Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những nét vẽ Trường Sơn

Thứ Tư 05/05/2021 | 11:07 GMT+7

VHO- Tám năm sống và chiến đấu ở Trường Sơn đã trở thành ký ức quý giá để họa sĩ Nguyễn Đức Dụ miệt mài vẽ về Trường Sơn như một sự tri ân, một sự nhắc nhở về một thời oanh liệt đã qua.

 Tác phẩm “Biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội công binh Trường Sơn”

 Hơn 40 tác phẩm sống động được trưng bày tại triển lãm “Còn lại với Trường Sơn” đã tái hiện những lát cắt dữ dội của chiến tranh, những bối cảnh ác liệt nơi vùng trọng điểm. Không đau thương, bi lụy, những con người, sự kiện, những địa danh lịch sử đã đi vào nét bút phóng khoáng của người họa sĩ luôn nâng niu ký ức sống với Trường Sơn.

Chào mừng kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 62 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 – 19.5.2021), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm tranh “Còn lại với Trường Sơn” của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ, CCB Đoàn 559.

Những bức tranh họa sĩ Đức Dụ vẽ về Trường Sơn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là những tác phẩm đầy sinh lực và dũng khí chiến đấu của các chiến sĩ Trường Sơn, đã ghi lại được những nét đáng ghi nhớ của công trình vĩ đại của dân tộc ta - Con đường Trường Sơn, Con đường Hồ Chí Minh. Tham gia mở đường Trường Sơn: Tha Mé, Vang Mu, Ta Lê, Phu La Nhích, tuyến đường 20 Quyết Thắng, sau đó tiến vào miền Tây Thừa Thiên Huế, họa sĩ Đức Dụ say mê vẽ về những hoạt động trên tuyến đường vào giờ nghỉ và triển lãm ngay tại chỗ, trên mặt đường mới mở. Đơn vị đã tạo điều kiện để ông được đi vẽ về người lính và đồng bào trên khắp tuyến đường lịch sử. Trong ba lô họa sĩ Đức Dụ luôn cõng theo xấp giấy và cây bút vẽ. Những phút nghỉ giải lao, ông lại vẽ con đường đang mở, cảnh núi rừng hùng tráng và những gương mặt bộ đội phá đá, chặt cây, san lấp hố bom. Ông cũng phác thảo hình ảnh nhiều chiến sĩ công binh, lái xe, pháo cao xạ, cứu thương, nuôi quân trên tuyến lửa. Ông vẽ rồi căng dây treo quanh lán trại, dưới tán rừng cho đồng đội xem. Đó như một cách tri ân những cán bộ, chiến sĩ, TNXP ngày đêm hy sinh quên mình cho con đường chiến lược...

Tác phẩm “Người quân nhân số 1 bên cạnh Bác Hồ trên đường đi chiến dịch”

Đam mê đi và vẽ, với vốn sống thực tế và những ghi chép ở chiến trường, suốt hàng chục năm sau ngày thống nhất đất nước, họa sĩ Đức Dụ vẫn dành nhiều thời gian sáng tác cho đề tài đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Vẽ về Trường Sơn, với ông, không chỉ để thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật của chính mình mà còn để tưởng nhớ, tri ân những cán bộ chiến sĩ Trường Sơn, những TNXP đã cùng kề vai sát cánh với mình trong bom đạn.

Bước chân khách tham quan như bị níu giữ bởi từng mảng màu, từng câu chuyện xúc động trên con đường ghi dấu những ký ức oai hùng của dân tộc mà họa sĩ Đức Dụ đã dùng sắc màu và cả tâm can vẽ lại. Một số bức ký họa tiêu biểu được giới thiệu tại triển lãm như Chặng đường giao liên, Phá mìn vướng, Nuôi quân đại đội, Doanh trại mùa khô… Những bức tranh sơn dầu khổ lớn như Xe tăng vào tuyến, Đỉnh đèo Tha Mé, Cụm trọng điểm ATP mùa khô 1968, Trọng điểm Vang Mu, Trạm giao liên Trường Sơn,… hòa quyện để tạo nên không gian đậm nỗi nhớ Trường Sơn. Mỗi tác phẩm là một lát cắt dữ dội của chiến tranh, khắc họa đậm nét bối cảnh ác liệt nơi vùng trọng điểm. Không đau thương, bi lụy, những con người, những sự kiện, những địa danh lịch sử đã đi vào nét bút phóng khoáng của người họa sĩ, lưu giữ lại tình cảm của ông đối với đồng đội, đồng bào ở chiến trường, trong hoàn cảnh vô cùng khốc liệt nhưng đầy tinh thần lạc quan cách mạng và niềm tin chiến thắng.

Với họa sĩ Đức Dụ, triển lãm còn mang nhiều cảm xúc, đó là không gian để những người lính Trường Sơn năm xưa cùng nhớ lại những năm tháng không thể nào quên, đặc biệt trong những ngày kỷ niệm của đất nước. Đó cũng là cách mà họa sĩ gửi đến người xem cảm nhận sâu sắc của mình vềnhững năm tháng lịch sửhào hùng đãqua. Phía sau mỗi bức tranh là sự khốc liệt của ranh giới sinh tử, là những hình ảnh thực tế, cụ thể nhất về thế hệ những người lính, những người thanh niên xung phong, những người dân địa phương chất phác, hồn hậu yêu nước đến quên cả thân mình, đã bám trụ trên từng tấc đất, cung đường... để khắc vào lịch sử một tuyến vận tải chiến lược mang tầm vóc thời đại, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tất cả đã được họa sĩ Đức Dụ tái hiện một cách đầy sức sống, kiên cường và lạc quan.

Triển lãm mở cửa đến giữa tháng 5.2021 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. 

THẢO MỘC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top