Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Thể thao Việt Nam với đấu trường Olympic (Bài 1): Chạm tay vào giấc mơ

Thứ Tư 23/06/2021 | 09:51 GMT+7

VHO- LTS: Olympic là đấu trường thể thao danh giá nhất thế giới. Hội nhập với đấu trường này từ thập niên 80 của thế kỷ trước, trải qua quá trình phấn đấu bền bỉ, thể thao Việt Nam đã có trong tay bộ sưu tập huy chương với 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ. Thế nhưng sau Olympic 2016, để có thể tiếp cận được các tấm huy chương Olympic, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Bằng loạt bài công phu, Văn Hóa sẽ cùng các chuyên gia, nhà quản lý... định vị lại vị trí của thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic. Từ đó cùng tìm ra những “điểm nghẽn” cho mục tiêu nhanh hơn, mạnh hơn, khỏe hơn của thể thao Việt Nam.

 Những kỷ niệm về lần đầu tiên được đến với đấu trường Olympic tổ chức tại Moskva, Liên Xô (nay là Liên bang Nga) của 41 năm trước vẫn còn nguyên vẹn với ông Lê Ngọc Minh, nguyên Trưởng bộ môn Võ thuật Việt Nam, Ủy ban TDTT (nay là Tổng cục TDTT).

“Khi đến đó chúng tôi thật sự choáng ngợp và chỉ biết tự nhủ: Đế quốc lớn mình còn đánh thắng được huống hồ là thi đấu thể thao”, ông Lê Ngọc Minh nhớ lại.

 Chiếc HCV của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 là dấu mốc của thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic Ảnh: Getty Images

Từ “nhà quê ra tỉnh”

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Nguyễn Hồng Minh nhớ lại, năm 1980 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên thể thao Việt Nam cử đoàn tham dự Olympic. Nhìn thấy tiềm năng của Vật Việt Nam, các chuyên gia của Liên Xô (cũ) đã gợi ý chúng ta phát triển môn Vật tự do trên cơ sở môn Vật dân tộc. Vì thế lãnh đạo ngành thể thao đã quyết định cử HLV Lê Ngọc Minh làm Trưởng bộ môn Võ thuật kiêm HLV trưởng chuẩn bị cho đội tuyển sang Moskva, dự Thế vận hội.

“Hồi đó Việt Nam được Liên Xô hỗ trợ rất nhiệt tình. Khi dẫn vận động viên sang đến nơi, chúng tôi thực sự choáng, theo đúng nghĩa đen của câu: “nhà quê ra tỉnh”. Bình thường mình tập luyện ở các bãi cỏ, đã bao giờ biết đến thảm đấu. Khi bước vào thi đấu, chúng tôi ngợp bởi có tới 3 thảm trong nhà thi đấu sáng choang. Dù hồi hộp, nhưng tôi vẫn động viên đô vật Phí Hữu Tình: “Đế quốc lớn mình còn thắng được thì không có gì phải sợ hết”. Tôi cũng dặn Tình ở nhà mình đánh như nào thì cứ đánh như thế, mặc kệ xung quanh. Chúng tôi nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nên hăng lắm, Tình còn thắng cả VĐV cao lớn người Cameroon”, ông Lê Ngọc Minh hào hứng kể lại.

Kỷ niệm của ông Lê Ngọc Minh cũng gắn với cột mốc đầu tiên đánh dấu sự hội nhập của thể thao Việt Nam tại đấu trường lớn nhất thế giới. Từ những bước đi đầu tiên đầy bỡ ngỡ ấy, thể thao Việt Nam đã tiến từng bước vững chắc ra đấu trường Olympic. Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Olympic có 2 mục tiêu là hội nhập và tranh tài đỉnh cao, tức là hướng tới mục tiêu nhanh hơn, khỏe hơn, mạnh hơn thì tính từ cột mốc năm 1980, thể thao Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu hội nhập. Sau 20 năm chúng ta đã có được chiếc huy chương bạc của Trần Hiếu Ngân và sau 36 năm, chúng ta đã đặt dấu son lịch sử khi lần đầu tiên có được chiếc HCV của Hoàng Xuân Vinh. Mỗi một tấm huy chương đều có ý nghĩa đánh dấu các giai đoạn phát triển riêng của thể thao Việt Nam và cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của các HLV, VĐV.

Đến vị trí thứ 48 trên bảng xếp hạng huy chương

Olympic Sydney 2000 đã trở thành một kỳ Olympic đầy đặc biệt của thể thao Việt Nam khi võ sĩ Trần Hiếu Ngân đoạt HCB ở môn Taekwondo. Tuy nhiên, theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, tấm HCB của Hiếu Ngân không phải ngẫu nhiên mà có. “Thời điểm năm 2000, Taekwondo là một trong những môn thế mạnh của thể thao Việt Nam, đã từng giành nhiều HCV tại các kỳ SEA Games và Asian Games. Đúng lúc đó, Taekwondo lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic. Chính vì thế Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự khi ấy đã xác định lấy mũi nhọn Taekwondo để “tấn công” vào đấu trường Olympic. Cùng với sự nỗ lực của các HLV, VĐV, chúng ta đã có được chiếc HCB Olympic đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam”, ông Vương Bích Thắng hồi tưởng.

Thế nhưng chặng đường đến với Olympic bao giờ cũng gian nan, vất vả cho nên phải tới 8 năm sau, chúng ta mới có cơ hội để lần thứ 2 đoạt HCB Olympic ở môn Cử tạ, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho rằng tấm HCB Olympic do công của đô cử Hoàng Anh Tuấn khi ấy có thêm ý nghĩa đặc biệt, bởi nó đã củng cố niềm tin rằng thể thao Việt Nam có thể giành thành tích ở những môn đòi hỏi sức mạnh. Và niềm tin ấy đã tiếp tục được khẳng định tại Olympic 2012, Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ môn Cử tạ. Dù đáng tiếc vì chiếc HCĐ của Toàn được công bố muộn sau mấy năm, nhưng đó cũng là chiếc huy chương cho thấy sự đầu tư đúng hướng của thể thao Việt Nam.

Đáng chú ý, từ 2 suất đến Olympic bằng cửa chính của Nguyễn Thị Xuân Mai và Trần Hiếu Ngân (Taekwondo) tại Olympic 2000 đến việc chúng ta có tới 23 VĐV vượt qua các cuộc thi đấu vòng loại tại Olympic năm 2016. Đây cũng là bước tiến lớn của thể thao Việt Nam bởi từ việc phải trông chờ vào các suất mời dành cho các nước kém phát triển, chúng ta đã dần vươn lên, khẳng định vị thế mới, đỉnh điểm là chiếc HCV Olympic, thiết lập kỷ lục Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Chiếc HCV này cũng tạo lên bước nhảy vọt của thể thao Việt Nam trên bảng xếp hạng Olympic, từ chỗ là quốc gia không có huy chương tại Olympic 2012 (thời điểm đó Trần Lê Quốc Toàn (Cử tạ) đứng ở vị trí thứ 4 chưa được đôn lên nhận HCĐ) đến vị trí thứ 48/86 quốc gia có huy chương trên bảng xếp hạng Olympic 2016.

Chiếc HCV này cũng là thành quả của bao giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu mà các VĐV đã đổ trên các sân tập, đường chạy, thảm đấu. Và cho thấy thể thao Việt Nam đã đi đúng hướng, đang bước vào thời kỳ phát triển mới, dù rằng trước mặt còn nhiều khó khăn, thử thách.

Bài 2: Chúng ta còn thiếu gì để sở hữu huy chương Olympic?

THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top