Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Khi “rác trên trời” hại người dưới đất (Bài 3): Bộ quy tắc sẽ lọc thải sự phản cảm...

Thứ Hai 21/06/2021 | 11:40 GMT+7

VHO- Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ TT&TT chính thức ban hành trong bối cảnh dư luận đang bức xúc, bất bình trước vô số hiện tượng lệch chuẩn văn hóa hoành hành trên không gian mạng .

 

 Người sử dụng MXH cần nghiên cứu nghĩ quy tắc ứng xử trên MXH vừa được Bộ TT&TT ban hành Ảnh: QUANG HUY

Bởi thế, ngay khi ra đời, Bộ Quy tắc đã được hoan nghênh với những quy định cụ thể: Không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép…

Cá nhân, tổ chức có các hành vi, ứng xử phù hợp với đạo đức, văn hóa truyền thống

Chuyên gia văn hóa, PGS.TS Từ Thị Loan thốt lên: “Quá kịp thời và cần thiết. Những ngày qua chứng kiến những cuộc tranh luận phản cảm, vô bổ, thậm chí là vô văn hóa trên mạng, tôi đã nghĩ và mong mỏi Bộ Quy tắc này sớm được ban hành…”.

Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh MXH tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; Xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Ba nhóm đối tượng được áp dụng theo Bộ Quy tắc, gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng MXH; Tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; Nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam. Bốn quy tắc ứng xử chung gồm: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin; Trách nhiệm.

Theo Bộ Quy tắc, các tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ MXH trước khi đăng ký, tham gia MXH. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng MXH. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản MXH và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy. Các cá nhân, tổ chức có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để lan tỏa giá trị tốt đẹp

Bình luận về Bộ Quy tắc này, PGS.TS Từ Thị Loan cho rằng, những quy định về văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện giờ cần thiết không kém những quy định ở ngoài đời thật. Chúng ta chứng kiến những vụ việc nhiều văn nghệ sĩ, người nổi tiếng phát ngôn thiếu chuẩn mực, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác; rồi những bạn trẻ coi MXH như “chợ trời”, thích gì nói nấy, sử dụng nick ảo…

Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ có tác dụng răn đe, ngăn ngừa rất tốt. Không chỉ với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mà tất cả người sử dụng, các nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam đều phải thận trọng khi phát ngôn, bình luận hay có bất cứ hành động nào trên mạng. Bộ Quy tắc khuyến khích sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng MXH một cách an toàn, lành mạnh. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, Bộ Quy tắc quy định việc thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên MXH; thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý, bảo mật tài khoản MXH và nhanh chóng thông báo tới nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản của cơ quan, tổ chức bị mất quyền kiểm soát hoặc bị giả mạo; Cung cấp thông tin trên MXH đồng bộ, thống nhất với thông tin đã được cung cấp trên các phương tiện truyền thông chính thống khác. “Nên có phản hồi những ý kiến trên MXH về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình…”, Bộ Quy tắc khuyến cáo. Nhà cung cấp dịch vụ MXH công bố rõ ràng các điều khoản sử dụng dịch vụ, gồm tất cả các quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng; ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật; Khi nhận được thông báo yêu cầu loại bỏ các thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật từ cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhà cung cấp dịch vụ MXH phối hợp với tổ chức, cá nhân sử dụng MXH để xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đáng chú ý, Bộ Quy tắc khuyến cáo các nhà cung cấp dịch vụ MXH hướng dẫn người sử dụng MXH, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của “người yếu thế” trong xã hội (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, trẻ vị thành niên, người khuyết tật…) sử dụng MXH an toàn, lành mạnh nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên MXH; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, nhà cung cấp tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của chủ thể thông tin.

Thúc đẩy ban hành quy tắc ứng xử ở từng lĩnh vực

PGS.TS Từ Thị Loan cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH ra đời được đánh giá là rất kịp thời. Đây là sẽ màng lọc với những tin giả, “rác văn hóa”, là sự cảnh báo trước những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. “Tuy nhiên, để nói là Bộ Quy tắc có đủ để trở thành “lá chắn” bảo vệ cộng đồng hay chưa thì rất khó, còn cần nhiều yếu tố khác nữa…”, bà Loan nhận định.

TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng chia sẻ: “Xưa, dư luận làng đóng vai trò điều chỉnh xã hội, điều chỉnh mọi ứng xử của làng . Nay, MXH cũng chính là dư luận của “ngôi làng toàn cầu”. Dư luận của làng xưa dựa vào chuẩn mực đã định hình để phán xét, còn nay MXH cũng dựa vào chuẩn mực xã hội nhưng lại đề cao cá nhân, thích diễn, bị tâm lý đám đông chi phối, ném đá ào ào. Vì vậy, sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH là rất cần thiết. Dựa vào Bộ Quy tắc, dư luận “làng toàn cầu” sẽ được chấn chỉnh. Có thể vì đây là Bộ Quy tắc mang tính chất cảnh báo, khuyến cáo nhưng bất cứ công cụ quản lý nào cũng cần có chế tài. Phải chăng nó có chế tài ẩn như dư luận làng xưa. Hy vọng dư luận xã hội sẽ trở thành chế tài mạnh, cùng với pháp luật đủ sức răn đe những vi phạm”.

PGS.TS Từ Thị Loan nói thêm, Bộ Quy tắc ứng xử này cũng mang tính thúc đẩy sự ra đời của những Bộ Quy tắc ứng xử chuyên ngành: “Chúng ta vẫn tuyên truyền về giữ gìn truyền thống, đạo lý và những yếu tố văn hóa không lệch chuẩn thì những Bộ Quy tắc ứng xử chính là căn cứ để thực hiện, góp phần cụ thể hóa và đưa những văn bản quy phạm pháp luật sát hơn với từng ngành, từng lĩnh vực…”. 

 Xưa, dư luận làng đóng vai trò điều chỉnh xã hội, điều chỉnh mọi ứng xử của làng. Hiện nay, MXH cũng chính là dư luận của “ngôi làng toàn cầu”. Dư luận của làng xưa dựa vào chuẩn mực đã định hình để phán xét. Còn nay MXH cũng dựa vào chuẩn mực xã hội nhưng lại đề cao cá nhân, thích diễn, bị tâm lý đám đông chi phối, ném đá ào ào. Vì vậy, sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH là rất cần thiết. Dựa vào Bộ Quy tắc, dư luận “làng toàn cầu” sẽ được chấn chỉnh.

Có thể vì đây là Bộ Quy tắc mang tính chất cảnh báo, khuyến cáo nhưng bất cứ công cụ quản lý nào cũng cần có chế tài. Phải chăng nó có chế tài ẩn như dư luận làng xưa. Hy vọng dư luận xã hội sẽ trở thành chế tài mạnh, cùng với pháp luật đủ sức răn đe những vi phạm.

(TS TRẦN HỮU SƠN)

 

 BẢO ANH - THANH MỘC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top