Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những tháng ngày đẹp đẽ của gia đình “tiếng hát át tiếng bom”

Thứ Sáu 30/04/2021 | 10:42 GMT+7

VHO- Với những người văn công chiến trường từng gửi tuổi xuân trên suốt chặng đường dài chống Mỹ, trái tim họ luôn đau đáu nhớ lại những ngày đã qua.

 Đoàn văn công chiến trường tuổi mười tám đôi mươi năm nào giờ đã thành những ông bà nhưng vẫn gặp nhau để ôn lại ký ức xưa Ảnh: N.H

Giữa những ngày vô cùng gian nan, khổ cực họ mang “tiếng hát át tiếng bom” vang dội trên khắp nẻo đường, tiếp thêm sức mạnh cho kháng chiến, làm giảm bớt đi những gian nan thường trực.

Sức trẻ ngày ấy

Ngày ấy, khi cùng nhau khoác ba lô lên đường tòng quân, họ mới mười tám, đôi mươi, giờ đây những cô gái, chàng trai văn công chiến trường xuân sắc năm ấy đều đã trở thành những ông, bà hơn 70 tuổi. Hẹn nhau mỗi tháng gặp nhau một lần để ôn lại chuyện xưa, loanh quanh câu chuyện về gia đình, con cháu, nhưng không có gì vui hơn là thấy bạn bè, đồng nghiệp khi xưa của mình vẫn mạnh khỏe. Bình thường tuổi già nhớ nhớ, quên quên, nhưng hễ gặp nhau là bao kỷ niệm từ đâu ùa về hối hả, hiện lên rõ ràng như mới xảy ra ngày hôm qua.

Năm 1972, chàng trai Đàm Duy Phùng (quê Thanh Hóa) tuổi đời chưa đến 20 xung phong vào đoàn văn công phục vụ chiến trường. Không sợ bom đạn, không sợ hy sinh, Phùng cùng 60 đồng nghiệp lên đường, ở đâu có chiến dịch là xốc balô đi tới tận nơi để biểu diễn, nhiều nhất phải kể tới vùng giáp ranh Quảng Ngãi, nhiệm vụ của đoàn văn công là vừa diễn văn nghệ vừa tuyên truyền cho bà con trong vùng. “Ngày đó, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, có khi đoàn vừa rời bước, máy bay địch thả bom đúng ngay vị trí mọi người vừa nghỉ chân. Rồi bao nhiêu lần sốt rét tưởng không gượng nổi, vượt sông nước dâng tới cổ, may mắn là không ai bị thất lạc và hy sinh. Ngày ấy sao mà hăng hái thế, đi bộ không biết mệt, không biết đau là gì, gùi 20 cân gạo trên lưng và đi bộ 3, 4 ngày đường là chuyện bình thường nhưng anh chị em đều rất vui vẻ. Đi đâu cũng được bà con yêu quý, chăm sóc như con cái trong nhà, có đồ ngon gì cũng dành hết cho văn công”, ông Phùng nhớ lại.

Không chỉ có niềm vui được phục vụ chiến trường, những người cựu văn công nhớ mãi kỷ niệm được biểu diễn phục vụ trong chương trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Khu ủy khu V (năm 1973). Sau khi biểu diễn, cả đoàn đang nằm võng nghỉ trưa thì đồng chí Bí thư Võ Chí Công tới thăm anh em, Bí thư đi từng võng, bắt tay từng người động viên đoàn giữ sức khỏe để phục vụ nhân dân, phục vụ chiến trường. Nhắc lại, những cựu văn công vẫn nhớ cảm giác tự hào rưng rưng lúc ấy, cái bắt tay thật chặt của người lãnh đạo là sự động viên to lớn tiếp thêm sức mạnh cho cả đoàn.

Đêm giao thừa năm 1972 bước sang năm 1973 là năm đầu tiên đoàn văn công đón Tết xa quê hương, ông Lê Văn Phú (sinh năm 1950) không thể nào quên được: “Đêm giao thừa, mấy chục mái đầu xanh tuổi đời mười tám đôi mươi túm tụm giữa rừng Trường Sơn vắng lặng, lòng tưởng tượng ra cái Tết ở quê. Nhiều nữ văn công bật khóc rưng rức vì nhớ cha mẹ, nhớ nhà. Để chuẩn bị cho “cái Tết” đầu tiên giữa rừng, Trưởng đoàn Nguyễn Văn Lào đã đem quần đùi, áo lót còn mới tinh đi đổi với người dân lấy ít khoai, sắn để anh em ăn Tết... 3 tháng trời đi bộ ròng rã trong rừng Trường Sơn nhưng không ai trong chúng tôi thấy mệt, đêm nằm võng ngủ, phía trên căng bạt tránh mưa, dưới đầy những con vắt chỉ chực bắn lên hút máu người, nhưng sức trẻ sao mà hồ hởi phấn khởi đến thế…”, ông Phú kể lại trong dòng hồi tưởng đứt đoạn.

 Những gương mặt của Đội ca đoàn văn công Ảnh: TƯ LIỆU

Tiếp sức mạnh cho trận chiến ngày mai

Năm 1973, cô Nguyễn Thị Kim Oanh (quê Thanh Hóa) mới 22 tuổi, là ca nữ chính trong đoàn văn công chiến trường, đến giờ khi đã lớn tuổi, cô vẫn miệt mài đem lời ca, tiếng hát và kiến thức thực tiễn truyền dạy lại cho lớp trẻ. Nhắc lại ký ức chiến trường, người ca nữ chính năm xưa còn bồi hồi cảm giác hạnh phúc, tự hào lúc được đứng trên sân khấu biểu diễn cho bộ đội trước đêm chiến đấu. “Cô đứng trên hát, ở dưới là những anh bộ đội lắng nghe chăm chú, không một tiếng nói chuyện, những người văn công trút hết tình cảm gan ruột vào lời hát với hy vọng tiếng hát của mình sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội trong trận chiến ngày mai. Ngày ấy không có micro như bây giờ, nhưng tiếng hát trong lắm, khỏe lắm, vang xa lắm… cô vẫn nhớ những bài được bộ đội và bà con đặc biệt yêu thích như: Miền Nam nhớ mãi ơn Người, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, song ca Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Gửi em ở cuối sông Hồng…”.

 Hợp ca nam nữ (đoàn văn công chiến trường năm 1973) Ảnh: TƯ LIỆU

Không phải lúc nào đoàn văn công cũng được hát trong điều kiện thuận lợi. Cả đoàn cứ rong ruổi hành quân, đi tới đâu diễn tới đó. Có khi vừa biểu diễn xong thì du kích báo có địch sắp tới, vậy là cả đoàn lại vội vã dọn đồ đạc, dụng cụ đi ngay trong đêm tới sáng hôm sau mới được nghỉ. Những tháng ngày rong ruổi miệt mài vượt núi cao, băng rừng thẳm, qua những cánh rừng dày đặc gốc cây bị vạt nhọn hoắt như chông. Không sợ chết, không sợ đau, nhưng những người cựu văn công bị ám ảnh bởi ký ức: Trên đường hành quân đi tới Hà Tĩnh, đoàn đến một ngôi làng vừa bị địch càn quét vắng lặng không một bóng người, máu còn loang lổ trong ráng chiều hoàng hôn, khi lội qua sông Trà Bồng nước dâng tới ngực, ba lô không giữ được bị nước chảy xiết cuốn trôi, mỗi người đi cách nhau hàng mét không lấy gì bấu víu vượt qua dòng sông mới biết mình còn sống. Tới con đường vùng giáp ranh Bồng Sơn mà hai bên còn in mới nguyên vệt bánh xe tăng của địch… Nhưng, gian khổ sá gì với niềm hạnh phúc, tình yêu thương được nhận lại nơi chiến trường. Nhất là khi người đồng hương gặp được nhau giữa sự sống và cái chết, họ tay bắt mặt mừng như tìm được vàng, trong ba lô có bao nhiêu xà phòng, vải màn, đường, sữa… cũng lấy ra tặng hết cho văn công. Tình đồng đội giữa bom đạn, gian khổ luôn yêu thương, tương trợ nhau nên ai cũng yêu đời lắm, chẳng nghĩ đến chết chóc hay bất cứ chuyện gì bi quan.

Ngồi giữa họ, lắng nghe những câu chuyện đẹp đẽ nhất của cuộc đời họ, tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự tồn tại thiêng liêng của sợi dây quá khứ - hiện tại. Quá khứ dù đã trôi qua nhưng chưa bao giờ cũ, đối với những người như cô Oanh, chú Phú, chú Phùng… quá khứ là thứ âm hưởng bất khuất mạnh mẽ, là động lực để cho con người sống một cuộc đời có ích. Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng đất nước, cho tới bây giờ, những người cựu diễn viên chiến trường năm xưa vẫn luôn tư duy rằng phải sống, cống hiến hết mình cho xã hội và nếu có chọn lại một lần nữa họ sẽ vẫn chọn làm những người nghệ sĩ đem lời ca tiếng hát của mình phụng sự cho Tổ quốc, đúng như ca khúc Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh: Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm/ Là người tôi sẽ chết cho quê hương. 

 NGỌC HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top