Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cụm di tích nhà Trần tại Thái Bình: Giao thông giữa các di tích đang cần sự kết nối

Thứ Hai 26/04/2021 | 12:07 GMT+7

VHO- Hưng Hà (Thái Bình) là nơi các Vua Trần khởi nghiệp (thế kỷ XIII- XIV). Khu vực này cũng là nơi xây dựng Hoàng thành, lăng tẩm và an táng các vị Vua, Hoàng hậu cùng nhiều trọng thần trong hoàng tộc nhà Trần. Cụm di tích nhà Trần tại Hưng Hà đã được cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử quốc gia cấp đặc biệt, bao gồm lăng, mộ, đền thờ các vua Trần tại xã Tiến Đức.  Tuy nhiên, cụm di tích đình, đền, lăng thờ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung lại nằm tại xã Liên Hiệp. Chính vì hai cụm di tích này nằm tách biệt trên địa bàn hai xã khác nhau, giao thông chưa thuận lợi nên khá nhiều du khách đã gặp khó trong việc thăm viếng, tìm hiểu lịch sử.

 

Lăng mộ Thống quốc thái sư Trần Thủ Độ tại xã Liên Hiệp huyện Hưng Hà (Thái Bình)

Đặc biệt trong các dịp lễ hội thì giao thông kết nối các cụm di tích này lại càng trở nên khó khăn hơn. Con đường nối từ Lăng Thái sư Trần Thủ Độ với đền Ngừ (Đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ) chỉ dài chưa tới 300m hiện đang phải đi lòng vòng qua một khu nghĩa địa khúc khuỷu. Các di tích mặc dù đã được đầu tư tôn tạo song hiện nay nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp. Đặc biệt, tại di tích đền thờ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, phần bệ thờ đang lún nứt nghiêm trọng. Phần nền của đền thờ cũng sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ cao khi du khách thập phương tới chiêm bái và các hoạt động thờ tự của đền.

Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Liên Hiệp, ông Đào Trọng Giáp cho biết, xã đang lên phương án sửa chữa các di tích và mở thêm đường giao thông kết nối các di tích, tạo thuận lợi cho du khách thập phương tới chiêm bái. Tuy nhiên mọi đầu tư xây dựng đang phải làm “cầm chừng” do chưa đủ kinh phí.

Bệ thờ tại đền thờ Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (di tích cấp quốc gia) đang bị lún nứt.

Giữa bốn bề là đồng lúa xanh ngát, lăng mộ của Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung đã được đầu tư sửa chữa năm 2006 – 2007. Đền thờ Bà nằm cách lăng mộ khoảng 500m. Bà qua đời, hưởng thọ gần 70 tuổi vào năm Kỷ Mùi (1259), được vua Trần Thái Tông phong là Linh Từ Quốc mẫu. Ngày giỗ của Bà vào ngày 7.4 âm lịch. BQL di tích cho biết, sẽ có lễ rước, dâng hương và các hoạt động khác để tỏ lòng thành kính với Linh Từ.

Lăng mộ của Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung

Cuộc đời của Linh Từ Trần Thị Dung  có vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn đầu của Vương triều Trần. Từ việc lấy Hoàng tử Sảm để mở đường đưa họ Trần vào triều đình nhà Lý, cho đến khi bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa và lấy Trần Thủ Độ, bà đã trải qua biết bao thăng trầm… Bà cũng là người đã hoá giải được hiềm khích giữa An Sinh Vương Trần Liễu và em trai mình là vua Trần Thái Tông, củng cố niềm tin và đoàn kết trong nội tộc tạo ra sức mạnh để chống thù trong giặc ngoài, xây dựng vương triều Trần phát triển. Nói về bà, sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết: "Thế mới biết trời sinh ra Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần vậy".

Trong quần thể di tích tại Liên Hiệp (Hưng Hà) hiện có hai ngôi đình thờ Thái Sư Trần Thủ Độ là đình Khuốc và đình Ngừ, cùng với Lăng mộ của ông đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ông và Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung là hai nhân vật có công lao mang tính quyết định lập nên vương  triều Trần và đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Trần.

Hiện nay tại các đình thờ Thái sư Trần Thủ Độ còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật quan trọng. Pho tượng thờ tại đây có niên đại trên 500 năm và được đánh giá là pho tượng cổ nhất và đẹp nhất về Thái sư Trần Thủ Độ.

Tượng Thống quốc thái sư Trần Thủ Độ có niên đại hơn 500 năm và bát hương đá cổ tại đình Khuốc

Cũng tại xã Liên Hiệp còn có miếu Nứa thờ Công chúa Thiều Dương tên thật là Trần Thị Thuý, con gái thứ của Thượng hoàng Trần Thái Tông và Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu và là cháu gọi Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung là cô.

Miếu Nứa đang rất cần được quan tâm tu tạo và nâng cấp cảnh quan

Công chúa Thiều Dương là người có công chiêu mộ những người dân nghèo và khai khẩn vùng đất hoang hoá này trở thành trù phú. Công chúa cũng là người đã từ chối nhiều bổng lộc của triều đình và dùng tiền vua cấp để xây cầu, xây chùa và đúc chuông, tô tượng, phát triển nông nghiệp giúp dân có cuộc sống ấm no …

Tại cụm di tích Đền thờ các vua Trần (làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Thánh Tượng Quốc Thái Sư Trần Thủ Độ được thờ tại Bên phải tòa Hậu Cung. Thánh Tượng Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung được thờ bên trái hậu cung. Tuy nhiên khu vực Lăng mộ của Thái sư và Linh từ cùng với Miếu thờ Thiều Dương công chúa nằm tại xã Liên Hiệp cách đó không xa thì lại chưa được nhiều người biết tới. Chính quyền và người dân địa phương, bà con về chiêm bái, tham quan di tích lịch sử nơi này luôn mong mỏi có thể sửa chữa con đường, tu bổ và sửa chữa một số hạng mục của các di tích đang xuống cấp. Thiết nghĩ ước mong này sớm thành hiện thực khi được xã hội hóa nguồn kinh phí. Việc kết nối giao thông và đặt thêm các biển chỉ đường trên đường đi cũng là việc cần làm để thuận lợi cho du khách chiêm bái và tìm hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

MINH GIÁC

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top