Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Khi “rác trên trời”hại người dưới đất (Bài cuối): Dù là ai thì cũng phải theo những quy tắc ứng xử chuẩn mực

Thứ Tư 23/06/2021 | 09:35 GMT+7

VHO- TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với Văn Hóa về loạt bài Khi “rác trên trời” hại người dưới đất nhằm phê phán những hiện tượng lệch chuẩn văn hóa đang xuất hiện ngày càng tràn lan trên không gian mạng.

Cạnh đó, ông cũng hết sức lưu ý, trên không gian ảo hiện nay, mọi thứ đều rất thật đấy chứ không hề giả. Vì vậy, đừng ai nghĩ rằng là ảo thì muốn nói thế nào cũng được, muốn làm tổn thương ai cũng được.

P.V: Thưa TS Nguyễn Viết Chức, ông suy nghĩ như thế nào về Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH vừa được Bộ TT & TT ban hành?

- TS Nguyễn Viết Chức: Chúng ta đang sống trong thế kỷ thông tin mạng phát triển mạnh mẽ, và điều đó sẽ là cơ hội chia sẻ với nhau nhiều hơn những điều tốt đẹp. Nhưng đáng tiếc là có không ít người sống trong không gian ấy lại thường xuyên chia sẻ những điều không tốt đẹp. Nhiều người dùng ngôn ngữ, cách thức biểu đạt lệch chuẩn văn hóa, nếu như không muốn nói là thiếu văn hóa.

Hình như khi trao đổi, giao tiếp trên không gian mạng, nhiều người cứ tưởng rằng đó chỉ môi trường ảo. Nhưng xin thưa, đó là không gian rất thật, những điều chúng ta nói với nhau cũng là chia sẻ thật. Nhiều người nhầm tưởng rằng là môi trường ảo thì muốn nói thế nào cũng được, muốn làm tổn thương ai cũng được. Đúng như Văn Hóa đặt tít, “rác trên trời” hại người dưới đất là ở ý đó. Vì thế Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH được Bộ TT&TT ban hành là rất kịp thời, đúng lúc. Tôi muốn nhấn mạnh là không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy, không gian mạng, văn hóa trên mạng và các thành viên trong không gian đó đang có nhiều vấn đề về văn hóa ứng xử. Vậy thì phải bằng nhiều cách để góp phần làm cho không gian này trở nên sạch sẽ, mọi hành vi và lời nói đều phải có chuẩn mực.

Có phải nhiều cá nhân hiện nay đang lạm dụng quyền tự do được bày tỏ quan điểm trên không gian mạng để phát ngôn bừa bãi, tùy tiện, xúc phạm danh dự và tấn công người khác, thưa ông?

- Thực ra ở trong cuộc sống thực hay ở trên mạng thì chúng ta đều có quyền tự do biểu thị quan điểm cá nhân. Nhưng tự do không có nghĩa là thể hiện những điều thiếu văn hóa. Ở bất kỳ đâu cũng không có kiểu tự do xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; tự do làm bẩn môi trường văn hóa chung; tự do phơi bày những điều không tốt đẹp. Mỗi cá nhân đều phải ý thức rằng việc làm, lời nói của mình đều có thể làm ảnh hưởng đến xã hội. Rất tiếc là nhiều người không hiểu được ý nghĩa sâu xa của văn hóa.

Họ cứ nghĩ văn hóa là cứ phải hát hay, đàn giỏi, là thi ca nhạc họa..., nhưng không phải thế, tự thân mỗi một con người đã là một tác phẩm văn hóa. Nhận thức như thế thì đừng làm cho tác phẩm đó xấu xí đi. Mỗi cá nhân cần luôn ý thức phải ứng xử sao cho đúng.

 Ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội là mục tiêu mà Bộ Quy tắc hướng đến

Phải chăng những hiện tượng lệch chuẩn văn hóa ngày càng xuất hiện nhiều hơn là do những quy tắc ứng xử trên không gian mạng chưa được ban hành sớm hơn, thưa ông?

- Cần hiểu là, quy tắc ứng xử cũng chỉ là quy tắc mà thôi. Mỗi cá nhân đều phải tự trọng và bảo vệ danh dự bản thân, bảo vệ những nguyên tắc đạo đức chuẩn mực. Không có quy định nào có thể “sạch nước cản” và bao quát được hết cuộc sống xã hội. Trên không gian mạng thời gian qua chúng ta thấy rằng, nhiều người nổi tiếng nghĩ rằng mình thích nói gì thì nói, người có tiền cho rằng mình có khả năng chi phối tất thảy… Những suy nghĩ đó, hành động đó dẫn đến những điều không tốt đẹp. Ai ở vị trí nào, điều kiện nào cũng phải giữ những mực thước, chuẩn mực văn hóa. Xa xưa cũng vậy, có những chuẩn mực không thành văn nhưng cộng đồng đều nghiêm túc thực hiện, ứng xử đúng đắn. Hiện nay một số người hơi quá đà, tự cho mình cái quyền làm tổn thương người khác. Dù trên MXH thì những điều đó cũng không thể chấp nhận được.

Với những quy định pháp luật đã có cùng với Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH là chúng ta đã có tương đối đủ những căn cứ luật định, những khuyến cáo, răn đe. Vấn đề là phải xử lý nghiêm và kịp thời với mọi biểu hiện lệch chuẩn chứ không phải cứ bắt cơ quan quản lý chạy theo.

 Đứng ở góc độ những người sử dụng MXH, dường như đang có xu thế càng nói sai, càng lệch chuẩn thì càng được tung hô? Ông suy nghĩ như thế nào trước hiện tượng này?

- Tôi chưa thấy có một nghiên cứu nào công bố xu hướng cộng đồng tiếp nhận những yếu tố xấu xí, lệch chuẩn nhanh hơn tiếp thu, lan tỏa những chuẩn mực. Tuy nhiên qua quan sát thực tế thì đúng là trong cuộc sống đang có nhiều hiện tượng như thế. Những mẫu mực không nhân lên nhanh được, trong khi cái xấu lại lan tràn rất nhanh. Hiện tượng này là do “tâm lý bầy đàn”, làm cho không gian mạng với khả năng truyền tin nhanh, phủ sóng rộng ngày càng dung nạp thêm nhiều yếu tố tiêu cực. Nhiều người sử dụng mạng cứ tưởng mình nói chẳng ai biết, chẳng ai nghe. Nhưng không phải, không gian mạng cũng là địa chỉ để định danh mỗi người, không ai có thể phát ngôn tùy tiện. Những người có uy tín và tầm ảnh hưởng xã hội thì càng cần phải giữ gìn nhiều hơn.

Một số ý kiến cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để tăng tính răn đe còn cần thêm những chế tài. Ông có nghĩ vậy hay không?

- Tôi cho rằng những quy tắc thì thường thiên về khuyến cáo, khuyên răn, nhắc nhở chứ không phải cái gì cũng xử phạt. Ở đâu càng phạt gay gắt, càng căng thẳng thì ở đó khuyết điểm càng lớn. Vì thế, không nhất thiết phải có chế tài xử phạt mà vấn đề căn cốt là phải nâng cao dân trí, làm cho xã hội phát huy nhiều yếu tố tốt đẹp để che lấp đi những điều không tốt đẹp. Trên không gian mạng cũng thế thôi, chúng ta không hi vọng một ngày nào đó sẽ nhìn thấy ở đó hoàn toàn sạch sẽ, không có một vết dơ nào.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng việc chấn chỉnh, đẩy lùi tuyệt đối những hiện tượng lệch chuẩn, “rác văn hóa” là rất khó. Văn hóa là nền tảng trong mỗi con người, hình thành từ việc tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, do môi trường giáo dục trong gia đình và xã hội. Một bộ quy tắc dù có đầy đủ đến mấy cũng không chấn chỉnh hết được mà chỉ có thể góp phần cảnh báo, giảm bớt những lệch chuẩn mà thôi. Vì vậy, mỗi người phải tự chấn chỉnh, tu dưỡng, trọng danh dự, trọng mình và trọng người khác. Những phát ngôn theo kiểu “kẻ đốt đền” trên mạng thì càng khó ngăn cản. Chúng ta không nên đặt vấn đề hành chính hóa, cho rằng thực tế như vậy vì thiếu những quy định này kia.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

 Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH ra đời có lẽ sẽ thúc đẩy việc ban hành những bộ quy tắc ứng xử mang tính chuyên ngành. Đơn cử như Bộ VHTTDL đang soạn thảo và xin ý kiến góp ý dự thảo Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Ông có quan điểm như thế nào, thưa ông?

- Văn nghệ sĩ hay bất cứ đối tượng nào cũng đều phải thực hiện theo đúng những quy tắc ứng xử chuẩn mực. Văn nghệ sĩ là những người nổi tiếng thì càng phải giữ mình. Họ luôn phải nhận thức rằng mình là người của công chúng, phải phát ngôn, ứng xử một cách chuẩn mực. Càng nổi tiếng bao nhiêu thì càng phải ứng xử chuẩn mực bấy nhiêu. Không chỉ vì cá nhân mình mà còn vì cộng đồng và để đáp lại sự hâm mộ, yêu mến của mọi người.

 

 Góp ý về dự thảo Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) vừa có văn bản gửi các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ về việc góp ý dự thảo Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Theo dự thảo, Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ nhằm khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm, từng bước hình thành chuẩn mực đạo đức trong hành vi ứng xử của nghệ sĩ đối với hoạt động nghề nghiệp, trên báo chí, truyền thông, MXH và khi tham gia các hoạt động cộng đồng khác. Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Quy tắc được áp dụng với các hành vi ứng xử của nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, trên báo chí, truyền thông, MXH và hoạt động cộng đồng khác. Đối tượng áp dụng là các nghệ sĩ làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập; nghệ sĩ là thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác... Nội dung Quy tắc gồm: Quy tắc ứng xử chung; Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với khán giả, công chúng; Quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội; Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và MXH.

PHƯƠNG ANH

 BẢO ANH (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top