Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Điều còn lại cuối cùng

Thứ Bảy 13/02/2021 | 11:07 GMT+7

VHO- Tôi cùng họa sĩ Thành Chương đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vào tháng 10 vừa qua. Lần trước đến chơi một mình, thấy ông vừa nhúc nhắc tập đi với sự giúp đỡ của con trai. Người con trưởng, họa sĩ Nguyễn Bách, đứa thứ, cậu trai nhanh nhẹn ít nói, tên Khoa. Chẳng là ông nhà văn nổi tiếng, với các thiên truyện ngắn xuất sắc của thập kỷ tám, chín mươi, đầu năm 2020 bị tai biến, sau đó lại đột quỵ lần thứ hai.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: danviet.vn

Mấy chục lần gặp nhau ở nhà thuốc Nam Dược Đường nhằm rê thuốc nóng cho lưu thông khí huyết mà nhúc nhắc được cái chân liệt, Nguyễn Huy Thiệp được hai con luôn hộ tống đưa đến. Bọn trẻ ban đầu phải cõng, sau tốt lên phải dìu. Khi Nguyễn Huy Thiệp mệt chúng cõng ông đi phăm phăm.

Quan sát thấy, tôi nói với Nguyễn Huy Thiệp rằng, ông Thiệp này, ông và bà Trang thật dày phúc, người ốm dầu chỉ da bọc xương song do không cử động linh hoạt nên gây cho người cõng cảm giác nặng như cùm. Bà Trang của ông sinh được hai con trai khỏe mạnh như lực sĩ, cõng bố đi như bay. Thấy bạn đến, Nguyễn Huy Thiệp đang nằm nghỉ, nghe Bách gọi lồm cồm dậy, nhón nhém gượng ngồi lên cái chiếu trải trông ra sân. Trà nước Bách mang đến, bày ra khay chén trên chiếu. Chúng tôi uống bên nhau ở cái phòng trệt.

Ngôi nhà vợ chồng Nguyễn Huy Thiệp xưa chỉ một tầng đúng kiểu nhà nông thôn. Mấy năm này cải tạo vẫn giữ nếp dưới như cũ, cơi thêm tầng trên bê tông chắc chắn làm xưởng vẽ cho con trai. Vợ chồng ông Thiệp sinh hoạt, ăn ở dưới tầng một. Chính giữa là gian thờ, trước có khoảnh rộng cho khách khứa ngồi tụ bạ. Bên trái là phòng khách, vẫn thấy bộ ghế sa lon cũ già xưa. Mặt bàn bụi phủ mờ, chắc chẳng mấy khách nào chịu ngồi đấy. Tụi tôi, họa sĩ Thành Chương ngồi bệt xuống chiếu cạnh Thiệp, kề nơi Nguyễn Huy Thiệp và tụi tôi ngồi, bên phải có cái chái nhà cho hai vợ chồng Thiệp nghỉ ngơi. Căn phòng tối mờ. Nơi tầng hai, mênh mông đến 80 mét vuông, họa sĩ Nguyễn Huy Bách làm xưởng vẽ. Tôi có vài lần lên đấy xem tranh, vào lần nào cũng tranh tầng tầng lớp lớp.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, họa sĩ Thành Chương thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tháng 10.2020

Nguyễn Huy Thiệp rất hy vọng, đầu tư nhiều cho cả hai con để chúng thoát khỏi cái nghèo của nghiệp văn. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, Bách chu chỉn, chăm lao động, giờ đây hắn bán tranh cũng kha khá, góp vào phần lớn phụng dưỡng khi cả hai ốm đau lúc về chiều. Chúng tôi nhiều chuyện mà giờ im lặng. Tôi chợt nhớ năm 85, 86 thời Nguyễn Huy Thiệp mới xuất hiện, những thi sĩ Bế Kiến Quốc, Ngô Ngọc Bội giờ đây đều đã khuất xa. Tôi chợt nhớ, lần Nguyễn Huy Thiệp in Chảy đi sông ơi, mừng lắm, đến tận cơ quan tôi ở Hàng Gà đãi thịt chó Hàng Phèn nổi tiếng. Bữa ấy ba đứa, cả họa sĩ Hưng say l Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ Tôi cùng họa sỹ Thành Chương đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vào tháng 10 vừa qua. Lần trước đến chơi một mình, thấy ông vừa nhúc nhắc tập đi với sự giúp đỡ của con trai. Người con trưởng, họa sĩ Nguyễn Bách, đứa thứ, cậu trai nhanh nhẹn ít nói, tên Khoa. Chẳng là ông nhà văn nổi tiếng, với các thiên truyện ngắn xuất sắc của thập kỷ tám, chín mươi, đầu năm 2020 bị tai biến, sau đó lại đột quỵ lần thứ hai. nghiêng ngả, tôi tí tẹo mang họa lớn vì bỏ quên cái cặp khá nhiều tiền của cơ quan, may mà từ nhà Hưng nhớ ra, chạy lại thấy cái cặp vẫn nguyên ở chân ghế băng quán thịt chó. “Ừ thời bấy giờ tôi vừa đen vừa gầy. Ông cũng thế!”, Thiệp ngúng ngoắc bảo khi tôi nhắc lại chuyện cũ. Thiệp trước đây vốn hay nói lắp, giờ bị bệnh nói càng khó hơn.

Thành Chương thì ái ngại nhìn bạn và anh cũng vốn ít nói trong những không khí hoàn cảnh đến thăm bạn ốm. Hai người rủ rỉ hầu chuyện nhau, rồi có những phút im lặng nghe rõ cả tiếng lá rụng bay xào xạc ngoài sân lát gạch gốm. Bỗng Bách bảo tôi, nhà cháu có mảnh đất ngàn mét do ông cháu để lại, bố mẹ cháu bán đi một nửa xây nhà cho tụi cháu lấy vợ có chỗ để vẽ. Vào đây ai cũng khen nhà của tụi cháu đẹp. Đẹp thế, cao thế, ở giữa làng mà có trên cả ngàn mét, có sân có cây, ai cũng nghĩ bố cháu dư dả lắm. Bố cháu in truyện ngắn khắp thế giới, vậy mà vừa rồi ông đưa thẻ nhà băng cho cháu quản lí chi cho bố mẹ, nhìn chỉ còn gần 10 triệu. Số tiền ấy không đủ trả mỗi lần nhập viện.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ dìu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ nhà lương y trở về. Ảnh: danviet.vn

Lại kể, bác biết không, khi bố cháu viết Tướng về hưu rồi sau đó hơn chục truyện nữa, nổi như cồn. Nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Bấy giờ cháu và em cháu, thằng Khoa còn nhỏ lắm, năm ấy kì kèo mãi, bố dắt hai đứa lên Bờ Hồ, lên phố cũ chơi chợ Trung thu. Qua một cửa hàng bán bánh nướng bánh dẻo, nhìn từng chồng bánh đầy cả ngăn tủ kính, tụi cháu kéo tay bố đứng lại. Cháu nhìn những cái ánh bóng vàng mà ngửi thấy cả mùi thơm ngậy của nó. “Bố ơi mua bánh Trung thu bày rằm đi”, cháu bảo với bố. Thằng Khoa đứng sau cũng chen lên hau háu nhìn vào những chiếc bánh. Bố cháu đứng nhìn rồi lục ví ra. Trời ơi đếm đi đếm lại đám tiền lẻ trong ví không đủ hai đồng để mua một cái bánh nướng. “Không đủ tiền các con ạ”, ông nói với chúng cháu. Thế là bố con rời cửa hàng đi về. Thực là buồn rười rượi. Trung thu mà không đèn, chả có bánh. Bố con thất thểu về xóm Cò, Khương Hạ, Khương Đình này. Thằng Khoa khi ấy mới 6, 7 tuổi, nó vốn lầm lì lắm, nhưng rõ ràng mặt nó buồn bực vô cùng. Đến trưa đang chơi ở sân thì một đôi khách đến thăm. Sau này cháu mới biết đó là nhà văn Trần Thị Trường và một nhà văn nữ nữa. Họ nói chuyện với nhau một lát thì khách ra về. Cô Trường gọi hai đứa chúng cháu lại, móc ví đưa tiền cho bố bảo mua quà Trung thu cho tụi cháu. Nhìn rõ tờ 50 ngàn. Trời ơi, những năm chục ngàn. Bố cháu muốn từ chối vì số tiền lớn quá, nhưng cô Trường cứ dúi vào túi áo cháu. Họ cũng lại nán lại con cà con kê dăm chuyện nữa gần cổng ra vào. Người lớn bao giờ cũng lắm chuyện. Trong lòng khi ấy, lúc cháu ngóng ra cổng, chỉ muốn cô Trường đi ngay lập tức, để cháu rủ bố ào ngay đến cái tiệm bánh trung thu, mua đủ hai cặp bánh nướng bánh dẻo. Thú thực, bây giờ cháu cũng chưa đọc hết truyện của cô Trường. Nhưng bao nhiêu năm rồi cháu không bao giờ quên miếng bánh năm ấy mà nhờ cô Trường chúng cháu mới có được. Đấy là những miếng bánh ngon nhất, tuyệt vời nhất, để lại dư vị bánh nướng bánh dẻo tới tận bây giờ. “Thế là bao năm rồi nhỉ?”, tôi hỏi Bách. “Gần chẵn ba chục năm rồi ạ”.

Những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Tôi và Thành Chương ra về. Ra về mà lòng tôi cứ miên man suy nghĩ. Điều gì để cho một đứa trẻ nhớ lâu đến ngày hôm nay, bất chấp năm tháng? Giá như cậu Bách đọc truyện của nữ nhà văn Trần Thị Trường từ năm ấy, liệu cậu ta có nhớ từng chi tiết nhỏ của tác phẩm đến ngày hôm nay như câu chuyện bánh nướng của cậu vừa kể không? Có lẽ không! Nhất là hôm nay, cuộc sống bừa bộn sự mưu sinh cùng biết bao thị phần giải trí lấn sân của văn học. Mà không lấn sân thì văn nghệ cũng không thể thay thế cuộc sống vốn sinh động đang đòi hỏi sự thực tế để mỗi cá thế gắn bó với nhau, nương tựa nhau hơn. Gắn bó với nhau có lẽ không có gì hơn cái tình. Đôi bánh dẻo bánh nướng năm ấy của nhà văn tặng cho hai đứa trẻ để cậu Bách nhớ dai dẳng đến tận ngay hôm nay có lẽ minh xác một điều nhỏ mà vô cùng lớn lao của con người.

Mọi vật chất nhìn thấy đều có thể mất đi tàn lụi. Ngay cả các giá trị nghệ thuật tưởng là vĩnh cửu liệu có tồn tại mãi không, mỗi khi qua thời gian con người ta luôn vận động tới những quan niệm thẩm mĩ khác cũ? Cái bánh nướng năm ấy cũng tiêu hóa rồi, chả còn đâu nữa, cũng như thành phố này 30 năm qua bao điều đổi thay, có cái tàn lụi, có cái mất đi, có cái mới đẹp hơn thay thế cái cũ, nhưng tấm lòng của con người, cái tình trong quan hệ giữa con người với con người, cả cái tình trong sự ứng xử với thiên nhiên, môi trường nơi ta ở, ta sống thì có lẽ chả ai muốn đổi thay, vì cái đọng lại bất chấp thời gian, bất chấp thời cuộc, thách đố tất cả vẫn là cái Tình. Bởi vì ai chả muốn những con người như cậu Bách lưu giữ lại việc tưởng bé xíu quanh người cha nổi tiếng của mình những ba chục năm trời.

 Ngọc Hà, tháng 12.2020

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top