Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cho tôi một vé đi…Quán Thanh Xuân

Thứ Ba 09/02/2021 | 11:13 GMT+7

VHO- Năm 1984, có lẽ là một thời điểm bước ngoặt của riêng tôi, nhưng tôi lại chôn vùi nó trong một góc khuất của ký ức thanh xuân, cho đến khi gần đây năm 2020, tôi xem chương trình “Quán Thanh Xuân” trên VTV.

“Quán Thanh Xuân” chủ yếu giới thiệu các cựu du học sinh thời Xô-viết qua một chương trình văn nghệ do chính các cựu du học sinh các khoa nghệ thuật tại Liên Xô biểu diễn. Thật đẹp, thật lạ, mượt mà hơn tôi tưởng và ký ức tôi, như những toa tàu chạy trong sương mù, dần quay lại.

Thanh Xuân của tôi

Ngày đó, may mắn hơn các cựu du học sinh trong “Quán Thanh Xuân” ngoài Hà Nội chỉ đi tàu lửa liên vận, tôi đã bay với Aeroflot từ Sài Gòn -TP.HCM, transit tại Nội Bài rồi bay tới Karashi dừng vài tiếng mới bay tiếp đến Moskva. Nếu tôi nhớ không lầm, thời đó, mỗi tháng mới có một chuyến bay từ Sài gòn đến Moskva.

Tác giả và những người bạn

Đó cũng là lần đầu tôi biết đến miền Bắc khi máy bay đáp xuống Nội Bài. Sân bay thật yên tĩnh, vắng lặng. Khi máy bay lăn bánh trên đường băng, tôi nhìn ra ngoài thấy những con trâu gặm cỏ dưới mưa… và một thoáng thất vọng vì nó không “hiện đại” như tôi tưởng. Nhưng rồi tôi lại an tâm vì đó là một cảnh thanh bình của vùng quê miền Bắc mà tôi đã quen thuộc trong các trang sách của Tự Lực Văn Đàn ngày còn nhỏ, khi học môn giảng văn tiếng Việt. Nội Bài bây giờ quá lớn đến nỗi tôi cảm thấy mình may mắn khi đã biết sân bay miền Bắc năm 1984, và còn giữ lại một “chút gì để nhớ, để thương” thời đất nước mới dứt họa binh đao, còn nghèo xơ xác. Trên nền của hình ảnh đó, đất nước Liên Xô hiện lên như một cái gì quá hùng vĩ, quá cao ngạo với tôi. Sự ngưỡng mộ pha chút sợ hãi, tôi không hiểu vì sao? Phải chăng vì chuyến bay quá dài mà máy bay chỉ có toàn khách lạ? Hay tôi còn ám ảnh vì những tác phẩm văn học chính trị mà tôi đã bị “nhiễm” lúc còn trẻ ở miền Nam như “Bác sĩ Zhivago” hay “Giờ thứ 25”…?

Cuối cùng tôi, một thầy giáo trẻ ở Sài Gòn đã đặt chân đến thủ đô Moskva với tư cách một du học sinh đi học nghề làm báo của người Xô-viết. Sân bay quốc tế Sheremetyevo Puskin (sau khi Liên Xô sụp đổ được thêm tên Puskin) 1984 cũng rất náo nhiệt, ồn ào, không quá lạnh lùng, sắc cạnh như tôi nghĩ. Trí nhớ của tôi vẫn sống động: Tôi thực tập nghề báo tại hãng thông tấn Novosti, một trong hai hãng tin lớn nhất của Liên Xô lúc bấy giờ (hãng tin kia là Tass). Theo tôi được học lúc đó, Tass chuyên về thông tin nội địa Liên Xô, còn Novosti về thông tin đối ngoại. Chính vì vậy, Novosti có học bổng dành cho các nhà báo quốc tế. Tôi đã thực tập nghề báo bằng cách viết các assignments về sự đồ sộ của Liên Xô vào thời điểm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Chín năm sau khi đất nước Việt Nam của tôi trở lại trạng thái hòa bình, Liên Xô vẫn là một nơi chốn quá bí hiểm đối với tôi, một người lớn lên ở miền Nam.

Nhưng tôi có nhận xét rằng báo chí Nga hơi nặng về “văn”, tình cảm, sâu sắc nhưng không nhanh và năng động. Người cho điểm 10 bài assignments cuối khoá học của tôi lại là thầy trợ giáo của tôi: Epgheni Leng. Tôi nhớ Epgheni Leng, một đồng nghiệp Novosti, chủ tịch phân hội nhà báo Novosti, cũng là thông dịch tiếng Nga cho tôi trong suốt khóa tu nghiệp , người đã dạy cho tôi bài học căn bản nhất của nhà báo: đi phải nhiều, đọc phải nhiều và viết cũng phải nhiều. Ba cái phải này, sau này khi Epgheni sang Việt Nam làm thường trú cho Novosti cuối những năm 80, thường nói với tôi là “nhà báo Việt nam các bạn hơi bị thiếu... 3 phải”. Anh cũng chính là nhà báo nước ngoài đầu tiên đã tự điều tra tìm nhân vật du kích vô danh bị tướng tư lệnh cảnh sát Sài Gòn Nguyễn Ngọc Loan nhắm bắn thẳng vào đầu giữa đường phố Sài gòn năm 1968 là ai?

Hiệu ứng phố Arbat

Ấn tượng về một đất nước to lớn nhưng đầy sương mù ảm đạm khi tôi đặt chân xuống sân bay Sheremetyevo mùa đông năm 1984 vẫn theo tôi như một cái gì rất rõ ràng giữa những hồi ức không rõ ràng về một Liên Xô mà tôi ngưỡng mộ lúc đó, nhưng không dám mơ về. Khi xếp hàng kiểm tra hành lý, tôi lại nhớ rõ về một thanh niên Á châu nhỏ người xếp hàng trước tôi, phải cởi bỏ ít nhất hai lớp quần Jean, cho nhân viên hải quan lục soát. Tôi cũng được dặn phải mang theo nhiều quần Jean Mỹ để bán kiếm lời. Trong vali tôi cũng có hai cái, nhưng may mắn tôi không mặc lót thêm một cái như lời khuyên. Tôi và vợ đã cãi nhau về điều này. Cuộc sống thời đó quá khó khăn mà. Đi Liên Xô với nhiều người là cơ hội… vàng.

Bây giờ là 1.6.2019 tôi đang chụp hình selfie trên phố Arbat. Nghĩa là tôi vẫn còn sống đây và đủ khỏe để trở lại nơi mà 34 năm trước tôi đã từng đến của một Liên Xô đã mất! Lần đầu tôi đến phố Arbat, Moskva, năm 1984. Nhưng tôi không có một ấn tượng gì về khu phố cổ nổi tiếng này, cho đến khi tôi đọc cuốn “Những đứa trẻ trên phố Arbat” của nhà văn Anatoly Rybakov, mà cố dịch giả Lê Khánh Trường chuyển sang tiếng Việt một cách suôn sẻ, ngọt ngào đến nỗi đọc mà tưởng câu chuyện ở Việt Nam. Shasa, tên nhân vật chính (có lẽ một phần tuổi trẻ của nhà văn), khi còn là một sinh viên đã bị buộc tội “tuyên truyền phản cách mạng” chỉ vì kể một chuyện “tiếu lâm chính trị” mua vui cho các bạn, đã bị bắt và bị đày đi Siberi 3 năm. Cuốn sách của Rybakov hoàn tất năm 1966, nhưng mãi đến năm 1987, mới được xuất bản.

Nhiều người cho rằng chính đổi mới ở Liên Xô đã tạo cơ hội cho cuốn “Những đứa trẻ phố Arbat” xuất hiện. Nhưng tác giả nghĩ ngược lại. Và không biết tại sao, sau này ,vào những năm 2000, tôi xem phim truyền hình nhiều tập “Hoa cỏ may”, tôi cứ nghĩ bộ phim Việt này phóng tác từ “Những đứa trẻ phố Arbat”? Khi xem phim này, tôi rất thích các bạn tuổi teen đóng phim như Hồ Ngọc Hà, Hải Anh… Không ngờ bé Hồ Ngọc Hà sau này lại trở thành một ngôi sao showbiz đình đám. Có điều, tôi thấy các bạn lúc đó đóng vai “các đứa trẻ lớn lên ở Sài Gòn” chẳng “giống” chút nào! Hoặc Sài Gòn trong phim không giống với Sài Gòn, nơi tôi đã sống gần suốt cuộc đời. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện thực về Sài Gòn sau năm 1975 đều na ná như vậy. Một cái gì đó của Sài Gòn nhưng tuyệt nhiên không phải là Sài Gòn. Những ai chưa biết có thể tin đó là Sài Gòn. Còn ai đã biết thì mỉm cười cho rằng đó chỉ là một phiên bản khác, không hơn không kém. Phố Arbat có thể thật hơn. Nước Nga nhỏ hơn, nhưng là thật ! Còn Liên Xô vĩ đại, nhưng đã là phế tích của lịch sử rồi.

Hiệu ứng tàu điện ngầm

Có lẽ lần đầu tiên tôi biết đi tàu điện ngầm là ở Moskva cách đây 35 năm. Lúc đó tôi cứ nghĩ: Biết bao giờ Việt Nam mình mới có một hệ thống như thế? Nhưng khi đi thang cuốn xuống ga thì tôi lại thấy không có gì bỡ ngỡ vì đã quen với các thang cuốn thương xá Tax ở Sài Gòn. Trước năm 1975 Sài Gòn đã có nhiều thứ mà sau này bỗng dưng không còn nữa, như thang cuốn chẳng hạn.

Có nhiều thứ làm Moskva nổi tiếng, và tàu điện ngầm chắc chắn là một trong những điểm nổi bật nhất trong số đó. Tàu điện ngầm là trái tim không ngừng đập của thành phố. Tôi nghĩ rằng sự sụp đổ của Liên Xô hình như không ảnh hưởng gì tới sự phát triển của hệ thống tàu điện ngầm Moskva. Sau hơn ba thập kỷ, tôi trở lại đây và vẫn đi trên những toa tàu như không hề có quá khứ. Trong những tụng ca về Moskva thời Xô viết, có lẽ câu đúng nhất là: “Bạn không thể hiểu Moskva nếu không hiểu tàu điện ngầm của nó”. Đây là lý do tại sao, trong lần thứ hai quay lại nước Nga, tôi muốn viết thêm về hệ thống metro của Moskva. Một lý do nữa là: Sài Gòn, thành phố thân yêu của tôi, đang khao khát một tuyến metro mà “đợi - hoài - không - thấy”, khiến cho metro của Moskva trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Cách đây 35 năm, để giới thiệu sự đồ sộ của nhà nước Xô Viết, các đồng nghiệp Nga cho tôi trải nghiệm hệ thống tàu điện ngầm ở đây. Lúc đó, tôi có chút hồi hộp mỗi lần xuống các ga ngầm khá sâu trong lòng đất. Nhưng khi trở lại nước Nga lần này (2019), tàu điện ngầm trở thành một thú vui du lịch. Tôi thích nhất gió trên các sân ga. Bạn biết không, gió là đặc điểm của các ga tàu điện Moskva. Cho dù đó là do thiết kế xây dựng, hay do vận tốc của các đoàn tàu đến và đi, hay chỉ đơn giản là hệ thống thông gió, thì gió không bao giờ ngừng thổi ở đây. Các cô gái xinh đẹp trong đoàn du khách Việt Nam đã phải vất vả thế nào để giữ cho chiếc nón lá và tà áo dài mang theo làm duyên và để tạo dáng bản sắc dân tộc, khỏi bị gió thổi bay trong khi chen chúc trong ga tàu điện để chụp hình kỷ niệm. Gió làm rối tung những mái tóc dài highlight thời trang, và làm cho mùi nước hoa đặc trưng mà các cô gái mang theo từ Việt Nam hòa quyện trong mùi tàu điện ngầm đặc trưng: hỗn hợp của đá, kim loại, dầu mỡ - và lịch sử.

Tôi không thể tin được 8 triệu người sử dụng tàu điện ngầm mỗi ngày, đi những thang cuốn dài vô tận, sải bước trên sàn lát đá cẩm thạch và đợi tàu ở những nhà ga được xây dựng từ thời Xô viết để trở thành những”cung điện của nhân dân”. Tôi nhớ, vào năm 1984, khi đi thực tế nơi đây, một đồng nghiệp Nga đã nói: “Thật ra nhân dân cần gì cung điện. Nhân dân chỉ cần những căn hộ-mái ấm gia đình.” Tuy vậy không có gì quá phô trương khi nói: “Đây là hệ thống metro được trang trí nghệ thuật đẹp nhất thế giới.” Chúng tôi dừng ở ga Ploshchad Revolyutsii mới được sờ tay lên những tượng đồng có kích thước như người thật. Họ là những “anh hùng tập thể” theo phong cách điêu khắc Xô viết gồm người lính, nông dân, công nhân và vận động viên không tên tuổi. Không biết từ bao giờ, ở Việt Nam chúng ta cũng có nhiều công trình nghệ thuật theo phong cách cứng nhắc và đơn điệu này. Tôi cảm thấy rất thích thú khi phát hiện trong các ga tầu điện ngầm cũng có tượng chó và gà. Người ta sờ tay lên tượng để lấy hên khiến tượng có nhiều điểm sáng bóng. Giữa những hành khách chen lấn và những chuyến tàu hối hả, các ga tầu điện ngầm Moskva cũng là điểm hội họp hay gặp gỡ. Năm 1984, tôi đã cùng nhóm học tập quốc tế, gặp nhau ở ga Lenin trao đổi về chuyến tham quan một nhà máy dệt ở ngoại ô thủ đô, để tranh luận: Liệu cái nào là thật khi giám đốc nhà máy nói lương bình quân công nhân ở đây tương đương 150 đô la Mỹ, trong khi theo lời một thợ nữ thì lương cô chỉ bằng 1/3 số đó?... 

TRẦN NGỌC CHÂU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top