Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lại thêm tác phẩm điêu khắc phản cảm trưng bày ở không gian công cộng: Vai trò giám sát, quản lý của địa phương ở đâu?

Thứ Hai 26/04/2021 | 11:03 GMT+7

VHO- Cùng với những phản ứng ồn ào của dư luận trước hình ảnh tượng “Nữ thần tự do” phiên bản “lỗi” tại một khu du lịch ở Sa Pa (Lào Cai), cũng có ý kiến “bênh vực” cho rằng bức tượng hoàn toàn không có lỗi, không vi phạm quy định pháp luật bởi chẳng có một tiêu chí nào để áp dụng cho những bức tượng dạng này…

 Phiên bản tượng “Nữ thần tự do” ở Sa Pa

Tuy nhiên, cần thấy rằng, phiên bản tượng “Nữ thần tự do” dù mang “lỗi” nặng nề nhưng nó vẫn đang tồn tại với tư cách của một tác phẩm mỹ thuật ngoài trời. Và đương nhiên bức tượng là đối tượng được điều chỉnh theo các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật.

Ghi nhận tấm lòng, nhưng…

Chuyện về những vật thể được gọi là tác phẩm điêu khắc ngoài trời nhưng xấu xí, ngờ nghệch, phản cảm và hoàn toàn không phù hợp với truyền thống văn hóa, cảm quan thẩm mỹ của người Việt được đặt ở không gian công cộng, các điểm đến, khu tham quan du lịch… cho đến nay không phải là mới và hiếm.

Ồn ào với vô số câu chuyện nực cười là vườn tượng 12 con giáp có tạo hình “phản cảm” nằm trong khu du lịch Hòn Dáu (Hải Phòng)…; hoặc những bức tượng “ma quỷ” ở khu du lịch tại Lâm Đồng. Cho đến những ngày qua lại là sự phản ứng, chê cười khi hình ảnh tượng “Nữ thần tự do” phiên bản “lỗi” tại một khu du lịch ở Sa Pa xuất hiện trên mạng xã hội và báo chí. Thiếu tính thẩm mỹ, hài hước, vụng về…, cộng đồng mạng chia sẻ những hình ảnh của “nữ thần” với những bình luận “cười ra nước mắt”. Đấy là phản ứng của cộng đồng, với số đông không phải là những người có chuyên môn mỹ thuật. Còn với giới nghề nghệ thuật tạo hình hay chuyên gia về thẩm mỹ trong không gian văn hóa công cộng thì có lẽ, sự xuất hiện của những bức tượng kiểu “Nữ thần tự do” khó có thể chấp nhận được.

Bên cạnh “nữ thần”, một số “phiên bản xấu xí” khác cũng xuất hiện tại địa điểm này như tác phẩm điêu khắc núi Rushmore (tạc chân dung 4 vị tổng thống vào vách núi), hay các tác phẩm “nhái” mô hình tháp Eiffel, mô hình tháp nghiêng Pisa, dòng chữ biểu tượng “Hollywood”... Tất cả tượng, mô hình đó đều không giống với bản gốc khiến nhiều người phải “ái ngại” ngắm nhìn. Những phiên bản lỗi ấy nói lên điều gì? Đương nhiên không chỉ là sự xấu xí, phản thẩm mỹ đơn thuần mà còn là cảnh báo về sự tùy tiện trong thẩm mỹ cũng như trong quản lý loại hình du lịch mới phát sinh. Một điểm chung ở tất cả những vụ việc nêu trên là, sau khi dư luận lên tiếng, các cơ quan chức năng vào cuộc và đưa ra những giải pháp tình thế sau khi “sự đã rồi”. Khu vườn tượng 12 con giáp buộc phải quây kín, chủ đầu tư của những bức tượng “ma quỷ” ở Lâm Đồng cũng phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa, cải tạo. Báo chí cũng đưa tin, sau khi kiểm tra hồ sơ, cơ quan chức năng thị xã Sa Pa xác định tại điểm du lịch này nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo các điều kiện để đón khách tham quan và chụp ảnh. Các mô hình mỹ thuật xây dựng tại đây không đảm bảo quy định của pháp luật cũng như tiêu chuẩn về mỹ thuật. Đại diện UBND thị xã Sa Pa yêu cầu chủ cơ sở tạm dừng việc xây dựng các hạng mục và không được đón khách tham quan, chụp ảnh cho đến khi có quyết định chính thức.

Chủ đầu tư khu du lịch ở Sa Pa thì chia sẻ, bức tượng “nữ thần” là “ngồi” chứ không “đứng” như tượng nguyên gốc, rằng ông không muốn “sao y bản chính” vì ở Việt Nam đã có nhiều rồi, và rằng ông muốn làm những tác phẩm này để thu hút du khách, tạo công ăn việc làm cho người dân; rằng do thợ địa phương chỉ làm được như vậy thôi… Liên quan tới sự việc, cũng có ý kiến bênh vực khi cho rằng bức tượng hoàn toàn không có lỗi, chẳng vi phạm quy định pháp luật và cũng chẳng có một tiêu chí nào áp dụng cho những bức tượng dạng này… Thậm chí có ý kiến cần ghi nhận “tấm lòng” của chủ đầu tư khi họ đã dũng cảm bỏ tiền làm ra một sản phẩm để thu hút du lịch... Có thể, nhờ sự “xấu xí” mà điểm check-in Ansapa được biết đến nhiều hơn, thậm chí nhiều người cũng sẽ tìm đến đây để thỏa mãn hiếu kỳ, xem bức tượng xấu xí đến cỡ nào. Tuy nhiên, liệu cách quảng bá bằng scandal như vậy có đem lại giá trị bền vững? Và những “phiên bản lỗi” chẳng lẽ vì sự cảm thông mà sẽ tồn tại?

 Những bức tượng bên vách núi ở một điểm du lịch cùng tượng “Nữ thần tự do” tại Sa Pa

Không thể nói là không có luật điều chỉnh

Trước thực trạng xây dựng, trưng bày tượng, biểu tượng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt tại một số khu du lịch và địa điểm công cộng, tác động không tốt đến môi trường không gian văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng và xã hội, từ năm 2018, Bộ VHTTDL đã có văn bản trong đó đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền. Bộ VHTTDL cũng nói rõ, cần thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

Họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ, từ khi còn là Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ông đã nhiều lần phải lên tiếng về những vụ việc tùy tiện đưa những vật thể được gọi là tượng, tác phẩm điêu khắc phản cảm, xấu xí ra trưng bày ở không gian công cộng, thu hút đông du khách như Hòn Dáu (Hải Phòng), Sa Pa (Lào Cai)… Cũng cần nói rõ hơn tranh, tượng là những tác phẩm nghệ thuật, vì thế việc sao chép phải tuân thủ nghiêm theo quy định về bản quyền, không thể thích sao, thích chép lại như thế nào là tùy thích. Với bức tượng “Nữ thần tự do” ở Sa Pa, đó có thể coi là một tác phẩm phái sinh của bức tượng nguyên bản đang trưng bày tại Mỹ, theo quy định về bản quyền có thể không cần phải xin phép chủ sở hữu, song nó lại bị ràng buộc bởi Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

Để xảy ra sự xuất hiện của những "công trình" này, chính quyền và cơ quan chức năng cũng có phần trách nhiệm

Họa sĩ Vi Kiến Thành cho rằng, về vụ việc bức tượng ở Sa Pa, nói là không có Luật quy định nào điều chỉnh là không đúng. “Viện dẫn Luật Du lịch hay Luật Xây dựng để nói không có quy định pháp luật điều chỉnh những vụ việc tượng xấu, điêu khắc phản cảm là sai. Phiên bản “Nữ thần tự do” dù không đạt tiêu chuẩn về độ chính xác theo mẫu gốc nhưng theo quy định Nghị định 113 thì hoàn toàn có thể điều chỉnh và xử lý...”, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết. Cụ thể, theo đúng quy trình thì cần phải thành lập một HĐNT xét duyệt mẫu phác thảo, sau khi Hội đồng thông qua thì chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cấp phép rồi mới tiến hành xây dựng. “Bây giờ, nếu sửa lại các chi tiết của tượng như một số bài báo đăng tải thì không được, tượng đã xấu không thể sữa chữa vá víu mà đẹp lên được. Nếu muốn làm lại thì việc cần làm là thành lập HĐNT xét duyệt mẫu phác thảo tác phẩm, khi mẫu được thông qua rồi, cấp phép rồi thì tiến hành đục đá, hoặc đổ bê tông lại. Tượng đã có thì coi như bỏ đi…”, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết.

Nhắc lại câu chuyện ở Hòn Dáu, họa sĩ Vi Kiến Thành cũng lưu ý, nếu không xử lý đến nơi đến chốn thì sẽ tạo tiền lệ, làm xấu đi môi trường thẩm mỹ ở những địa điểm công cộng, địa điểm du lịch thu hút đông du khách. Sự tùy tiện trong tư duy thẩm mỹ của doanh nghiệp đáng trách một thì phần trách nhiệm lớn hơn phải thuộc về cơ quan quản lý ở địa phương. Với một công trình lớn như thế, không thể dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều, vậy mà chỉ khi dư luận ồn ào về bức tượng xấu mới phát hiện ra điểm du lịch này hoạt động không phép. Câu hỏi là vai trò giám sát, quản lý ở đâu? Đáng lo hơn là trên địa bàn thị xã Sa Pa có tới 20 điểm du lịch check- in do dân tự xây dựng cho du khách đến tham quan, vậy Sa Pa nhỏ nhắn sẽ như thế nào nếu như đi đến nơi nào cũng sẽ bắt gặp những phiên bản lỗi của “nữ thần tự do”?

Hơn nữa, chuyện khai thác nghệ thuật công cộng làm du lịch đã được nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo. Cái lợi của ứng dụng mỹ thuật vào du lịch, không gian công cộng là không thể chối bỏ nhưng không vì thế mà tùy hứng, thích làm sao cũng được. Nói cách khác là không thể đem “tấm lòng”, sự dũng cảm của chủ đầu tư để khỏa lấp cách hành xử vô lối, tùy tiện với nghệ thuật. 

 Nếu không xử lý đến nơi đến chốn thì sẽ tạo tiền lệ, làm xấu đi môi trường thẩm mỹ ở những địa điểm công cộng, địa điểm du lịch thu hút đông du khách. Sự tùy tiện trong tư duy thẩm mỹ của doanh nghiệp đáng trách một thì phần trách nhiệm lớn hơn phải thuộc về cơ quan quản lý ở địa phương.

(Họa sĩ VI KIẾN THÀNH)

 

 Từ năm 2018, Bộ VHTTDL đã có văn bản trong đó đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền. Bộ VHTTDL cũng nói rõ, cần thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

 

 BẢO ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top