Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Tiết kiệm, sáng tạo trong phòng, chống dịch Covid- 19: Bài 1:  Mua giá đắt thì CDC Hà Nội tự gia công ống môi trường bảo quản mẫu bệnh phẩm

Thứ Tư 16/06/2021 | 13:32 GMT+7

VHO- Cho đến nay Việt Nam vẫn đang kiên trì theo đuổi phương pháp xét nghiệm trên diện rộng nhằm sàng lọc, tìm ra những bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Điều này được các chuyên gia đánh giá là “rẻ, tiết kiệm” hơn nhiều so với cách ly, giãn cách toàn xã hội, nhưng lại đã đặt gánh nặng lên vai lực lượng truy vết, lấy mẫu và xét nghiệm, cùng với đó là áp lực thời gian, không được phép chậm trễ, vì chậm 1 chút là nguy cơ bùng dịch ngoài cộng đồng. CDC Hà Nội cũng không nằm ngoài guồng quay ấy.

Áp lực thời gian, vật tư tiêu hao phục vụ công tác xét nghiệm

Ngày 15.6, Bộ Y tế công bố Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 1 bệnh nhân dương tính, đây là nhân viên phòng kế toán của Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, cứ thêm 1 bệnh nhân đồng nghĩa với việc sẽ có hàng trăm xét nghiệm sàng lọc phải thực hiện. Nhưng vẫn phải làm vì đây là biện pháp rẻ nhất, tiết kiệm nhất so với việc cách ly, giãn cách xã hội như các đợt dịch trước, bởi ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, đời sống kinh tế của người dân. Ngoài ra, việc xét nghiệm còn giúp cho ngành y tế có cơ sở để dự đoán nguy cơ lây nhiễm đến đâu, xu hướng phát triển của từng ổ dịch, khoanh vùng từng khu vực nhằm hạn chế bệnh nhân ra ngoài cộng đồng.

Nhân viên của CDC Hà Nội phải thực hiện xét nghiệm hàng ngàn mẫu/ngày để chạy đua với công tác phòng, chống dịch của TP

Có những thời điểm, khi bùng phát ở những đợt các đợt dịch, Hà Nội phải thực hiện xét nghiệm lên tới hàng chục nghìn người như ở làn sóng thứ 2 vào cuối tháng 7.2020, tổng số người từ Đà Nẵng trở về được xét nghiệm lên tới 70.000 người. Ở làn sóng thứ 3 (bùng dịch từ khu công nghiệp Hải Dương vào dịp Tết Nguyên đán 2021) và làn sóng thứ 4 (bùng dịch ở Hà Nam, sau đó lan đến Bắc Giang, Bắc Ninh bắt đầu từ ngày 27.4) thì số lượng xét nghiệm lên tới hàng trăm ngàn mẫu. Không chỉ áp lực từ tốc độ, thời gian, nhân lực mà CDC Hà Nội còn phải đối mặt với việc thiếu sinh phẩm, vật tư y tế tiêu hao.

Ngay từ làn sóng thứ 2 bắt nguồn tại Đà Nẵng, với số lượng người cần xét nghiệm ngày càng tăng, ban đầu chỉ ước tính khoảng 30.000 người, sau tăng lên 50.000 – 70.000 người trên phạm vi 30 quận, huyện, thị xã khiến CDC Hà Nội phải chạy đua với thời gian dù được Bộ Y tế chỉ đạo một số bệnh viện lớn hỗ trợ xét nghiệm. Thời điểm đó, toàn bộ nhân viên y tế Khoa xét nghiệm của phải căng mình làm việc, không biết đến uể oải, mệt nhọc, không biết đến ngày hay đêm mà chỉ biết làm việc và làm việc. Một trong lo lắng của lãnh đạo CDC Hà Nội là thiếu vật tư tiêu hao, mà đơn giản nhất là ống môi trường bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 nói trên. Ống này được dùng để được nhân viên sau khi lấy mẫu, bỏ vào ống và mang về phòng xét nghiệm. Nếu không có, thì không đảm bảo chất lượng của mẫu.

Điều trăn trở của lãnh đạo CDC là giá mua ống môi trường tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là 65.000 đồng/ống, nhưng đôi khi có tiền cũng không mua được vì khan hiếm, vì vậy, các kỹ sư, dược sĩ của CDC Hà Nội đã xoay sở để tìm cách tạo ra những chất môi trường tương tự nhưng tính ra giá thành cũng không kém nhiều, trong khi đó, việc đựng virus chỉ cần một thành phần đơn giản dung dịch truyền tĩnh mạch Natri Clorid 0,9%.

Tự gia công, sản xuất để tiết kiệm gần 10 lần so với giá mua

Và một bước ngoặt đã đến với bộ phận làm công tác truy vết, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi văn bản “Hướng dẫn tạm thời chuẩn bị môi trường vận chuyển mẫu bệnh phẩm dùng trong xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 dùng trong kỹ thuật RT-PCR” được Bộ Y tế ban hành vào ngày 23.9.2020 đã tháo gỡ vướng mắc về thiếu hụt ống môi trường. Tại văn bản này, Bộ Y tế cho phép các đơn vị xét nghiệm tự chuẩn bị ống môi trường phục vụ việc phát hiện SARS-CoV-2.

Từ trang thiết bị, máy móc có sẵn CDC Hà Nội tự gia công, sản xuất ống môi trường bảo quản mẫu bệnh phẩm

Chỉ chờ có vậy, CDC Hà Nội đã bắt tay ngay vào việc tự sản xuất ống môi trường để chủ động việc lấy mẫu xét nghiệm thay vì việc đi mua, mong ngóng, lo lắng vì thiếu vật tư. Chị Đào Thị Dung, dược sĩ Khoa Xét nghiệm cho biết, Khoa đã được trang bị các thiết bị có sẵn để sản xuất các ống môi trường phục vụ việc xét nghiệm cho các loại vi khuẩn virus khác nên việc sản xuất chia, tách môi trường để bảo quản mẫu bệnh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 không gặp khó khăn gì, mà giá thành sản xuất ra lại khá rẻ so với giá mua.

“Ống môi trường của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có nhiều thành phần, hóa chất đắt tiền để phục vụ nhiều mục đích, nhiệm vụ cao hơn như nuôi cấy, phát triển virus, giải trình tự gen… Còn mục đích của ống môi trường này chỉ là môi trường trung gian để đựng, bảo quản và di chuyển mẫu từ nơi lấy về phòng xét nghiệm nên không cần thiết cần những thành phần, hóa chất cao hơn”, chị Đào Thị Dung giải thích.

Chị Dung, chị Liên và đồng nghiệp mỗi ngày gia công được 6.000 – 8.000 ống để cung cấp cho các quận, huyện

Theo chị Nguyễn Thị Bích Liên, kỹ sư Khoa Vi sinh cho hay, thời điểm mang tính bước ngoặt của CDC Hà Nội là ngày 28.10.2020 khi đóng mẻ ống môi trường đầu tiên sau nhiều lần thử nghiệm, chạy mẫu, kiểm tra chất lượng vi sinh. Điều này đã tháo gỡ những khó khăn của những người làm công tác xét nghiệm. Trước đây, đôi khi công tác xét nghiệm bị chậm lại hoặc các quận, huyện liên tục gọi về để lấy ống môi trường vì bị thiếu. Nhưng hiện nay, CDC Hà Nội lúc nào cũng có đủ 17.000 – 18.000 mẫu trong tủ bảo quản để cung cấp cho các đơn vị, quận, huyện để phục vụ việc lấy mẫu. Những ngày này, tình hình dịch tại Hà Nội đã ổn định hơn nên chỉ cần duy trì 3 -4 người làm việc, có lúc cao điểm có tới gần 20 nhân viên đóng 20.000 ống môi trường/ngày.

Nói về ý nghĩa của việc tự gia công, chuẩn bị ống này, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn khẳng định là không chỉ đảm bảo tiến độ xét nghiệm, góp phần thành công trong công tác kiểm soát dịch của TP mà còn tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ đồng. “Đơn cử, nếu đi mua mỗi ống có giá thành 65.000 đồng; còn tự sản xuất thì giá thành có lẽ chỉ vài ngàn đồng/ống. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, CDC đã thực hiện xét nghiệm khoảng 190.000 mẫu, thì số tiền tiết kiệm cho ngân sách quả là không nhỏ. Nếu vẫn giữ hình thức chờ mua ống môi trường, chắc chắn sẽ vừa chậm, đắt và lãng phí trong khi việc tự gia công là không khó, nguồn nguyên liệu có giá thành rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng mẫu, cho kết quả xét nghiệm chính xác”, ông Khổng Minh Tuấn nói.

Mặc dù, Hà Nội đang kiềm chế được dịch nhưng nguy cơ vẫn còn, khi sắp tới sẽ nới lỏng các chính sách phòng chống dịch, sự di chuyển, giao thoa giữa các địa phương, các quốc gia tăng lên, và các ca dương tính vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng. Do đó, những cán bộ, nhân viên y tế của của CDC Hà Nội hằng ngày đang âm thầm truy vết, xét nghiệm với hàng trăm mẫu bệnh phẩm mà các quận, huyện gửi đến...

Bài, ảnh: QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top