Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu, Hoàng thành Huế: Cần có những bước đi thận trọng

Thứ Hai 03/05/2021 | 08:50 GMT+7

VHO - Thái Miếu là công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn nhất ở Hoàng thành Huế, được xây dựng từ rất sớm dưới thời vua Gia Long và có ý nghĩa quan trọng của vương triều Nguyễn.

 Khu nhà 5 gian được Hội đồng Nguyễn Phước tộc xây dựng trên nền móng Thái Miếu để thờ cúng cũng đã bị hư hại

Dù công trình bị thiêu hủy năm 1947, song may mắn hệ thống nền móng vẫn còn, mở ra cơ hội cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu.

Hoang tàn

Ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã sớm cho xây dựng Thái Miếu để thờ cúng 9 vị chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần. Khu di tích Thái Miếu nằm ở góc Đông Nam của Hoàng thành Huế, và nối thông với di tích Triệu Miếu ở phía Bắc theo 2 cổng. Song, phần lớn du khách chỉ đến tham quan, dâng hương ở di tích Triệu Miếu chứ không mấy ai chú ý Thái Miếu ở cạnh bên bởi không gian di tích Thái Miếu đã trở nên “hoang tàn” từ hàng chục năm qua…

Ngay cổng vào Thái Miếu Môn, nhiều hạng mục đã rệu rã, gần như đổ sập bất cứ lúc nào. Nền cổng bị bồi lấp mất bậc, nền lát đá bị sứt vỡ, xô lệch. Hệ thống tường xây đã bị trám, vá bằng vật liệu mới. Hệ mái chỉ còn một số đòn tay với tiết diện rất lớn đỡ trên một hệ mái được tu sửa trong giai đoạn muộn sau này, không đúng với ngôn ngữ kiến trúc ban đầu. Toàn bộ hệ thống cửa đã bị mất, được thay thế bằng cửa tạm không liên quan đến yếu tố gốc. Toàn bộ phần gỗ sàn ở gian giữa được thay thế bằng dầm chữ I và đổ bê tông… Tại khu vực chính điện Thái Miếu là hình ảnh công trình 5 gian 2 chái cũng đã hư hại gần toàn bộ: mái tôn bị lật tung, các cấu kiện gỗ đã mục ruỗng, nứt toác, các cánh cửa đã “bay” mất ván, nhiều hạng mục được sửa chữa với bê-tông xi măng nham nhở… Đây là công trình được bà Từ Cung và Hội đồng Nguyễn Phước tộc quyên góp kinh phí để xây dựng lại vào những năm đầu thập kỷ 1970 để tiếp tục thờ các vị chúa Nguyễn. Sau đó, trải qua nhiều biến đổi của thời tiết nên bị hư hại, xuống cấp dẫn đến hoang phế như bây giờ. Thực tế, Thái Miếu được xây dựng từ năm 1804 dưới thời vua Gia Long, là công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn nhất ở Hoàng thành Huế với 15 gian 2 chái (gồm tiền điện và chính điện) và đã bị phá hủy từ năm 1947 do chiến tranh.

 Khu vực Tuy Thành Các giờ không còn dấu vết, chỉ còn bức bình phong bị xuống cấp

Các công trình khác như Tả Tùng Tự, Hữu Tùng Tự cũng bị san bằng chỉ còn sót lại một phần nền móng; công trình Mục Thanh Các (sau này thời Minh Mạng đổi thành Tuy Thành Các) cũng không còn dấu vết, thay vào đó là tại vị trí của công trình này hiện tồn tại một bức bình phong cũ kỹ (đã hư hại) được xây dựng khá đơn giản và không “đồng bộ” với kiến trúc của tổng thể di tích Thái Miếu. Không chỉ những công trình được xây dựng thời Gia Long, mà nhiều hạng mục khác trong khuôn viên Thái Miếu được xây dựng dưới thời Minh Mạng cũng bị hư hại. Đến nay, chỉ có điện Chiêu Kính và điện Long Đức đã được trùng tu, phục hồi.

Không gian cảnh quan sân vườn, đường đi trong khuôn viên di tích Thái Miếu bị bồi lấp bởi lớp đất dày khoảng 40-50cm. Toàn bộ diện tích bị cỏ dại xâm thực; cây xanh thì nhiều chủng loại, lộn xộn, không phù hợp với cảnh quan chung…

Cần giữ đặc trưng thời Gia Long

Di tích Thái Miếu đối xứng với Thế Miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn qua trục Thần Đạo của Kinh thành Huế. Điều này khẳng định di tích Thái Miếu có ý nghĩa và tầm quan trọng trong hệ thống tổng thể kiến trúc của Hoàng thành Huế. Việc xây dựng kế hoạch để tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích này là hết sức cấp thiết.

Theo Ban Tư vấn Bảo tồn di tích Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu (giai đoạn 1) không chỉ nhằm mục tiêu trả lại không gian thờ cúng vào hàng Đại tự của triều Nguyễn, mà trước tiên còn góp phần hoàn thiện công tác bảo tồn, phục hồi tổng thể Hoàng thành, giữ gìn cho di sản Huế một cụm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc có giá trị lịch sử, văn hóa và khôi phục lại một phần văn hóa phi vật thể đang được phát huy. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa bày tỏ rất đồng tình với kế hoạch này, song ông cho rằng theo góc độ bảo tồn di tích thì mục tiêu quan trọng nhất của dự án chính là là tu bổ, phục hồi lại công trình kiến trúc cung đình bằng gỗ có quy mô lớn nhất ở Hoàng thành Huế, được xây dựng từ sớm và mang phong cách của thời Gia Long. Bởi lẽ, phần lớn các công trình kiến trúc trong Hoàng thành được xây dựng và sửa chữa dưới thời Minh Mạng. Chính vì thế ông Nguyễn Xuân Hoa cũng cho rằng nên ưu tiên phục hồi chi tiết trang trí nội thất theo phong cách thời Gia Long.

 Hiện trạng công trình Thái Miếu Môn (cổng vào di tích Thái Miếu)

Có thể lấy những mẫu và công trình thời Gia Long như Điện Minh Thành (tại lăng Gia Long) để đối sánh về các chi tiết trang trí ở đây, như là một nguyên tắc tu bổ phục hồi thích nghi. “Đây là công trình kiến trúc bằng gỗ dài hơn 70m, nên đặc biệt lưu ý hai vấn đề khi xây dựng đề án thiết kế, đó là chống oằn mái điện (cả tiền điện và chánh điện) và hệ thống máng xối. Một ngôi nhà rường 5 gian, làm không khéo cũng dễ oằn trong khi công trình Thái Miếu có đến 15 gian. Hệ thống mái xối nối giữa tiền điện và chánh điện, nếu làm không chuẩn thì dễ bị tọa nước, thấm nước. Các vấn đề này cần nghiên cứu cụ thể từ di tích Thế Miếu hiện nay để tham khảo”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa góp ý.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng cho rằng trước khi thiết kế chi tiết phương án trùng tu, cần phải thực hiện thám sát khảo cổ học; không chỉ dừng ở công trình chính Thái Miếu, cũng cần chú ý đến Tuy Thành Các và các công trình khác. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị cần tổ chức khai quật khảo cổ học tổng thể khu di tích Thái Miếu để có sự đánh giá đầy đủ, chính xác về diễn biến thay đổi của các công trình trong cụm di tích này, bổ sung hữu ích các thông tin mà chúng ta rất cần do thiếu nguồn tài liệu hình ảnh và tư liệu viết. Theo ông Hải, Thái Miếu là một tổ hợp công trình được xây dựng sớm từ thời Gia Long, và dù trải qua nhiều lần tu bổ nhưng phong cách kiến trúc, trang trí của các công trình trong cụm di tích này, đặc biệt là tòa Thái Tổ Miếu vẫn giữ phong cách đặc trưng của thời Gia Long. Vì vậy, phương án trùng tu, phục hồi các công trình cần phải bảo tồn được đặc trưng này.

“Đối với công trình Thái Tổ Miếu, nên tập trung đầu tư nghiên cứu phục hồi các bộ phận cơ bản trước như hệ nền móng, bộ khung gỗ, hệ mái; còn các phần chi tiết như trang trí nội ngoại thất công trình thì để sau một bước”, ông Phan Thanh Hải góp ý. Nhiều chuyên gia cũng đề nghị nhóm nghiên cứu xây dựng dự án cần tiếp thu các kết quả nghiên cứu về di tích Thái Miếu và các công trình trong khu vực này của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Di sản thế giới- Đại học Waseda (Nhật Bản). Nhóm hợp tác nghiên cứu này đã từng trùng tu điện Long Đức, phục nguyên điện Chiêu Kính và xây dựng mô hình tỷ lệ 1/10 công trình Thái Miếu. 

 Cần tổ chức khai quật khảo cổ học tổng thể khu di tích Thái Miếu để có sự đánh giá đầy đủ, chính xác về diễn biến thay đổi của các công trình trong cụm di tích này, bổ sung hữu ích các thông tin mà chúng ta rất cần do thiếu nguồn tài liệu hình ảnh và tư liệu viết.

Thái Miếu là một tổ hợp công trình được xây dựng sớm từ thời Gia Long, và dù trải qua nhiều lần tu bổ nhưng phong cách kiến trúc, trang trí của các công trình trong cụm di tích này, đặc biệt là tòa Thái Tổ Miếu vẫn giữ phong cách đặc trưng của thời Gia Long. Vì vậy, phương án trùng tu, phục hồi các công trình cần phải bảo tồn được đặc trưng này.

(TS PHAN THANH HẢI, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế)

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top