Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nhân lực ngành Bảo tàng đang thiếu

Thứ Tư 12/05/2021 | 11:13 GMT+7

VHO- Hiện nay Khoa Di sản văn hóa - Trường ĐH Văn hóa TP.HCM là đơn vị duy nhất khu vực phía Nam đào tạo nguồn nhân lực này với ngành Bảo tàng học và chuyên ngành Quản lý Di sản văn hóa và Phát triển du lịch.

 Sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo tàng - Trường ĐH Văn hóa TP.HCM (ngoài cùng bên trái) thuyết minh tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (TP.HCM)

Tính đến nay, Khoa Di sản văn hóa đã đào tạo được hơn 1.000 cán bộ bảo tàng cho khu vực Nam Bộ với các hình thức chính quy và vừa làm vừa học. Cử nhân tốt nghiệp ra trường đã phát triển sự nghiệp trong các bảo tàng, các di tích và điểm di sản, bộ phận quản lý di sản ở các tỉnh, thành và các viện, trung tâm nghiên cứu, trường học…

Theo ông Nguyễn Đình Thịnh, Phó Trưởng khoa Khoa Di sản văn hóa, nội dung đào tạo ngành Bảo tàng học cung cấp lý thuyết đương đại và thực hành công việc bảo tàng, bảo tồn di tích. Chương trình cung cấp kỹ năng và thái độ về quy trình vận hành, quản lý các bảo tàng, nhìn nhận vai trò của bảo tàng đối với cộng đồng, nhấn mạnh đến nghiên cứu liên ngành về bảo tàng và di sản. “Chúng tôi luôn chú trọng đổi mới nội dung đào tạo, để mang lại cho sinh viên hành trang vững vàng trước những thách thức của công việc tại bảo tàng và các điểm di sản”, ông Thịnh cho biết và thông tin thêm, những thách thức của thế kỷ 21 và việc mở rộng du lịch di sản trên toàn thế giới đã làm tăng nhu cầu về các chiến lược quản lý, bảo tồn, diễn giải và phát huy giá trị di sản. Từ năm 2020, Khoa Di sản văn hóa đã triển khai đào tạo bậc đại học chuyên ngành Quản lý Di sản văn hóa và Phát triển du lịch (thuộc ngành Quản lý văn hóa), nhằm mục đích khám phá bản chất đa ngành của môi trường di sản và du lịch.

 Sinh viên Khoa Di sản văn hóa trong một chuyến đi thực tế

Chương trình này trang bị cho các bạn biết, hiểu, phân tích, tổng hợp, đánh giá bối cảnh rộng lớn của các vấn đề về di sản văn hóa và du lịch, bao gồm các loại hình, quy trình, các xu hướng xã hội, môi trường; cùng với các phương pháp tích hợp để quản lý các mối quan hệ đối tác trong cộng đồng và các bên liên quan. Nói cách khác, sinh viên sẽ học cách hiểu tất cả các khía cạnh của lý thuyết và thực hành quản lý di sản, phát triển du lịch.

Theo Khoa Di sản văn hóa, từ năm 2018, Nhà trường đẩy mạnh việc đào tạo theo định hướng ứng dụng, kết hợp dạy lý thuyết gắn với thực hành, tổ chức các chuyến đi thực tế về địa phương, nơi có những di sản văn hóa để sinh viên tìm hiểu, vừa để các em bổ sung kiến thức, vừa trau dồi thêm kỹ năng, từng bước làm quen với ngành nghề. Trong quá trình đào tạo, Nhà trường thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành để giảng dạy một số học phần, giao lưu và trao đổi chuyên đề với sinh viên, từ đó, các em tự tin và mở rộng mối quan hệ trong quá trình làm việc, nghiên cứu sau này. Sinh viên Nhà trường cũng được tạo điều kiện, kết nối thực tập tại các địa phương, đơn vị như bảo tàng, nhà truyền thống, khu di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, các cơ quan, tổ chức nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa, các điểm di sản, công ty du lịch,… để học tập được nhiều kinh nghiệm, gắn bó tạo cơ hội tìm việc khi tốt nghiệp.

“Mặc dù nhân lực ngành di sản văn hóa nói chung cũng như nhân lực ngành bảo tàng được đào tạo đúng chuyên môn còn khá mỏng, thiếu và yếu tại nhiều địa phương, thế nhưng, chúng tôi cũng đang gặp khó khăn trong tuyển sinh. Cụ thể, năm 2019, trường đặt ra 20 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được một nửa, đến năm 2020 trường đã giảm chỉ tiêu nhưng số thí sinh chọn ngành này cũng rất thưa thớt”, đại diện Nhà trường tâm tư. Theo đó, nhằm tăng cường nguồn nhân lực, năm 2021 này, Nhà trường tuyển sinh 30 chỉ tiêu cho ngành Bảo tàng học và 30 chỉ tiêu chuyên ngành Quản lý Di sản văn hóa và Phát triển du lịch, theo các tổ hợp môn C00 (Văn-Sử-Địa), D01 (Văn-Toán-Tiếng Anh), D09 (Toán-Sử-Tiếng Anh) và C15 (Văn-Toán-KHXH). “Di sản hay Bảo tàng - vẫn là những thuật ngữ mơ hồ và chưa thân thiện với các bạn trẻ. Bản thân Khoa Di sản văn hoá chúng tôi cũng mới dừng lại ở việc hỗ trợ người học nhận diện các giá trị, bản sắc, mà chưa thực sự tạo cảm hứng, khơi dậy sự sáng tạo và năng động của các bạn trẻ trên nền tảng di sản. Đây chính là thách thức mà Khoa đang cố gắng vượt qua”, ông Thịnh chia sẻ. Cũng theo đại diện Nhà trường, trước thực tế các chuyên ngành như Quản lý di sản văn hóa, Bảo tàng học, Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam,... đang thiếu nhân lực được đào tạo bài bản ở các địa phương, thời gian qua hệ thống các bảo tàng luôn gắn kết chặt chẽ với Nhà trường trong việc hỗ trợ sinh viên thực tập cũng như phối kết hợp để thực hiện các công việc chuyên môn trong đào tạo, nghiên cứu, nhờ đó, nguồn nhân lực này được cải thiện đáng kể. 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top