Quảng cáo trên mạng xã hội và trách nhiệm của người nổi tiếng (Bài 4)​​​​​​​: Cần chế tài xử phạt nghiêm minh

VHO- Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn (ảnh bên) cho rằng, quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội là một trong những nguồn thu nhập chính của nhiều nghệ sĩ hiện nay. Nhưng thực tế, có không ít người vì lợi ích trước mắt bất chấp hậu quả để đưa đến công chúng những quảng cáo sai sự thật.

 Dư luận cho rằng, để tăng tính răn đe, các cơ quan chức năng cần có chế tài cụ thể quy định xử phạt người nổi tiếng bởi những hành vi này.

Quảng cáo trên mạng xã hội và trách nhiệm của người nổi tiếng (Bài 4)​​​​​​​: Cần chế tài xử phạt nghiêm minh - Anh 1

 Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

P.V: Trước thực trạng ngày càng có nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội nhưng chế tài ràng buộc, xử phạt còn chưa cụ thể, ít tính răn đe, ông có quan điểm như thế nào?

- Ông Nguyễn Trường Sơn: Đã là nghệ sĩ nổi tiếng thì đương nhiên có nhiều người hâm mộ, tiếng nói có trọng lượng, vì vậy, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật là điều thực sự nguy hiểm. Luật Quảng cáo đã có quy định xử phạt đối với các hành vi này, nhưng việc quảng cáo sai sự thật của người nổi tiếng thì hậu quả để lại lớn hơn rất nhiều, bởi họ mang chính uy tín của mình để thuyết phục cộng đồng, nhất là với các quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Chúng ta trân trọng nghệ sĩ, mong muốn họ có thu nhập chính đáng để có điều kiện trau dồi thanh, sắc, nhưng nếu nghệ sĩ làm sai thì phải xử lý. Luật Quảng cáo từ năm 2013 đã lạc hậu với tốc độ phát triển của quảng cáo sử dụng công nghệ. Nếu đăng tải quảng cáo trên báo chí chính thống, khi sai sẽ phạt Tổng biên tập. Nếu quảng cáo đăng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube... thì phải có chế tài xử phạt cụ thể hơn nếu quảng cáo đó sai sự thật. Trong nhiều trường hợp, nghệ sĩ quảng cáo theo kiểu nói lại những nội dung được nhãn hàng thuê mà không nhận thức rằng chính lời nói của họ sẽ tác động đến công chúng. Thực tế này cho thấy, cần có những chế tài chi tiết hơn để ràng buộc, điều chỉnh hành vi của các nghệ sĩ, người nổi tiếng khi quảng cáo trên mạng xã hội.

Không ít nghệ sĩ đã vất vả xây dựng tên tuổi nhưng phút chốc đã bị hủy hoại bởi những quảng cáo không đảm bảo thông tin chính xác. Theo ông, cần có giải pháp gì?

- Chắc chắn sẽ phải phạt một vài người để làm gương. Nghệ sĩ luôn muốn bảo vệ uy tín của họ, khi cộng đồng ngoảnh mặt, tẩy chay thì tự họ sẽ nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình. Đã là nghệ sĩ thì ai cũng mong muốn được “phủ sóng” càng nhiều càng tốt. Quảng cáo với họ là một “kênh” để thực hiện điều đó. Vì vậy, nếu đánh giá tất cả các nghệ sĩ đều vì trục lợi, vì kinh tế mà quảng cáo sai sự thật là chưa chính xác. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, các cơ quan báo chí, truyền thông cần phát huy hơn nữa vai trò định hướng dư luận, tạo hiệu ứng từ cộng đồng, tẩy chay những nghệ sĩ cẩu thả khi đưa thông tin sai sự thật qua quảng cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần phải luật hóa, quy định các nền tảng mạng xã hội, các công ty công nghệ truyền thông xuyên quốc gia phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại.

Quảng cáo trên mạng xã hội và trách nhiệm của người nổi tiếng (Bài 4)​​​​​​​: Cần chế tài xử phạt nghiêm minh - Anh 2

 Quảng cáo của diễn viên Vân Dung đã khiến nhiều người mất tiền oan

 Vậy những chế tài cụ thể cần có là gì, thưa ông?

- Luật đã quy định nhưng cần làm rõ thêm đối với người nổi tiếng thì chế tài xử phạt sẽ như thế nào? Mặt khác, luật cũng đã quy định thế nào là quảng cáo sai sự thật. Cũng phải thấy rằng, quảng cáo là ngành sáng tạo, họ sẽ có nhiều tiểu xảo để khó phân định có phải nói quá sự thật không. Vì vậy, tôi cho rằng, Luật là một chuyện nhưng ý thức tự giác của mỗi người là điều quan trọng hơn. Luật cần chi tiết nhưng cũng không thể nào chi tiết được hết các trường hợp, trong khi cuộc sống là muôn hình vạn trạng. Nhiều nghệ sĩ nói họ bị lợi dụng bởi các nhãn hàng. Nhưng hợp đồng kinh tế nào cũng vậy, bên nào cũng muốn lợi dụng đối tác. Đã là công dân thì phải nắm được các quy định pháp luật, huống chi là những nghệ sĩ nổi tiếng, không thể bao biện mình bị lợi dụng.

 “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”. Ông muốn nói gì với các nghệ sĩ trong việc giữ gìn hình ảnh của mình khi tham gia quảng cáo trên mạng?

- Trên thực tế, nhiều khi những nhãn hàng không đảm bảo chất lượng có khi còn trả tiền hậu hĩnh hơn để thuê các nghệ sĩ nói quá, thổi phồng. Bởi vậy, điều bắt buộc đối với các nghệ sĩ là phải giữ gìn hình ảnh, không chỉ bề ngoài mà còn là nhân cách. Nghệ sĩ phải không scandal mới tồn tại được trong lòng công chúng. Tôi nghĩ rằng qua những phản ứng của dư luận, các nghệ sĩ sẽ ý thức hơn về sự cẩn trọng khi nhận các sản phẩm quảng cáo. Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam thời gian qua cũng đã thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành trong phát hiện những quảng cáo sai sự thật. Chúng tôi cũng thường xuyên kết nối, mời nghệ sĩ quảng cáo cho một số nhãn hàng uy tín, tất nhiên những gương mặt được lựa chọn cũng phải uy tín. Với vai trò cầu nối, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam mong muốn nhắn nhủ tới các nghệ sĩ rằng hãy lựa chọn những phương tiện truyền thông chính thống. Hoặc khi quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội thì hãy lựa chọn những nhãn hàng có uy tín, sản phẩm đã được kiểm chứng.

 Xin cảm ơn ông!

 

Hội luôn nhắc nhở hội viên rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức

Hội Điện ảnh TP.HCM có trên 800 hội viên. Các hội viên, diễn viên được hoàn toàn tự do khi nhận hợp đồng, lời mời thực hiện quảng cáo cho các nhãn hàng, sản phẩm. Tuy nhiên, trong các sinh hoạt nội bộ định kỳ, Hội luôn nhắc nhở hội viên rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động nghề. Gần đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên Hội tạm dừng tổ chức các buổi sinh hoạt tập trung, chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP, Hội cũng đã đưa công văn lên website để các hội viên nắm rõ, từ đó có ý thức hơn cũng như có những chia sẻ, trao đổi liên quan đến nội dung này.

(Bà DƯƠNG CẨM THÚY, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM)

 Nghệ sĩ quảng cáo sai, sớm hay muộn cũng bị khán giả xem thường

Nghệ sĩ có quyền làm nghề tay trái để hỗ trợ cho nghề chính thức, nhưng làm nghề nào cũng phải đúng pháp luật. Đặc biệt, nghệ sĩ phải biết giữ hình ảnh, lòng tự trọng của mình và tôn trọng khán giả. Nếu mượn sự nổi tiếng để quảng cáo sai, cẩu thả trong nghề nghiệp thì sớm hay muộn cũng bị khán giả xem thường, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đặc biệt là những sản phẩm liên quan sức khỏe thì càng phải tìm hiểu thật kỹ, tuyệt đối tuân thủ pháp luật và cần thông qua khuyến cáo của cơ quan Y tế.

(Ông HUỲNH ANH TUẤN, Giám đốc sân khấu Idecaf, TP.HCM)

 Nghệ sĩ cần bản lĩnh và sự cân nhắc lý trí về tầm ảnh hưởng của mình

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đề nghị các Hội VHNT quản lý tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, vi phạm pháp luật như một động thái quan trọng trong quản lý chuyên môn trong hoạt động VHNT. Các nghệ sĩ phải hết sức nghiêm túc và cẩn trọng trong hoạt động nghề nghiệp cũng như cuộc sống. Điều này thể hiện đạo đức nghề, bản lĩnh nghề và sự cân nhắc có lý trí về tầm ảnh hưởng của mình với các tác động khi là người có sức ảnh hưởng đến xã hội… Tất cả những người nổi tiếng, người có hình ảnh, các nghệ sĩ, diễn giả, nhà quản lý và cả những cá nhân nhận được sự quan tâm của công chúng, cần phải hiểu tác động và sức mạnh của các phát ngôn, hành vi hay những biểu hiện liên quan đến đời sống của mình và nghề nghiệp để cẩn trọng. Việc thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng bá hay khai thác hình ảnh gắn liền với các sản phẩm chưa kiểm tra, kiểm duyệt và thậm chí là đồ giả, tác động tiêu cực và mang màu sắc trục lợi, cá cược, bài bạc... đều là những hành vi sai lầm rất đáng trách, không chỉ cần lời xin lỗi mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…

(TS ĐỖ TẤT THIÊN, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

THÙY TRANG (lược ghi)

 

  THU TRANG (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc