Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Điện ảnh Việt Nam: Không thể cứ mãi ở dạng tiềm năng

Thứ Sáu 30/04/2021 | 11:03 GMT+7

VHO- Đã đến lúc các nhà làm phim Việt Nam nên tập trung làm những bộ phim vừa có giá trị thương mại vừa có giá trị văn hóa, nghệ thuật và tính dân tộc cao, không thể cứ mãi là “người khổng lồ còn nằm ngủ” mà cần vươn dậy, đánh thức tiềm năng để bứt phá…

Diễn đàn quốc tế về điện ảnh Việt Nam thu hút được rất nhiều sự quan tâm

 Đó là nội dung quan trọng được nêu ra tại Hội thảo quốc tế “Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) chủ trì, phối hợp với Viện Ngôn ngữ - Quốc tế học thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại TP.HCM, để bàn về giải pháp đưa điện ảnh Việt Nam phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Tư duy mới trong quá trình xây dựng Luật

Có thể nói đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một diễn đàn trực tuyến quốc tế về điện ảnh, quy tụ sự tham gia của nhiều thành phần quan trọng, bao gồm các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách, đông đảo chuyên gia, nhà làm phim, những người hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế. Các đại biểu đã trao đổi về những vấn đề nhằm mang lại lợi ích cho điện ảnh Việt Nam và các nhà làm phim quốc tế, tập trung vào việc xây dựng năng lực sản xuất, cơ chế ưu đãi sản xuất, xây dựng thị trường điện ảnh Việt Nam có tính cạnh tranh lành mạnh, tầm quan trọng của bản quyền và cách thức giải quyết những vấn đề còn tồn tại nhằm góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển an toàn và bền vững…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa, điện ảnh Việt Nam có bứt phá được hay không thì một trong những yếu tố quan trọng đó chính là những quy định trong Luật, làm thế nào tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy cho ngành công nghiệp này. Với những tiềm năng của Việt Nam, với cảnh quan thiên nhiên và với lịch sử văn hóa, chúng ta có đủ điều kiện để điện ảnh phát triển như mong muốn. “Việt Nam đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, từ nay đến tháng 6.2022, Quốc hội sẽ thông qua Luật này và chúng tôi kỳ vọng hội thảo tập trung được nhiều ý kiến nhằm gợi ý những cơ chế, chính sách, quy định mới của nhà nước để phát triển bền vững nền công nghiệp điện ảnh”, bà Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh.

Khẳng định tầm quan trọng trong việc chia sẻ và hợp tác của bộ môn nghệ thuật thứ 7, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ, trước hết cần khẳng định điện ảnh như một ngành công nghiệp, là sự giao lưu mang tính toàn cầu. Bản thân Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, cả về đổi mới, về hội nhập quốc tế và về tăng cường năng lực công nghệ. Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Điện ảnh thì chính lúc này Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cùng với các hiệp hội có liên quan có thể cung cấp thông tin để tạo dựng cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam một tư duy mới, từ tư duy mới tạo ra một khung pháp luật và khung chính sách kinh tế mới.

 Bối cảnh trong “Kong - Đảo Đầu Lâu” đã góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Đánh thức... "người khổng lồ"

Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA, để điện ảnh Việt Nam có cơ hội cất cánh, thì trong quan niệm của những người làm phim và các cơ quan quản lý cần có sự thống nhất, rằng chúng ta không chỉ quan tâm đến điện ảnh như một ngành nghệ thuật mà cần coi đó là ngành kinh tế, ngành công nghiệp và có chính sách thúc đẩy phát triển. Lịch sử - văn hóa Việt Nam là kho tàng hấp dẫn, nhưng không thể cứ mãi ở dạng tiềm năng. Thời kỳ tiềm ẩn đã lâu rồi, giờ đến giai đoạn để cho kho tàng này bùng nổ, phát triển lên, điều này đang nằm trong tay các nhà làm phim, các bạn là người chủ động, nhưng những nhà quản lý chính là bệ phóng. “Xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam hiện mới chỉ là manh nha, nhưng chúng ta cũng không quá tự ti, bởi vì thị trường điện ảnh Viện Nam đạt doanh thu cao. Trước Covid-19, tổng doanh thu toàn thị trường năm 2019 đạt hơn 4.000 tỉ đồng so với dự báo 3.000 tỉ đồng của chiến lược phát triển văn hóa. Điều này cho chúng ta niềm tin rằng Việt Nam có nền tảng nhất định để xây dựng công nghiệp điện ảnh”, bà Lan thông tin và cho rằng trong Luật Điện ảnh sửa đổi cần có cơ chế ưu đãi nhất định, cởi bỏ những rào cản để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài vào đầu tư, hợp tác và quảng bá.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc các nhà làm phim Việt Nam nên thực sự tập trung những bộ phim vừa có giá trị thương mại đồng thời vừa có giá trị văn hóa, nghệ thuật và dân tộc cao, không thể cứ mãi làm “người khổng lồ còn nằm ngủ” mà cần vươn dậy, đánh thức tiềm năng bứt phá… Tuy nhiên, bước đi này sẽ như thế nào?

Bàn về nội dung này, ông Nelson Mok, Giám đốc, cố vấn Film Group Endeavour Content cho rằng, “Đầu tiên bộ phim đó phải thành công trong nước, vì người nước ngoài họ sẽ chọn mua những phim có tỉ lệ người xem cao nhất. Để làm được điều này, chúng ta cần có quảng bá thì nhà làm phim mới tương tác được với đơn vị nhập khẩu”. Ông Nelson Mok cũng lấy ví dụ về điện ảnh Hàn Quốc, đất nước họ có cả hội đồng đánh giá tỉ lệ rạp chiếu, phân tích bầu không khí điện ảnh của các nước mà họ quan tâm. “Báo chí quốc tế họ quan tâm điện ảnh Việt Nam nhưng họ cũng không thể nào viết ngay những bài báo quảng bá cho phim Việt khi họ chưa có nền tảng chắc chắn, mà điều này cần sự chủ động của phía Việt Nam, các bạn cần chú trọng câu chuyện này hơn”, ông Nelson Mok nói. Ông cũng dẫn chứng thành công của phim Bố già mới đây tại Singapore và trước đó một số bộ phim trình chiếu ở thị trường các nước chính là tín hiệu rất tích cực tạo đà để điện ảnh Việt Nam chinh phục khán giả quốc tế.

Theo Nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất Phan Đăng Di, để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh thì các nhà làm phim cũng phải xây dựng tính chuyên nghiệp - công nghiệp trong điện ảnh, đầu tư đúng mức cho những khâu thiết yếu như viết kịch bản, trả thù lao xứng đáng cho nhà biên kịch… Ông Yay Roewe, Phó Chủ tịch cấp cao, phụ trách sản xuất và ưu đãi tại HBO thông tin, “Quan điểm của chúng tôi khi sản xuất phim thường muốn trải nghiệm nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tìm đến những bối cảnh mới, độc đáo và đặc trưng văn hóa bản địa. Việc các bối cảnh mới không chỉ tạo sự hấp dẫn cho bộ phim mà còn có thể quảng bá hình ảnh các quốc gia nhằm thúc đẩy du lịch, do vậy mà chúng tôi cần sự hợp tác để đôi bên cùng có lợi”. Theo ông Yay, khi có kịch bản thì nhà sản xuất tìm kiếm đối tác trên toàn thế giới, nơi đâu hỗ trợ chính sách tốt nhất và có khả năng cạnh tranh tốt nhất thì đó là vấn đề mà nhà làm phim quan tâm hàng đầu, nếu cơ chế không thông thoáng, họ buộc phải rời đi và tìm nơi khác. “Tôi cho rằng điện ảnh Việt Nam vẫn còn là “người khổng lồ” nằm ngủ, mong rằng thời gian tới người khổng lồ này sẽ được đánh thức”, ông Yay nhấn mạnh.

Dịp này, Quỹ Điện ảnh MPA APSA Academy cũng đã chính thức ra mắt, với việc hỗ trợ 100.000 USD mỗi năm cho hoạt động điện ảnh. Theo đó, Quỹ nhằm tăng cường sự đa dạng văn hóa ở khu vực sản xuất phim đang phát triển lớn nhất thế giới. Ngân sách này hằng năm sẽ được trao cho 4 người đang có những dự án phim truyện ở những giai đoạn phát triển kịch bản quan trọng, những người thụ hưởng sẽ được một ban giám khảo quốc tế lựa chọn và công bố tại lễ trao giải điện ảnh châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 11.11.2021. 

Khi sản xuất phim chúng tôi thường muốn trải nghiệm nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tìm đến những bối cảnh độc đáo và đặc trưng văn hóa bản địa. Bối cảnh không chỉ tạo sự hấp dẫn cho bộ phim mà còn có thể quảng bá hình ảnh các quốc gia nhằm thúc đẩy du lịch, do vậy mà chúng tôi cần sự hợp tác để đôi bên cùng có lợi… Các nhà sản xuất sẽ tìm kiếm đối tác trên toàn thế giới, nơi đâu hỗ trợ chính sách và có khả năng cạnh tranh tốt nhất thì nhà làm phim sẽ quan tâm hàng đầu, còn nếu cơ chế không thông thoáng, họ buộc phải rời đi nơi khác…

(Ông YAY ROEWE, Phó Chủ tịch cấp cao, Phụ trách sản xuất và ưu đãi tại HBO)

 

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top