Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Trong những ngày phòng, chống dịch bệnh: Ứng xử có trách nhiệm cao nhất với cộng đồng

Thứ Bảy 05/06/2021 | 11:20 GMT+7

VHO- Những đợt dịch Covid-19 bùng phát buộc người dân phải đối diện với khó khăn chồng chất, bao trùm lên tất cả là nỗi ám ảnh, lo lắng. Thế nhưng, đây cũng là những khoảng thời gian để mỗi người tự mình sống chậm lại, để thấy được trách nhiệm chung tay với cộng đồng xây dựng lối sống, hành vi ứng xử văn hóa, vì sự an toàn trước dịch bệnh.

 Đôi bạn trẻ quyết định dừng đám cưới vì sự an toàn phòng, chống dịch

Những cách sẻ chia đùm bọc, những đám cưới, đám tang văn minh, chấp nhận mọi thiệt hại để dừng lại cuộc vui… đều là cách thể hiện văn hóa ứng xử ý nghĩa của mỗi cá nhân trước cộng đồng. Những ngày qua, chúng ta một lần nữa chứng kiến nhiều hành động đẹp, những nghĩa cử vì cộng đồng, gác lại niềm riêng vì mối quan tâm chung của toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch hoành hành.

Gọi những đám cưới tạm hoãn, những đám tang rút ngắn tối đa thời gian và thủ tục theo tinh thần vận động cấp thiết của Hà Nội là những hành động đẹp vì cộng đồng, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam chia sẻ, ông đánh giá cao nỗ lực của nhiều địa phương trong việc sớm vận động người dân hoãn, huỷ đám cưới để phòng dịch. Tổ chức đám cưới là một trong những việc lớn trong đời mỗi người, là sự kiện đem lại niềm vui cho hai bên họ hàng. Chính vì thế, nếu không vì một nguyên nhân thực sự quan trọng, không ai mong muốn hoãn ngày vui trọng đại này. Với những “người trong cuộc”, việc phải đưa ra quyết định dừng lại ngày vui chẳng hề dễ dàng. Thế nhưng, khi dịch bệnh hoành hành, chúng ta lại được thấy tận mắt việc nhiều gia đình và các đôi bạn trẻ sẵn sàng làm những điều không dễ dàng ấy. Chỉ riêng huyện Đông Anh (Hà Nội) trong vài ngày vận động đã dừng, hoãn và thu gọn quy mô gần 100 đám cưới. Một gia đình ở tỉnh Hà Tĩnh cũng quyết định dừng đám cưới ngay đêm trước ngày cử hành hôn lễ, gia đình chú rể may mắn được dân làng ủng hộ “giải cứu” 150 mâm cỗ đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm từ trước. Nhiều trường hợp khác cũng chủ động dừng, tạm hoãn hôn lễ để đảm bảo an toàn cho gia đình, cộng đồng.

Có muôn vàn lý do để giải thích cho những lựa chọn của mình, dù là theo chiều hướng nào. Đôi bạn trẻ Phương-Thọ ở huyện Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chọn cách vui vẻ thông báo việc dừng tiệc cưới dù thiệp mời đã gửi từ lâu. “Hẹn mọi người trong một ngày gần nhất khi dịch bệnh được kiểm soát an toàn. Đám cưới là dịp chung vui, là dịp để mọi người gặp nhau và hàn huyên nên hãy để dịp đó thật trọn vẹn, phải vui và khỏe nữa. Vì sức khỏe của những người yêu quý nhất của mình, mọi người thông cảm nhé!”, lời bày tỏ của cô dâu nhận được nhiều chia sẻ và chúc mừng của bè bạn, người thân. Đề cập đến văn hóa ứng xử, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình hiện nay, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, với nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là sự chung tay, góp sức của cộng đồng, việc phòng, chống dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Tuy vậy, mỗi cá nhân không thể được phép chủ quan khi thực tế hiện nay dịch vẫn tiếp diễn vô cùng phức tạp. Vì lý do đó, hy sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích chung của cộng đồng cần phải được xem là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân. Niềm vui của mỗi người chỉ có thể trọn vẹn trong niềm vui chung của cả cộng đồng, cả dân tộc. “Vì thế, hành động đúng đắn, kịp thời của Hà Nội cũng là vì lợi ích chung của mọi người, và mỗi người cần tuân thủ và tôn trọng quyết định đó để chúng ta sớm có được cuộc sống bình thường, ở thời điểm mà hạnh phúc của mỗi cá nhân được hoà cùng với niềm vui, hạnh phúc, sự an toàn chung của cả cộng đồng”, ông Sơn chia sẻ.

Thế nhưng, bên cạnh những tấm gương tích cực, vẫn còn không ít người có tâm lý chủ quan, lơ là, thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm với cộng đồng và với chính bản thân. Các nhà quản lý văn hóa cho rằng, trong khi thứ “vũ khí” hữu hiệu nhất mà mỗi người dân cần tự xây dựng và tham gia xây dựng ở thời điểm này là ý thức văn hóa ứng xử trong cộng đồng thì thực tế, vẫn có nhiều trường hợp cố tình vi phạm các quy định như không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện quy định giữ khoảng cách, không khai báo y tế trung thực hoặc thường xuyên ra ngoài khi không cần thiết, quán xá vẫn đông đúc, bất chấp khuyến cáo và những nỗ lực vì sự an toàn của cộng đồng. Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay cho thấy bài học về việc không thể chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch vẫn nguyên giá trị.

Dịch bùng phát cũng khiến mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo và đời sống bị ảnh hưởng nặng nề. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc tạm dừng các hoạt động này ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tinh thần của nhân dân, bởi giai đoạn khó khăn chính là khi chúng ta cần sự an ủi về tinh thần. Đó cũng chính là vai trò của các hoạt động văn hoá nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khẳng định, dừng các sự kiện tập trung đông người là một việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi mà dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Các sự kiện văn hoá nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo luôn có sự tham gia của rất nhiều người, và có nguy cơ cao trở thành các sự kiện siêu lây nhiễm trong cộng đồng. Vì thế, tạm dừng các sự kiện, hoạt động này là một cách để tránh nguy cơ mất kiểm soát nếu xảy ra sự cố liên quan đến các ca nhiễm bệnh cụ thể.

Đứng trước những yêu cầu như đóng cửa các di tích, cơ sở tôn giáo hay tạm dừng các hoạt động lễ hội, văn hóa tập trung đông người, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, rất cần có sự thấu hiểu và thông cảm từ phía người dân đối với những nỗ lực chung. Dịch bệnh là mối nguy cơ lớn đối với cộng đồng. Trong lúc này, an toàn sức khoẻ của mỗi người và cả cộng đồng chính là ưu tiên lớn nhất. Giữ an toàn sức khoẻ cho mình và cho mọi người xung quanh vừa là mệnh lệnh của trái tim, vừa là trách nhiệm đạo đức của mỗi công dân. “Chúng ta mong muốn từ nỗ lực của mỗi người, cuộc sống sẽ nhanh chóng trở lại bình thường, nhờ đó, những nhu cầu văn hoá nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng của người dân lại được thực hiện trở lại. Đó là mong muốn của mỗi người dân, cũng là mong muốn chung của cả đất nước”, ông Sơn nhấn mạnh. 

 HOÀNG NGÂN

 (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top