Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Người viết trẻ tự vẽ những đường bay

Thứ Hai 10/05/2021 | 07:44 GMT+7

VHO- Chương trình hành động của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025) ráo riết vạch ra “những việc cần làm ngay” đối với lực lượng người viết trẻ. Đó là: Khôi phục tờ báo Văn nghệ Trẻ với phiên bản mới mang tên Nhà văn Trẻ và giao cho người trẻ làm; mời người trẻ, giỏi vào Hội; thành lập giải thưởng Tác giả trẻ…

L công b gii thưởng Tác gi tr ca Hi Nhà văn

 

 Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Hội Nhà văn bạt ngàn lau trắng, chúng tôi muốn có thêm người trẻ”.

Nhà văn là phải “dấn nhập” vào cuộc văn

Nói đến người trẻ là nói đến những mới mẻ khỏe khoắn, trẻ trung nhiệt huyết, năng động sáng tạo, vì thế cả hiện tại và tương lai đều thuộc về họ. Trên mục Tiếng nói nhà văn, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (sinh năm 1945, thế hệ “lau trắng”) cất lời: “Những người cầm bút trẻ có thể tôn vinh chúng ta, cũng có thể “chôn vùi” chúng ta nếu chúng ta không xứng đáng để họ học hỏi”.

Người viết trẻ, theo quy ước hiện hành của Hội Nhà văn Việt Nam, là những cây bút không quá 35 tuổi. Có nghĩa, “trẻ” ở đây chỉ là xét về mặt lứa tuổi. Phải minh định sòng phẳng như vậy để “khuyến cáo” những ngộ nhận rằng trẻ là đồng nghĩa với xanh non, đồng nghĩa với thiếu kinh nghiệm sống lẫn viết, đồng nghĩa với cần phải khiêm tốn tầm sư học đạo…

Văn chương là nghệ thuật, mà nghệ thuật là thăng hoa sáng tạo. Tất nhiên, chẳng có sáng tạo nào thăng hoa từ chân không, mà mọi nội công đều hấp phả dung chứa những dưỡng chất từ văn mạch Đông-Tây-kim-cổ. Tuy nhiên, sáng tạo là kiến tạo cái mới, mà “cái mới thường vượt biên không có giấy thông hành”, nói như “phu chữ” Lê Đạt. Văn chương là lao tâm khổ tứ, nhưng đôi khi là “lộc giời”, bất khả cầu, trượt ra ngoài mọi khuôn khổ lý luận. Câu chuyện Trần Đăng Khoa viết Hạt gạo làng ta khi mới 10 tuổi hay L.Tolstoy viết Chiến tranh và hòa bình khi không tận mắt thấy thời đại được ông miêu tả trong tiểu thuyết… là những bằng chứng sinh động “chất vấn” lại cái gọi là kinh nghiệm sống và viết.

Đọc cũng là sống. Sống để sáng tạo. Nhà văn không phải là nhà báo. Nhà báo cần nhập cuộc với đời sống, còn nhà văn phải “dấn nhập” vào cuộc văn. Đành rằng văn chương không thể đóng cửa trước những vang động của đời, nhưng nhà văn nếu ăngten đủ thính nhạy thì không nhất thiết phải thực hành những chuyến “thực tế sáng tác” cưỡi ngựa xem hoa. Minh Moon (sinh năm 1986) viết Hạt hòa bình, Đinh Phương (1989) viết Nhụy khúc, Nguyễn Dương Quỳnh (1990) viết Thăm thẳm mùa hè, Nhật Phi (1991) viết Người ngủ thuê, Phạm Bá Diệp (1991) viết Urem người đang mơ, Đức Anh (1993) viết Đảo bạo bệnh, Huỳnh Trọng Khang (1994) viết Mộ phần tuổi trẻ, Đặng Hằng (1995) viết Nhân gian nằm nghiêng, Nguyễn Bình (2001) viết Cuộc chiến với hành tinh Fantom, Cao Việt Quỳnh (2008) viết Người Sao Chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới… thì trước đó họ biết đi “thực tế sáng tác” ở đâu, khi mà cái gọi là “hiện thực” trong các truyện dài / tiểu thuyết của họ đều hoặc là “ngoài hiện thực” hoặc là thuộc về thời đại mà họ chưa được sinh ra?

Những người viết trẻ ở đâu trên bản đồ văn chương?

Nhiều người kêu vì thiếu vốn sống thực tế nên một bộ phận người viết trẻ, như vừa kể, không thể trực chiến áp sát đời sống, mà buộc phải lấp đầy cái viết của mình bằng các thể tài lịch sử, trinh thám, fantasy, hoặc bằng cách liên văn bản đến những tác phẩm văn học kinh điển trong vốn đọc của mình. Nhận định này xem ra chưa đúng và trúng. Bởi vốn sống thực tế hay vốn sống sách vở hay vốn sống tưởng tượng thì cũng đều là “tài sản lớn của nhà văn. Mỗi chủ thể viết sẽ tận dụng và phát huy tối đa cái lưng vốn mà mình đầy nhất, từ đó lựa chọn cách thế văn chương mà mình thuận tay nhất. Ngày nay, một khi người đọc đã bội thực với “hiện thực” được cập nhật từng khắc bởi truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là mạng xã hội, thì họ tìm đến văn chương không phải để “nhận thức” thực tại. Họ phiêu lưu thám mã vào thế giới bên ngoài thế giới, để mơ tưởng, để giải trí, để tìm quên; hoặc dò vục vào lịch sử, để truy vấn, để nhắc nhớ, để dự phóng. Mà suy cho cùng, chẳng có cái viết nào của những người viết trẻ lại vô can với thời tiết chính trị, văn hóa, xã hội của thời đại mà họ thuộc về.

Mỗi người viết trẻ hôm nay là một “người chữ”, nên họ trình hiện mình đầy bản lĩnh tự tin với phông nền văn hóa, văn chương, triết mỹ vững chắc. Họ chối từ kiểu viết bản năng, ăn may, “tự ăn mình”. Họ ý thức cao độ, rằng muốn đi đường dài với văn chương thì phải không ngừng tích nạp tinh hoa tri thức nhân loại. Họ thường khi là những tay bút “đa năng”, “nhiều trong một”. Chẳng hạn, Văn Thành Lê (1986): Nhà văn - nhà phê bình; Đào Lê Na (1986): Nhà phê bình - nhà văn; Nguyễn Thúy Hạnh (1987): Nhà thơ - dịch giả - nhà phê bình; Hà Hương Sơn (1987): Nhà thơ - nhà văn; Lữ Mai (1988): Nhà thơ - nhà văn; Nguyễn Thị Kim Nhung (1990): Nhà thơ - nhà văn; Nguyễn Thị Thùy Linh (1991): Nhà thơ - dịch giả - nhà văn; Meggie Phạm (1991): Nhà văn - nhà phê bình; Hiền Trang (1993): Nhà văn - nhà phê bình - dịch giả; Phạm Thu Hà (1996): Nhà văn - dịch giả; Nguyễn Đình Minh Khuê (1996): Nhà phê bình - nhà văn; Lê Quang Trạng (1996): Nhà văn - nhà thơ; Hương Giang (1997): Nhà thơ - nhà phê bình…

Những người viết trẻ họ ở đâu trên bản đồ văn chương của Hội Nhà văn Trung ương? Họ vắng mặt từ danh sách hội viên (trừ một vài cái tên như Văn Thành Lê, Lữ Mai, Đinh Phương), đến danh sách giải thưởng 5 năm, hằng năm, đến cả danh sách khách mời các kỳ cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo (trừ hội nghị viết văn trẻ toàn quốc nếu diễn ra vào thời điểm họ đang còn “trẻ”).

Người viết trẻ hôm nay như lũ bồ câu cánh trắng/ vãi từng chùm tự do lên cao (thơ Hoàng Thúy, 1992). Những động thái mới của Hội Nhà văn Việt Nam hy vọng sẽ là trợ lực đắc dụng để họ vươn sải những đường bay. 

Nhà phê bình HOÀNG ĐĂNG KHOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top