Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đã sẵn sàng cho một Ngày Thơ online

Thứ Hai 22/02/2021 | 10:38 GMT+7

VHO- Ngày Thơ Việt Nam năm nay với chủ đề Tổ quốc và Mẹ đã phải dừng lại do dịch bệnh, tuy nhiên, tình yêu thơ ca vẫn không ngừng lan tỏa trong từng hơi thở của cuộc sống…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã có những chia sẻ với Văn Hóa về vấn đề này.

P.V: Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông đánh giá thế nào về sự lan tỏa của Ngày Thơ Việt Nam trong những năm qua? Sự lan tỏa ấy có đáp ứng được tình yêu thơ ca của những người yêu văn chương cả nước hay chưa?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sau gần 20 năm tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành một sự kiện đặc biệt và khác biệt, thu hút đông đảo người tham gia. Trong truyền thống chúng ta đã có những Tao Đàn thơ, những dịp đọc thơ vào ngày Rằm tháng Giêng. Trước đây khi còn chiến tranh, chúng ta cũng từng đốt lửa trong Văn Miếu để đọc thơ cho những người lính nghe trước giờ ra trận. Còn ở quê tôi, từ xưa đã có những ông đồ, những người hay chữ, yêu thơ tới đình vào ngày hội làng rồi đốt trầm, đốt hương để đọc và bình thơ. Từ đó có thể thấy rằng thơ ca là truyền thống, là một hình thức nghệ thuật phù hợp và được ưa chuộng.

Khi hòa bình lập lại thì Ngày Thơ được tổ chức đồng loạt ở các tỉnh theo nhiều phong cách, hình thức khác nhau, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu thơ ca và được sinh hoạt thơ ca. Chúng ta cũng mong mỏi, Ngày Thơ sẽ lan tỏa vào trong đời sống, tác động tới nhiều người. Đặc biệt là trong đời sống của công nghiệp, của hiện đại, của đô thị thì những gì thuộc về cái đẹp thuần túy đều rất cần thiết.

Những năm gần đây, Ngày Thơ Việt Nam tổ chức thường gắn với Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, xin ông cho biết công việc đó đã có được những kết quả như thế nào?

- Qua bốn lần tổ chức, Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài chỉ có thể giới thiệu một cách đại cương nhất, cơ bản nhất về văn học Việt Nam. Thực tế, việc quảng bá sách văn học Việt Nam ra thế giới chúng ta chưa làm được nhiều. Sẽ cần phải có chiến lược dài hơi hơn nữa. Hội Nhà văn sẽ báo cáo và nhờ sự trợ giúp từ Chính phủ, bởi ở những quốc gia gần với chúng ta như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... họ có những trung tâm dịch thuật, quỹ dịch thuật văn bản ra tiếng nước ngoài hết sức bài bản, hệ thống. Chúng tôi cũng học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ họ, từ việc chọn lựa con người, cách thức tổ chức hay lựa chọn tác phẩm cần dịch thuật.

 Có đánh giá cho rằng, việc tổ chức Ngày Thơ trong những năm qua thiếu chiều sâu và nghiêng về hội hè, vậy những năm tới Ngày Thơ Việt Nam sẽ có những đổi mới như thế nào, thưa ông?

- Việc tổ chức Ngày Thơ cũng đã mang tính chất lễ hội rồi! Vì chỉ tổ chức được trong ít ngày, nên muốn đi sâu vào thơ ca thì rất khó. Nhưng chúng ta cũng có rất nhiều ngày còn lại để tổ chức hội thảo, bàn luận, xem xét các giải thưởng về thơ ca. Hội Nhà văn sẽ cố gắng cải cách tổ chức, để Ngày Thơ vừa mang tính chất là ngày hội nhưng mọi người đến đó thấy tinh thần của thơ ca, vẻ đẹp thơ ca và gợi mở trong họ điều gì đó tốt đẹp. Đó là một phần quan trọng! Mặt khác, chúng tôi sẽ bàn bạc để Ngày Thơ có thể nói được về nghệ thuật thơ ca, hiện thực thơ ca. Trong đó nhấn mạnh thơ ca đang diễn ra hằng ngày như thế nào và phản ánh được cuộc sống con người ra sao. Từ đó, giảm đi những lễ hội không cần thiết.

 Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII - Tết Nguyên tiêu Kỷ Hợi

Thưa nhà thơ, dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, vậy văn học Việt Nam nói chung trong năm 2021 và giai đoạn tới cần có những thích ứng gì, đổi mới gì để phù hợp với tình hình hiện tại?

- Trong khoảng thời gian này, các tác giả sẽ có thời gian để tư duy, suy ngẫm lại con đường sáng tác của họ. Còn với riêng Hội Nhà văn thì vẫn triển khai những công việc của BCH khóa X như chuẩn bị cho Cuộc vận động viết sách cho thiếu nhi; Chiến lược dịch văn học Việt Nam ra thế giới và Giải thưởng Nhà văn trẻ dưới tuổi 35. Nếu dịch Covid-19 kéo dài thì chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm, giao lưu trực tuyến...

Hiện tại điều kiện về nhân sự và các nền tảng khác của Hội Nhà văn nói riêng và văn học Việt Nam nói chung được đánh giá là chưa đủ để đáp ứng với sự chuyển đổi công nghệ số cũng như hoạt động trực tuyến, ông có những đề xuất gì về vấn đề đó?

- Từ giấy viết, bút mực, người sáng tác đã chuyển sang làm việc bằng computer và bây giờ là công nghệ số. Việc chuyển đổi sẽ không làm ảnh hướng đến cảm xúc, tư duy của nhà văn trong việc sáng tác. Ngược lại, điều này có thể giúp tác giả truyền bá những tác phẩm của mình tới bạn đọc một cách rộng rãi hơn, và có thể bảo vệ quyền lợi của họ trước vấn đề vi phạm bản quyền. Trong trường hợp dịch Covid diễn biến phức tạp, khó lường thì chúng ta sẽ sẵn sàng chuẩn bị cho một Ngày Thơ Việt Nam online.

Những ngày hội thơ của làng quê được tổ chức rất hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng, trở thành một nét đẹp văn hóa của địa phương, theo ông mô hình này cần nhân rộng không?

- Khi tham dự hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam ra thế giới ở Hà Nội, Nhà văn Phécnanđô Rônđôn, người đã gần 20 năm là Chủ tịch Liên hoan thơ Quốc tế Colombia tâm sự, ông ấy đã được nghe người dân nói về cày cuốc, về lao động, về sản xuất, về chiến tranh và đọc cho ông nghe về thơ trong đình làng. Ông rất muốn nhân rộng hình thức sinh hoạt này ở Colombia cũng như nhiều nơi trên thế giới. Điều này không nhằm tạo ra nhiều tổ chức thi ca mà nhằm tạo ra những con người thấm sâu hơn nữa tinh thần văn hóa, thông qua một thể loại văn chương đó là thi ca. Như ở làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vào thứ 5 hằng tuần, trên đài phát thanh của thôn, người ta vẫn chia sẻ với nhau về lòng hiếu thảo, về tinh thần yêu nước, bảo vệ thiên nhiên thông qua những bài thơ. Đó là một lối sống cao hơn cả những sinh hoạt thuần túy của thơ ca, tạo ra một phong tục của những điều tốt đẹp. Tất nhiên, chúng ta không kêu gọi một chiến dịch để phát triển điều đó mà chỉ tác động để những nơi khác luôn nghĩ tới điều đó, bởi “thuộc một câu thơ hay là quên đi một câu chửi độc”.

Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về những chia sẻ trên.

 VŨ MỪNG thực hiện

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top