Rào cản đối với người “yếu thế” khi tiêm vắcxin Covid-19

VHO- Một số người có HIV cho biết họ bị cán bộ y tế địa phương từ chối tiêm vắcxin, trong khi đó lại có người không muốn đi tiêm vì sợ bị lộ thông tin. Đây chính là rào cản khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận với chiến dịch tiêm vắcxin phòng Covid-19 cho toàn dân của Việt Nam.

Rào cản đối với người “yếu thế” khi tiêm vắcxin Covid-19 - Anh 1

 Người có H đang gặp rào cản trong tiếp cận chương trình tiêm vắcxin phòng Covid-19 toàn dân (ảnh minh họa) Ảnh: N.MAI

 Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, những phản hồi trên có thể hiểu được ở giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng, cán bộ y tế lo lắng có thể sẽ xảy ra phản ứng khi tiêm vắcxin ở những người có bệnh nền và không xử trí kịp nên họ đã từ chối. Tuy nhiên, Bộ Y tế hiện đã có hướng dẫn đầy đủ và chuẩn bị các phương án xử trí khi có phản ứng nên cán bộ y tế không có lý do gì để từ chối tiêm vắcxin cho người có HIV (viết tắt là người có H). “Nếu họ làm vậy thì có thể coi là hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử và vi phạm đến Luật Phòng, chống HIV/ AIDS cũng như đi ngược lại chủ trương không bỏ ai lại phía sau trong lộ trình phổ cập vắcxin ngừa Covid-19. Mặt khác, một số cán bộ y tế chưa hiểu biết đầy đủ về HIV, sợ bị lây HIV trong quá trình tiêm. Nếu cán bộ y tế thực hiện đúng các hướng dẫn về phòng, chống nhiễm khuẩn thì hoàn toàn không có nguy cơ lây từ thủ thuật tiêm. Thêm vào đó, các bệnh nhân đã tuân thủ điều trị, đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện thì không còn khả năng lây nhiễm nữa”, bác sĩ Oanh khẳng định.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngược lại, một số người có H lại không muốn đi tiêm vì sợ bị lộ thông tin cá nhân. Đây là sự lo lắng hoàn toàn có cơ sở vì để được đăng ký vào diện ưu tiên tiêm vắcxin Covid-19, người có H cần phải thông báo về tình trạng sức khỏe của mình cho cơ quan tổ chức việc tiêm phòng. “Do đó, các cơ sở y tế chịu trách nhiệm về tổ chức và thực hiện chương trình tiêm phòng tại địa phương phải có hiểu biết và thực hành đúng đắn để không vi phạm đến quyền được bảo vệ thông tin của người có H. Nếu cần thiết, phải có quy trình đảm bảo thông tin và các cán bộ y tế cần được hướng dẫn về việc thực hiện. Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng giám sát việc triển khai, gỡ bỏ rào cản này để người có H có thể yên tâm tiếp cận với tiêm phòng”, Giám đốc Trung tâm SCDI nêu ý kiến.

Trước những rào cản liên quan đến việc tiếp cận chương trình phổ cập vắcxin phòng ngừa Covid-19 toàn dân, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh đưa ra ba lý do quan trọng mà người có H cần và nên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Trước hết, người có H thuộc nhóm được ưu tiên tiêm vắcxin vì họ là nhóm người có bệnh mãn tính, nếu bị lây virus SARS-CoV-2 sẽ có nguy cơ diễn biến nặng. Quyết định 1210/2021 QĐ- BYT ngày 9.2.2021 đã xác định người có bệnh mãn tính là một trong 11 nhóm ưu tiên để tiêm vắcxin phòng Covid-19. Và điều này cũng đã được PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định trong cuộc họp thảo luận về đề xuất của Việt Nam gửi tới Quỹ Toàn cầu để ứng phó với Covid-19 vào ngày 9.6 vừa qua. Trước đây, có những lời đồn đoán rằng thuốc ARV có tác dụng ngăn ngừa Covid-19, nhưng trên thực tế cho đến nay chưa có bằng chứng nào khẳng định điều này.

Bên cạnh đó, các loại vắcxin phòng Covid-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt đều an toàn cho người bị suy giảm miễn dịch. Một số vắcxin như AstraZeneca (vắcxin của Anh đang được dùng ở Việt Nam) và Pfizer (vắcxin của Mỹ và Thụy Sỹ sẽ về Việt Nam trong thời gian tới) đều đã được thử nghiệm trên một số người có H và cho thấy kết quả an toàn. Cũng theo bác sĩ Oanh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố nghiên cứu về mối liên quan giữa vắcxin và người có H. Theo đó, các loại vắcxin đã được phê duyệt không có tương tác với thuốc ARV, nên người có H đang sử dụng ARV sẽ không bị làm giảm hiệu quả điều trị.

Bộ Y tế đang triển khai chiến lược tiêm chủng phòng Covid-19 toàn dân lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và nhiều Bộ, ngành, với mục tiêu 75% dân số được tiếp cận vắcxin, góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Trong số đó có nhóm dân cư dễ bị tổn thương và đứng trước nguy cơ “bị bỏ lại phía sau”, như những người không có giấy tờ tuỳ thân hoặc không có nơi cư trú ổn định... Các nhóm dân số này sẽ cần đến sự quan tâm của nhà nước, xã hội để bảo vệ sức khoẻ của chính họ và của cả cộng đồng. Bởi, càng nhiều người không được tiêm thì mục tiêu bao phủ vắcxin toàn dân sẽ không thực hiện được, cùng với đó là nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn. 

 Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vắcxin, trong đó nêu rõ những đối tượng cần cẩn trọng và những đối tượng phải hoãn, chống chỉ định tiêm chủng. Cụ thể, các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người trên 65 tuổi; Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.

Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng: Mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù…; Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; Đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Đối tượng chống chỉ định gồm: Tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

LÊ DUY

Ý kiến bạn đọc