Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Gốm của “Toán đầu Ô”

Thứ Ba 09/02/2021 | 11:59 GMT+7

VHO- Chỉ đến khi ấy, lúc ở xa Tổ quốc và đặt giữa muôn vàn hiện vật, trong đó có nhiều sản phẩm gốm đến từ khắp thế giới trong bộ sưu tập của ông bạn Tây Ban Nha, tôi mới nhận thấy hết vẻ đẹp độc đáo không chỉ của “Gốm Toán đầu Ô” mà của cả “Gốm Việt"…

Tác giả với nghệ nhân “Toán đầu Ô”

Một ngày, anh bạn già dẫn tôi đến gặp một nghệ nhân gốm danh tiếng, để thỏa mãn một thú vui “thích sưu tầm những sản phẩm mang hình con vật ứng với tuổi (con giáp) của tôi là “ Con Hợi”. Thú chơi này tôi có từ lâu, phần lớn là những thứ được mua ở các cửa hàng lưu niệm trong nước hay quốc tế. Anh bạn tôi nhắc rằng, đã chơi là phải “độc”. Mà trước hết là “độc bản” chỉ làm một và không ai có cái thứ hai tương tự. Nói cách khác là không bị ai “đụng hàng” với đồ mình sưu tập. Do vậy phải tìm đến lò và đặt hàng cho thợ, chịu giá cao. Rồi anh ấy dẫn tôi đến thăm người nghệ nhân làm gốm. Hỏi xưởng gốm ấy ở đâu, thì được biết tên ông là Toán, hay còn gọi là “Toán đầu ô”. Cái hôm đầu tiên gặp anh Toán, nghe người bạn kể về thú sưu tập của tôi. Ông chủ nhà ngồi thụp xuống lôi từ gầm giường, gầm tủ, gầm ghế ra vô số đồ đủ loại. Cuối cùng cũng thấy một chú lợn gốm khá bự so với những đồ tôi đã sưu tầm. Con lợn khác thường. Nó chẳng giống những con lợn làm phỏng như thật, thường là đồ của Trung Quốc mà độ tinh xảo không ai nghi ngờ. Đôi khi chúng được tỉa tót từng sợi lông, hay gắn thủy tinh làm mắt lợn cũng long lanh… Lại cũng không phóng tác theo lối nhân cách hóa như các nhân vật ngộ nghĩnh của Walt Disney làm bằng sứ cao cấp thường thấy ở cửa hàng bên Tây… Con vật, đúng hơn là con lợn bằng gốm của anh Toán thường vạm vỡ, đôi khi quái dị một cách đáng yêu. Có khi được tạo hình như chú chó có thể cong người ngắm... cái đuôi của mình. Điều làm tôi thích nhất là cái chất phủ bên ngoài cái cốt đất: men. Nghĩ cũng hay, tiếng Việt gọi cái chất làm gạo thành rượu là “men”. Và cái chất làm nên vẻ đặc sắc của đất cũng gọi là… “men”. Đúng, “men” là cái làm người ta say.

Những tác phẩm của nghệ nhân

Nghe nói thợ gốm giỏi là làm chủ được hiệu ứng của men, nhờ thế sản phẩm tạo được sự đồng nhất về chất liệu. Nhưng nghệ nhân thì là người luôn có được tâm trạng hồi hộp mỗi khi mở lò để được chứng kiến những hiệu quả không lường, đôi khi là chưa bao giờ tưởng tượng ra… Giới làm hay chơi Gốm thường gọi cái sự thần kỳ ấy là hiệu ứng “hỏa biến”. Nó là vẻ đẹp không chỉ của tài năng mà là “duyên may”, chẳng khác đời người. Nhưng, đó là cái may mắn chỉ đến với người tài giỏi.

Kể từ đấy, tôi luôn ao ước được đến nhà anh Toán để “nhặt” về những chú lợn muôn vẻ. Không cái nào giống cái nào là đương nhiên. Mà hơn nữa, là được nghe chia sẻ từ người tạo ra nó những vui buồn của người thợ gốm sau mỗi mẻ ra lò. Ngay với người giỏi nhất trong nghề này, số sản phẩm ra lò ưng ý chỉ đạt một nửa số bỏ vào lò đã là thành công. Nói thêm rằng, “cái sự ưng ý“ của những người như anh Toán khắt khe lắm. Có lúc nhận sản phẩm, trong khi mình xuýt xoa khen đẹp, vẫn thấy nét mặt tác giả thoáng tỏ ra chưa thực sự hài lòng, và đôi khi không muốn trao hàng cho khách. Cũng có lần phải bỏ đi cả một mẻ vì sự cố kỹ thuật. Bây giờ lò nung chủ yếu bằng ga nên chủ động điềù chỉnh độ nóng và an toàn hơn trước. Nhưng cái rủi ro hỏng bỏ thường do nguồn đất đủ chất lượng ngày càng khó kiếm. Với nghề này, chỉ lẫn một hạt sạn cũng khiến mặt gốm bị rỗ, bị nổ làm cho sản phẩm thiếu hoàn hảo. Thấm thoắt cả chục năm, bộ sưu tập của tôi ngày càng lớn. Hiện tại, đã không còn đủ chỗ để bảo quản cẩn thận. Nhưng may thay, gốm có sức bền không chỉ vượt thời gian, mà vượt cả sự khắc nghiệt của thời tiết.

Cho đến năm Kỷ Hợi 2018, nhân ứng với con giáp của mình, tôi mang bộ sưu tập ra trưng bày. Mấy ngàn sản phẩm được sắp xếp trong Bảo tàng Phụ nữ, có cái bằng vàng, bằng ngọc, có cái mua ở những xứ xa xôi, có cái mím môi mím lợi khi trả giá. Khi đến đó tham quan, tôi mới nhận ra rằng cái bộ sưu tập đẹp nhất, có giá trị nhất lại chính là “Bộ sưu tập Lợn Gốm của Toán đầu Ô” đang được đặt trang trọng giữa khu trưng bày. Không chỉ riêng tôi, mà bạn bè, kể cả những chuyên gia am hiểu về gốm, khách đến xem đều như cùng cảm nhận. Vào hôm khai mạc, anh “Toán đầu Ô” cũng đến dự, nhìn bộ sưu tập những sản phẩm của mình, anh cười nhiều hơn nói. Tôi hiểu trong thâm tâm, Anh cũng ngạc nhiên vì những gì mình đã làm. Thấy anh có vẻ cảm động tựa như người bỗng nhiên gặp lại những người thân, những “đứa con sáng tạo” của mình, tôi cũng thấy hoan hỉ lây… Tôi có một người bạn già hơn, sống tại một “đô thị di sản” ở miền Trung nước Tây Ban Nha. Ông sở hữu nhiều khách sạn, các tòa biệt thự cổ, vườn nho và lò nấu rượu vang… nhưng nổi tiếng và độc đáo hơn cả lại là một đầu bếp chế biến các món ăn chế biến từ thịt lợn và cũng vì cái duyên ấy, ông còn sở hữu một bảo tàng thực thụ với bộ sưu tập hơn mười ngàn hiện vật có liên quan đến con vật làm nên sự nghiệp ẩm thực của ông. Lần sang Tây Ban Nha mới đây, tôi nhờ anh Toán làm cho tôi một tượng gốm lấy cảm hứng từ nhân vật rất quen biết về xứ sở này là “Don Quichotte”. Một bức tượng gốm nặn ông đầu bếp đội cái nồi thay mũ giáp, tay cầm chảo làm khiên, nĩa làm thương và cưỡi trên lưng một chú lợn thay chiến mã... Lúc tôi đem tặng, ông già sành sỏi ấy vuốt ve bức tượng và thốt lên “Việt Nam, Việt Nam”. Chỉ đến khi ấy, lúc ở xa Tổ quốc và đặt giữa muôn vàn hiện vật, trong đó có nhiều sản phẩm gốm đến từ khắp thế giới trong bộ sưu tập của ông bạn Tây Ban Nha, tôi mới nhận thấy hết vẻ đẹp độc đáo không chỉ của “Gốm Toán đầu Ô” mà của cả “Gốm Việt”.

DƯƠNG TRUNG QUỐC; ảnh: CHỬ LONG HẢI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top