Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa là cấp thiết

Thứ Hai 22/02/2021 | 10:24 GMT+7

VHO- Nhiều năm qua, di tích điện Thái Hòa, một công trình quan trọng bậc nhất của di sản Cố đô Huế luôn được gia cố, chống đỡ và thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ, nhưng tình trạng xuống cấp đang ngày một nghiêm trọng, nhất là sau các đợt mưa lũ kéo dài năm 2020 vừa qua.

 Phần bờ nóc mái của công trình điện Thái Hòa đã phải gia cố, chống đỡ suốt nhiều năm qua

Việc thực hiện trùng tu tổng thể di tích này là việc làm cấp thiết, trước tiên là giữ gìn lâu dài các giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của dân tộc và của nhân loại, đồng thời phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, lấy di sản làm trọng tâm và động lực cho sự phát triển của địa phương… Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) vừa tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về phương án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa. Trước đó vào cuối tháng 1.2021, đơn vị này cũng tổ chức khảo sát và lấy ý kiến góp ý từ các nhà quản lý, đơn vị chuyên môn và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử về việc thực hiện dự án này.

Điện Thái Hòa được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, có vị trí nằm ngay nền Đại Cung Môn ngày nay. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho dời dựng và cải tạo điện Thái Hòa, nằm ngay sau Ngọ Môn và trước mặt Đại Cung Môn. Từ đó đến nay, công trình này đã được nhiều lần thực hiện trùng tu, tu sửa lớn nhỏ, cụ thể: thực hiện tu bổ 11 lần dưới thời nhà Nguyễn (từ thời vua Minh Mạng đến Bảo Đại); giai đoạn 1945-1975 có 4 lần tu bổ; và từ 1975 đến nay cũng đã thực lần 4 đợt tu bổ… Công trình điện Thái Hòa là công trình đặc biệt quan trọng trong tổng thể của Đại Nội Huế, và có giá trị lịch sử, văn hóa chính trị nổi bật dưới thời quân chủ. Chính vì vậy, các triều vua nhà Nguyễn đều quan tâm bảo tồn và giữ gìn. Đây là nơi đặt ngai vàng, biểu tượng quyền lực của vương triều Nguyễn, là nơi tổ chức sinh hoạt chính trị quan trọng như lễ Đại Triều, lễ Vạn thọ, lễ Đăng quang… cùng các nghi lễ ngoại giao quan trọng khác.

 Công trình di tích điện Thái Hòa (Đại nội Huế), nơi từng diễn ra những sự kiện sinh hoạt chính trị quan trọng dưới triều Nguyễn

Điện Thái Hòa là một trong những công trình di tích thuộc hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993, cũng là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Công trình này mang những nét đặc trưng của kiến trúc cung đình Huế, với lối kiến trúc “trùng lương trùng thiềm”. Trong ngoài công trình có gần 700 ô trang trí, bao gồm cả chất liệu pháp lam lẫn điêu khắc gỗ, được bố trí theo trật tự “nhất thi nhì họa”. Những ô thơ trang trí trên điện Thái Hòa cùng với những áng thơ văn trang trí trên các kiến trúc cung đình khác ở quần thể di tích Cố đô Huế đã được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều năm qua, công trình đã bị xuống cấp nặng nề, và Trung tâm phải thường xuyên gia cố, chống đỡ để tránh sụp đổ. Hiện nay, di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng cả về mặt bảo tồn, kết cấu công trình, kỹ thuật hạ tầng và cảnh quan môi trường do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, sau cơn bão số 5 vào tháng 9.2020, một phần tường đầu đốc và mái chính điện phía Tây của công trình bị sụp, các vị trí khác bị nứt gãy nghiêm trọng có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, đe dọa đến an toàn và biến dạng công trình… Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm thông tin, những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, đơn vị chuyên môn cũng như cộng đồng về việc tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa sẽ được Trung tâm tiếp nhận, qua đó sẽ chọn lựa các nội dung góp ý phù hợp để góp phần hoàn chỉnh hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 150 tỉ đồng do Trung tâm làm chủ đầu tư, trong đó có 100 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Dự án gồm các hạng mục: tu bổ tổng thể sân Đại Triều Nghi (tầng 1 và tầng 2), điện Thái Hòa, tôn tạo hạ tầng kỹ thuật, tôn tạo cảnh quan. Tổng diện tích thực hiện dự án là 7.100m2, trong đó khuôn viên di tích điện Thái Hòa có tổng diện tích là hơn 4.851 m2. Theo phương án lấy ý kiến cộng đồng, sẽ tái hiện không gian và các công trình kiến trúc của điện Thái Hòa thời vua Minh Mạng (1820-1840) và kế thừa những thay đổi qua các đợt trùng tu từ năm 1833- 1945 vẫn còn hiện hữu. Trong đó, nền lát gạch hoa xi măng được tu bổ dưới thời vua Thành Thái năm 1899; làm thêm hệ mái lưa ở mặt phía Bắc và phía Nam, sơn thếp và trang trí mái, nội thất được tu bổ dưới thời vua Khải Định; ngói lợp lựa chọn phục hồi ngói ống lưu ly theo quy chế của triều Nguyễn đã hiện diện suốt 90 năm từ thời vua Minh Mạng đến thời Duy Tân, mang giá trị nhận diện ngôi điện trong tổng quan của Đại Nội Huế cũng như đảm bảo sự bền vững của công trình. 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top