Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Di tích "Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk năm 1945”: Khó bảo tồn, phát huy giá trị di tích nếu chưa di dời các hộ dân

Thứ Hai 03/05/2021 | 08:33 GMT+7

VHO- Trụ sở “Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk năm 1945” ở phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, nhưng việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử này đang gặp khó khăn do ngành chức năng vẫn chưa có phương án di dời các hộ dân đang sinh sống, kinh doanh trong khuôn viên.

 Các hộ dân sinh sống, kinh doanh trong không gian di tích mong muốn được xem xét, hỗ trợ tái định cư

 Hiện tại trong không gian di tích lịch sử Trụ sở “Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk năm 1945” có nhiều hộ gia đình sinh sống và kinh doanh từ hàng chục năm nay.

Đồng ý, nhưng phải biết sẽ đi đâu

Bà Dương Thị Tùng ở dãy nhà 71 đường Lý Thường Kiệt, phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột cho biết, trước đây bà công tác tại Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk. Trong những năm 1982 đến 1985, tỉnh có chủ trương cấp đất cho cán bộ nhà nước nhưng có thu thuế, do không đủ tiền đóng nên bà Tùng không được cấp đất. Vì không có chỗ ở, lãnh đạo Sở Tài chính lúc bấy giờ đã bố trí cho bà ở tại căn nhà này và không thu phí. Đến năm 1998, ngôi nhà này được bàn giao về cho Công ty Kinh doanh Nhà (Sở Xây dựng) quản lý. Lúc này, các hộ dân sống trong dãy nhà mới bắt đầu đóng tiền thuê nhà. Đến năm 2012, do chuyển đổi quyền quản lý dãy nhà nên Công ty kinh doanh nhà đã thanh lý hợp đồng thuê nhà đối với các hộ dân ở đây. Cũng trong năm 2012, Sở Xây dựng có hướng dẫn cho bà Tùng và các hộ dân ở đây làm thủ tục xin cấp đất, bố trí tái định cư nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được giải quyết. Mới đây, UBND phường Thắng Lợi mời các hộ lên làm việc và yêu cầu di dời khỏi đây vì đó là di tích lịch sử.

“Chủ trương của cấp trên thì tôi thống nhất, nhưng tôi mong muốn các cấp xem xét có hướng hỗ trợ, cấp đất để chuyển đi nơi khác. Bản thân tôi ở đây đã hơn 30 năm rồi, thanh xuân của mình đã cống hiến cho nhà nước, bây giờ già rồi, mà chính quyền bảo dọn đi tôi biết đi đâu, ở đâu bây giờ”, bà Tùng kiến nghị. Tương tự, bà Nguyễn Thị Biết cũng sinh sống, kinh doanh ở dãy nhà số 71 Lý Thường Kiệt hơn 20 năm nay. Khi nhà nước có chủ trương giải tỏa các hộ dân để bảo tồn di tích, bản thân bà cùng các hộ dân khác cũng thống nhất. Tuy nhiên, nguyện vọng của bà Biết cũng như các hộ dân khác ở đây là các cấp, ngành có phương án hỗ trợ tái định cư. “Gia đình tôi thuê nhà ở đây từ năm 2000, cả gia đình đều hộ khẩu tại căn nhà này. Bây giờ bảo chuyển đi, chúng tôi thống nhất nhưng tỉnh phải có hướng giải quyết như thế nào cho chúng tôi để ổn định cuộc sống”, bà Biết chia sẻ.

Cơ bản không có vướng mắc

Ông Nguyễn Ngọc Định, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết, hiện tại khu vực dãy nhà 71 Lý Thường Kiệt có 5/7 hộ đang sinh sống và kinh doanh (7 hộ thuê nhà). Liên quan đến việc di dời, giải tỏa các hộ dân đang sinh sống ở đây, vừa qua UBND phường phối hợp cùng Bảo tàng Đắk Lắk mời đại diện các hộ dân nằm trong khu vực di dời, giải tỏa lên làm việc để thông báo một số văn bản và vận động các hộ dân di dời các tài sản, hàng hóa, vật dụng… trả lại mặt bằng. “Qua buổi làm việc hầu hết các hộ dân đều thống nhất chủ trương của nhà nước và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đối chiếu các quy định của pháp luật để có kế hoạch, phương án hỗ trợ kinh phí di dời và hỗ trợ tái định cư cho các hộ chưa có nhà ở và không còn nơi nào để đi”, ông Định nói.

Ông Định cho biết thêm, năm 2012 thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk, các hộ dân này đã nộp hồ sơ xin bố trí tái định cư tại Trung tâm quỹ đất. Trong năm 2013, 2014 Trung tâm phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột phối hợp UBND phường lập biên bản xác minh nguồn gốc sử dụng đất của các hộ dân tại khu vực dãy nhà 71 Lý Thường Kiệt làm cơ sở tính toán, bồi thường về đất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Trong khi đó, ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho rằng, bước đầu các hộ đã di chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực tầng 2 tòa nhà để đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ. Vừa rồi các hộ cũng đã thống nhất chủ trương và cơ bản không vướng mắc gì cả. “Liên quan đến quyền lợi của các hộ dân thì sau này sẽ làm theo luật. Việc đó sẽ có kế hoạch nhưng không phải giải tỏa, đền bù mà là hỗ trợ di dời vì đây là tài sản nhà nước cho thuê, cho nên hỗ trợ kinh phí một phần nào thôi”, ông Duẩn cho hay.

Cũng theo ông Duẩn, trước đây Bộ VHTTDL có chủ trương cho dự án để trùng tu, bảo tồn di tích này. Khi làm hồ sơ thanh lý hợp đồng, đo đạc nguồn gốc đất, làm tờ trình để có kế hoạch di dời các hộ dân, thì mới phát sinh vướng mắc vì di tích này chưa được xếp hạng. Vừa rồi, Sở cũng tiến hành làm các thủ tục để trình UBND tỉnh xếp hạng. Để chuẩn bị Lễ công bố quyết định xếp hạng di tích thì phải di dời, giải tỏa các hộ này.

Trải qua nhiều năm, hiện tại Di tích lịch sử “Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk năm 1945” đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn. Thiết nghĩ, tỉnh Đắk Lắk cần sớm có phương án tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của di tích. Muốn làm được việc đó, trước mắt phải có phương án di dời, giải tỏa các hộ dân sinh sống, kinh doanh ở đây làm sao vừa đảm bảo quyền, lợi ích của hộ dân, vừa đúng quy định của pháp luật. 

VĨNH AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top