Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Số người mắc Covid-19 trên thế giới tiến sát mốc 110 triệu ca

Thứ Tư 17/02/2021 | 07:32 GMT+7

VHO-  Đến sáng 17.2, thế giới có trên 109,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,42 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 109,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trên thế giới, gần 1/4 số ca nhiễm được ghi nhận tại nước này với trên 28,3 triệu ca, trong đó có hơn 499.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 40.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 10,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 155.900 trường hợp tử vong. Ngày 16/2, Ấn Độ báo cáo gần 11.800 người nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 55.200 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 9,9 triệu trường hợp. Hiện nay, trên 240.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này, mức cao thứ hai thế giới.

Đức đã quyết định áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Cộng hòa Czech và Áo do lo ngại sự bùng phát các ca nhiễm biến thể mới tại hai quốc gia láng giềng này. Đây là các biện pháp nhằm tăng cường hạn chế theo yêu cầu của các doanh nghiệp về lộ trình mở cửa trở lại. Theo đó, cảnh sát Đức chỉ cho phép tài xế xe tải, công dân Đức và người đi lại qua biên giới nhập cảnh khi có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19. Về phần mình, Áo cho rằng, các biện pháp trên là "không cân xứng", ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và gây thiệt hại cho xuất khẩu của nước này.

Đến nay, Đức đã xác nhận trên 2,3 triệu người mắc COVID-19 và hơn 66.500 trường hợp thiệt mạng.

Số người mắc COVID-19 trên thế giới tiến sát mốc 110 triệu ca - Ảnh 1.

Đức siết chặt kiểm soát biên giới với Cộng hòa Czech và Áo nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Một biến thể SARS-CoV-2 mới với đột biến gây lo ngại đã được phát hiện tại Anh với ít nhất 32 ca nhiễm. Ngoài Anh, biến thể này đã xuất hiện ở Đan Mạch, Mỹ và Australia. Biến thể được đặt tên là B1525, chứa một số tương đồng trong bộ gene với biến thể B117 đã được phát hiện ở Anh trước đây. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là biến thể B1525 chứa cùng một đột biến đã phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và Brazil. Đột biến này được coi là giúp virus tránh được kháng thể, qua đó kháng lại được phần nào một số loại vaccine. Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là các biến thể này đều đang chứa cùng một loại đột biến kháng vaccine, do đó các nhà sản xuất vaccine có thể bào chế rất nhanh ra vaccine mới để chống lại tất cả các biến thể này.

Từ ngày 17.2, Nhật Bản sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19. Đối tượng ưu tiên sẽ là 40.000 nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Trước đó, vào ngày 14.2, Nhật Bản đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech để phục vụ cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Như vậy, Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 314 triệu liều vaccine COVID-19 từ 3 nhà sản xuất Pfizer, AstraZeneca và Moderna, đủ cho 157 triệu người. Đến nay, Nhật Bản xác nhận trên 417.700 trường hợp mắc và hơn 7.000 người tử vong vì COVID-19.

Tại Đông Nam Á, giới chức Malaysia cho biết cũng sẽ bắt đầu chương trình tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 26.2 tới. Vaccine được sử dụng cho đợt tiêm đầu là của Pfizer-BioNTech. Những nhóm ưu tiên gồm nhân viên tuyến đầu chống dịch, người có nguy cơ cao, sau đó là những người trưởng thành. Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ là người đầu tiên tiêm để thúc đẩy niềm tin của người dân về tính an toàn của vaccine. Mục tiêu của Malaysia là tiêm vaccine cho ít nhất 80% trong tổng số 32 triệu dân trong 1 năm. Hơn 269.100 người tại Malaysia đã nhiễm virus SARS-CoV-2, 983 trường hợp trong số này đã tử vong.

Số người mắc COVID-19 trên thế giới tiến sát mốc 110 triệu ca - Ảnh 2.

Hơn 269.100 người tại Malaysia đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh cho lực lượng quân đội và cảnh sát nước này chặn đứng tất cả hoạt động qua lại biên giới bất hợp pháp nhằm đảm bảo, mọi trường hợp nhập cảnh từ Thái Lan phải tuân thủ quy định về cách ly phòng dịch COVID-19. Các binh lính Campuchia phải thẩm vấn tất cả những người cố tình vượt biên giới trái phép để xác định những đường mòn lối mở vẫn được sử dụng cho việc xâm nhập vào Campuchia và trốn tránh cách ly phòng dịch. Trước đó, Thủ tướng Hun Sen đã ký sắc lệnh đình chỉ công tác đối với người đứng đầu lực lượng cảnh sát huyện Kamrieng (tỉnh Battambang) Kim Ponlork với cáo buộc nhận hối lộ để thả một đối tượng môi giới đưa lao động Campuchia từ Thái Lan về nước bất hợp pháp.

Ngày 16.2, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết, nước này có thể đảm bảo nguồn vaccine ngừa bệnh COVID-19 cho khoảng 79 triệu người. Trong khi đó, dân số Hàn Quốc hiện nay chỉ khoảng 52 triệu người. Tuyên bố này đã giảm thiểu các lo ngại về việc thiếu vaccine ngừa COVID-19 cho những người trên 65 tuổi. Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 26.2 tới, sử dụng vaccine của AstraZeneca (Anh) cho đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân trong viện dưỡng lão, nhưng chưa áp dụng cho những người trên 65 tuổi do lo ngại về hiệu quả. 

Nhóm xúc tiến tiêm chủng có kế hoạch bổ sung thêm kết quả thử nghiệm lâm sàng, tính hiệu quả của vaccine đối với người trên 65 tuổi để trình lên Ủy ban Chuyên môn về tiêm chủng thẩm định. Vào khoảng cuối tháng 3, các cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ thống nhất phương án cuối cùng. Khi cấp phép cho vaccine AstraZeneca, Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc khuyến cáo "phải quyết định thận trọng khi sử dụng cho người trên 65 tuổi".

VTV.VN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top