Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Giấc mơ “lên bờ” ​​​​​​​của người dân vạn đò cuối cùng trên sông Hương

Thứ Tư 23/06/2021 | 08:51 GMT+7

VHO- Nhiều hộ dân vạn đò ở Thủy Phú, xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) đã gắng gượng để xây xong ngôi nhà ở khu tái định cư. Vậy là giấc mơ “lên bờ” sau mấy chục năm đằng đẵng của họ cũng đã thành hiện thực.

Khu tái định cư Thủy Phú với nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang báo hiệu một cuộc sống mới an cư của các hộ dân vạn đò

 Giờ đây họ không còn sống lênh đênh trên sông nước, không phải nơm nớp lo sợ mỗi mùa mưa gió, trở trời… Trung tuần tháng 6 trong cái nắng chát chúa của ngày, chúng tôi đặt chân đến khu tái định cư Thủy Phú, thấy nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang và đầy ắp tiếng cười của trẻ con đang nô đùa. Cách đây gần 13 năm, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện một cuộc “di dân” với hơn 1.000 hộ dân vạn đò trên sông Hương và các khu vực lân cận để lên bờ tái định cư. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau đã khiến cho các hộ dân vạn đò xóm Thủy Phú ở hạ nguồn sông Hương vẫn chưa thể lên bờ. Cho đến gần đây, một mái nhà trên cạn của những hộ dân vạn đò ấy đã thành hiện thực giấc mơ của họ.

Xóm vạn đò Thủy Phú gồm 26 hộ dân, được cấp đất tái định cư 2 đợt. Lần này 13 hộ dân cuối cùng được lên bờ, chấm dứt cuộc sống lênh đênh sông nước với muôn vàn nỗi lo. Vợ chồng ông Đặng Văn Tiếp (43 tuổi) và bà Trần Thị Thương (36 tuổi) vừa dọn vào ở ngôi nhà mới được hai tháng. Được chính quyền địa phương cấp hơn 130m2 đất tái định cư, gia đình ông Tiếp dành dụm và vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà kiên cố với kinh phí 500 triệu đồng. “Mấy chục năm sống lênh đênh trên sông Hương, chỉ dựa vào nghề bắt tôm cá nên tui cũng không dám mơ sẽ có được ngôi nhà trú ngụ khi nắng mưa, gió bão. Giờ đây, dù phải vay mượn nhưng hai vợ chồng sẽ cố gắng làm lụng để dần dần trả nợ. Ba đứa con thấy ba mẹ xây nhà mới cũng hạnh phúc lắm”, ông Tiếp chia sẻ.

 Vợ chồng ông Đặng Văn Tiếp trong căn nhà khang trang, giấc mơ “lên bờ” đã thành hiện thực

Cùng chung niềm vui được “lên bờ” với gia đình ông Tiếp, cách đó không xa là căn nhà của gia đình anh Trần Thành (40 tuổi) vừa hoàn thành xây dựng. Anh Thành kể rằng, từ nhỏ đã theo cha mẹ rong ruổi trên sông nước, cho đến bây giờ đã có gia đình con cái đề huề, mới thực hiện được giấc mơ “lên bờ”. “Người dân vạn đò Thủy Phú đã mong mỏi, ao ước về một nơi ở ổn định từ lâu lắm rồi. Giờ đây, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm xây dựng khu tái định cư, cấp đất cho bà con ổn định cuộc sống, không còn cảnh chòng chành trên sông nước nữa”, anh Thành bộc bạch. Theo UBND xã Hương Vinh, dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Thủy Phú do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Trà làm chủ đầu tư, với kinh phí hơn 6 tỉ đồng. Sau khi giải phóng mặt bằng, san lấp đất nền và đầu tư đường giao thông, đường điện, hệ thống thoát nước, chính quyền địa phương đã tiến hành cắm mốc phân lô để người dân bốc xăm chọn đất. Cuối năm 2020, UBND thị xã Hương Trà đã có quyết định giao đất ở tái định cư cho 13 hộ dân vạn đò cuối cùng ở Thủy Phú.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh thông tin, ngoài 13 hộ dân vạn đò còn có 3 hộ dân khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt thiên tai trong năm 2020 vừa qua cũng được giao đất tái định cư. Bình quân mỗi hộ dân được cấp đất với diện tích từ 120m2 đến hơn 200m2/lô để xây dựng nhà ở. Đến nay đã có 14 hộ dân hoàn thành xây dựng nhà và chuyển đến định cư, 2 hộ dân còn lại đang xây dựng nhà cửa. Ngoài việc chính quyền cấp đất tái định cư, Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/hộ dân. UBND xã Hương Vinh vận động các nguồn quỹ hỗ trợ thêm cho các gia đình khi dọn đến nơi ở mới.

Từ năm 2015, để tạo điều kiện xóa mù chữ cho người dân vạn đò Thủy Phú, các giáo viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà đã mở lớp dạy chữ theo các độ tuổi cho bà con nơi đây. Lớp học được duy trì đều đặn nhiều năm qua và hiện nay lớp có 9 người (từ 15 tuổi đến 50 tuổi) theo học chữ. Cô giáo Huỳnh Thị Kim Cúc, phụ trách lớp học cho hay: Chúng tôi duy trì lớp học này trong nhiều năm qua với mong muốn người dân vạn đò Thủy Phú có thể học chữ, đọc viết thành thạo để giao tiếp và giải quyết các thủ tục hành chính. Giờ đây, người dân Thủy Phú được chuyển đến nơi ở mới, nhà cửa khang trang, chúng tôi cũng rất vui mừng.

“Để tiếp tục giúp đỡ người dân ở khu tái định cư Thủy Phú ổn định đời sống, thời gian tới chính quyền xã Hương Vinh và thị xã Hương Trà sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi. UBND xã Hương Vinh sẽ phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà và các đơn vị để đào tạo nghề phù hợp cho người dân như nghề nuôi cá lồng trên sông, may mặc dân dụng và một số nghề phổ thông khác nhằm giúp các hộ dân ở Thủy Phú có việc làm ổn định, phát triển kinh tế về lâu dài”, ông Trần Quốc Thắng nhấn mạnh. 

 THÙY AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top