Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nạo vét, khơi thông và xây kè sông Cổ Cò Quảng Nam - Đà Nẵng: Nguy cơ bờ kè phá vỡ cảnh quan, sinh thái

Thứ Sáu 14/05/2021 | 11:32 GMT+7

VHO- Đề xuất cần giữ lại cho được không gian, cảnh quan di tích khu vực Ngũ Hành Sơn, ngành văn hóa TP Đà Nẵng cho biết đang tiếp tục có những ý kiến tham mưu với cấp có thẩm quyền trong việc điều chỉnh thiết kế dự án bờ kè sông Cổ Cò nối liền hai vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng.

 Cảnh quan sinh thái khu dân cư Ngũ Hành Sơn quanh khu vực bờ kè

Hồ sơ dự án nạo vét thoát lũ sông Cổ Cò đoạn qua địa phận TP Đà Nẵng do Sở Xây dựng thẩm định và được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tại quyết định số 5020/QĐ-UBND ngày 31.10.2019.

Cân nhắc khi thiết kế, thi công bờ kè qua Ngũ Hành Sơn

Theo hồ sơ đã phê duyệt, đối với đoạn qua Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn có chiều dài tuyến kè là 1.413,92m với kết cấu tuyến kè bảo vệ dạng tường bê tông cốt thép đặt trên móng cọc, cao độ đỉnh tường theo quy hoạch là +3,32m. Tổng mức đầu tư hơn 486 tỉ đồng. Theo văn bản của BQL Dự án ĐTXD các công trình NN&PTNT gửi Sở VHTT Đà Nẵng, “hồ sơ thiết kế thi công được duyệt dựa trên quy hoạch đã duyệt, đơn vị tư vấn đã xét đến cao độ của tất cả các dự án lân cận và dựa trên mô hình thủy lực thủy văn, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt”.

Dự kiến trong tương lai, khi dự án được hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, du lịch, văn hóa đối với cả 2 địa phương. Về thẩm mỹ, cảnh quan hai bên bờ sông Cổ Cò sẽ được thiết kế bắt mắt, xung quanh hình thành các khu đô thị để tạo nên sự đồng bộ như đầu tư bến đón trả khách và neo đậu tàu thuyền phục vụ tàu du lịch tại vị trí trước chùa Quán Thế Âm… Theo quan sát, hiện nay bờ kè tiếp giáp với vùng dân cư với cảnh đẹp trong lành, nguyên sơ hiếm có, phong cảnh hữu tình với những mảnh vườn, bóng cây xanh mát, dân cư bản địa thân thiện sinh sống lâu đời. Đây cũng là vùng đất tập trung tới 13 ngôi miếu thờ tâm linh lớn, nhỏ của người dân địa phương. Khu vực an cư như một dải lụa xanh chạy dài suốt bờ sông và nối liền với chùa Quán Thế Âm hùng vĩ. Nhận ra giá trị du lịch của khu vực này, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã đề nghị thành phố đưa vào khai thác, tận dụng khi thành phố bắt đầu triển khai phát triển kinh tế đêm, trong đó tạo cơ sở hạ tầng cho các tour du lịch, lối đi bộ, xe đạp, xe điện nhằm khai thác đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên sông Cổ Cò sau này.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, nhận thấy nếu giữ đúng chiều cao bờ kè như thiết kế thì khi bờ kè chạy qua đoạn di tích Ngũ Hành Sơn sẽ tạo thành một tấm “lá chắn bê tông” ngăn cách giữa dòng sông và cảnh quan tự nhiên nói trên, có nguy cơ phá vỡ bức tranh sinh thái, mất đi giá trị về du lịch sau này. Thậm chí, người dân ở đây còn ví von, nếu bờ kè được dựng sẽ chắn khuất tầm nhìn, lúc đó khu vực dòng sông Cổ Cò hoang sơ, lừng lững bây giờ sẽ không khác gì… hòn non bộ nhân tạo. “Dự án hoàn thành sẽ tận dụng phong cảnh hai bên bờ sông Cổ Cò để thiết kế, khai thác du lịch đường thủy nội địa, phục vụ khách người dân và du khách. Thế nhưng với thiết kế ban đầu nếu ngồi dưới lòng thuyền mà nhìn lên, bờ kè cao hết 1,5m thì hoàn toàn chắn hết tầm nhìn của du khách. Làng mạc, cây xanh, thậm chí không gian ngôi chùa Quán Thế Âm kỳ vĩ sẽ “biến mất” khỏi tầm mắt, chẳng khác nào bị nhốt giữa lòng sông. Hơn nữa với vị trí và ý nghĩa đặc biệt như khu vực chùa Quán Thế Âm thì thiết kế cần phải mềm mại và uyển chuyển hơn chứ không thể làm bờ kè cao và thẳng đứng như các vị khí khác”, một cán bộ quận Ngũ Hành Sơn nhận xét.

 Dòng sông Cổ Cò chảy dài phía xa là chùa Quán Thế Âm nổi tiếng

Phải giữ gìn cảnh quan, bảo vệ di tích

Nhằm hướng tới mục đích cao nhất là bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di tích quốc gia đặc biệt, vùng đất văn hóa tâm linh, Ban quản lý khu Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết đơn vị đã nhiều lần có ý kiến tham mưu với lãnh đạo quận, Sở VHTT về việc điều chỉnh thiết kế bờ kè sông Cổ Cò qua khu vực chùa Quán Thế Âm.

Tại cuộc họp vào cuối tháng 4.2021 giữa Sở VHTT Đà Nẵng, lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn, lãnh đạo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, lãnh đạo các bên đã đi đến thống nhất là phải giữ gìn, bảo tồn xung quanh khu vực di sản. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đã đề nghị các bên phối hợp, tham mưu để lựa chọn cao trình đỉnh kè phù hợp với cao độ địa hình hiện trạng tại khu vực phương án thiết kế, đảm bảo hài hòa cảnh quan. Riêng đối với đoạn kè đi qua khu danh thắng Ngũ Hành Sơn: Thống nhất đề nghị điều chỉnh hạ cao độ đỉnh kè cao hơn so với cao độ đường bê tông hiện trạng khoảng 0,3m. Sử dụng giải pháp thiết kế kè mềm, đồng thời tạo cảnh quan cho khu di tích và khu vực; quản lý quy hoạch, kiến trúc đối với khu dân cư liên quan đến nghề truyền thống cho phù hợp với cảnh quan và dự án.

Đối với phần móng kè phải được thiết kế và thi công đảm bảo khả năng chịu lực khi cần thiết sau này nâng cao trình đỉnh kè đảm bảo tần suất lũ là 5%. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng yêu cầu công trình phải định hướng kết nối các điểm di tích trong tổng thể danh thắng, vừa phát huy vừa giữ gìn bảo vệ các giá trị di tích, đặc biệt đối với khu tái hiện làng nghề đá truyền thống, lãnh đạo TP nhấn mạnh chỉ tổ chức trình diễn nghề, trưng bày sản phẩm chứ không được sản xuất các sản phẩm lớn gây ảnh hưởng môi trường trong khu vực. Đại diện các ban, ngành liên quan cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp bảo vệ, phát triển đối với dân cư dự kiến giữ lại, nhằm bảo tồn hình thái làng quê, đồng thời lưu tâm đến diện tích mặt nước trong toàn khu danh thắng, đảm bảo hài hòa yếu tố Non Nước; rà soát và giữ lại các nhà cổ có giá trị tại phía Đông và Tây của tuyến đường Bùi Thế Mỹ; nghiên cứu bổ sung vị trí nghiên cứu bảo tồn làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ ở ngọn núi Mộc Sơn gần đền Thạch nghệ tổ sư; bổ sung quy hoạch cảnh quan Long Hoa đại cảnh, Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ quận Ngũ Hành Sơn ở vị trí tiếp giáp giữa chùa Long Hoa và Chùa Giác Hoàng Viên… 

NGỌC HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top