Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Học tập bằng trải nghiệm văn hóa, lịch sử

Thứ Sáu 14/05/2021 | 10:56 GMT+7

VHO- Dấu ấn Việt Nam, Hà Nội trong mắt tôi, Sắc màu Cố đô… là tên các dự án học tập liên môn và trải nghiệm văn hóa, lịch sử mà Trường PT liên cấp Olympia Hà Nội đã thực hiện. Bản sắc văn hóa dân tộc được đề cao, thể hiện xuyên suốt qua các dự án, và đặc biệt, học sinh tham gia dự án sẽ được tính điểm thay thế bài kiểm tra học kỳ.

 Học sinh trường Olympia báo cáo kết quả trải nghiệm môn Địa lý

Phương pháp học độc đáo này bám sát với định hướng phát triển năng lực học sinh và theo tinh thần chung của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia mới.

Học sinh được tiếp cận thường xuyên với văn hóa truyền thống

Dự án được nhen nhóm ý tưởng từ vài năm trước, do một nhóm giáo viên trong trường khởi xướng, nay đã đi vào thực hành. Theo đó, học sinh khối 9 và khối 10 sau khi làm các bài nghị luận xã hội và hùng biện về văn hóa, văn học dân gian sẽ được đi trải nghiệm tại Bắc Ninh, tham quan làng Đông Hồ để gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân. Dự án liên môn và học tập trải nghiệm tại Huế của khối 11 với Sắc màu Cố đô đã tìm về với kiến trúc lăng tẩm, đền đài, ẩm thực, tôn giáo, trang phục… Ở cấp tiểu học, dự án Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn đã chuyển thể và biểu diễn các tác phẩm kịch ngắn bằng song ngữ Việt - Anh tại Nhà hát Olympia. Các em đã được hưởng không khí “ngày hội” sân khấu đúng nghĩa khi được hóa thân, nhập vai vào các câu chuyện cổ, truyện ngụ ngôn và có những trải nghiệm quý giá khi được đi xem kịch tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Tiếp đó, cấp THCS với các dự án học tập và trải nghiệm tại Ninh Bình, Đông Anh (Hà Nội), Thái Nguyên… đã từng bước hình thành và củng cố cho học sinh năng lực học tập đặc thù và chuyên biệt theo lứa tuổi, cấp độ.

Ở khối THPT, dự án Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc - Phần 1 của khối 10 là sự kết hợp, đồng hành 5 môn học: Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Lịch sử. Các em sẽ học về sử thi Đẻ đất đẻ nước và được đi trải nghiệm tại Bảo tàng dân tộc Mường và khu nhà dân tộc Mường tại Mường Bi - Hòa Bình. Dự án Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc - Phần 2 của khối 11 là sự kết hợp và đồng hành 4 môn học: Ngữ văn, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Các em sẽ học về thể loại truyện thơ dân gian của dân tộc Thái, sau đó được đi học tập trải nghiệm tại Bảo tàng dân tộc Thái (Mai Châu - Hòa Bình) và bản Dọi (Mộc Châu - Sơn La).

Còn khi tham gia dự án Hà Nội trong mắt tôi với các tác phẩm viết về Hà Nội qua các thời kỳ như ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), tùy bút Hà Nội 36 phố phường (Thạch Lam), cuốn sách Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng)… học sinh sẽ được tới thăm nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và các địa danh nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Những trải nghiệm thú vị thu hút hứng thú của học sinh

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thủy, phụ trách bộ môn Văn - Tiếng Việt chia sẻ, mỗi dự án là một chuỗi đơn vị kiến thức bài học trong chương trình, chỉ khác là có sự ưu tiên và sắp xếp lại trong quá trình tổ chức giảng dạy để thực hiện đúng theo yêu cầu đổi mới giáo dục, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Sơ bộ đánh giá trong hai năm học vừa qua, dự án đã góp phần không nhỏ giúp các em có cái nhìn đầy đủ, chân thực, toàn diện, khách quan hơn về bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các phương diện như ngôn ngữ - văn học nghệ thuật, phong tục tập quán, kiến trúc, tín ngưỡng - tâm linh, trang phục, ẩm thực, lễ hội, trò chơi dân gian… Từ đó, củng cố và bồi dưỡng thêm lòng tự hào về truyền thống của cha ông, tình yêu, sự trân trọng, ý thức bảo tồn, gìn giữ và quảng bá cũng như ý thức trách nhiệm công dân đối với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc.

Có thể thấy, phương pháp dạy và học bằng các dự án trải nghiệm thực sự thu nhận được những kết quả ưu việt, phát huy tối đa tiềm năng về sự sáng tạo, kết nối, năng lực tự chủ, tư duy nghiên cứu và phẩm chất của học sinh. Phương pháp này đã “lấy học sinh làm trung tâm” ngay từ khi khảo sát ý kiến và nguyện vọng của các em để triển khai. Ở đó, giáo viên đóng vai trò điều phối, hướng dẫn tổ chức và trao quyền làm chủ cho học sinh, giúp cho các em có cơ hội cọ xát và thể hiện, khẳng định bản thân…

Quá trình dạy học dự án tại trường Olympia đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo giáo viên, học sinh, tạo nên một môi trường học tập có tính cộng đồng, lan toả, truyền cảm hứng và thu nhận được rất nhiều phản hồi, cảm xúc tích cực, nhân văn. Lượng kiến thức mà học sinh thu nhận được cũng cao hơn hẳn. Trên cơ sở đó, nhà trường cho biết sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng phương pháp này theo quy mô và tính chất khác nhau, tuỳ thuộc vào khối lớp, đối tượng, trình độ học sinh và quan trọng nhất là nội dung chương trình của mỗi môn học sẽ góp phần phát huy tối đa sự sáng tạo của cả thầy và trò. 

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top