim về Trịnh Công Sơn mà diễn viên không phô diễn được kỹ năng ngôn ngữ của nhạc sĩ tài hoa thì sẽ là một khiếm khuyết lớn. Ngay cả nói về đề tài tình yêu mà dự án điện ảnh Em và Trịnh đang mong muốn khai thác, thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có cách cảm nhận rất độc đáo: “Đời sống vốn không bất công. Trong tình yêu, người giả thế nào cũng thật, người thật thế nào cũng được đền bù. Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì, có người đã nói như vậy. Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu, và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩ bền vững: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu!”

LÊ THIẾU NHƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top