Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ- Anh là ai?: Nên nghiên cứu và áp dụng quy định "đăng ký hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp"

Thứ Hai 05/07/2021 | 10:48 GMT+7

VHO- “Tình trạng loạn danh xưng, tự phong nghệ sĩ đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những người hoạt động nghệ thuật thực thụ thấy rầu lòng khi “vàng thau” lẫn lộn. Đã đến lúc vấn đề này cần được các cơ quan quản lý nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc”.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Văn Hóa về biện pháp ngăn chặn tình trạng nghệ sĩ rởm từ góc độ đại diện của đơn vị thực hiện chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ về công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn.

PV: Trong thời gian qua, ngày càng có nhiều cá nhân tự xưng là nghệ sĩ nhưng lại không hội đủ các điều kiện với danh xưng này. Ông nghĩ sao về vấn đề nhức nhối này?

- Ông Lê Minh Tuấn: Trước hết, theo cách hiểu chung nhất hiện nay thì “Nghệ sĩ là người chuyên hoạt động sáng tác hoặc biểu diễn trong một bộ môn nghệ thuật”. Và trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, để được gọi là nghệ sĩ thì ngoài yếu tố năng khiếu, được rèn luyện, học tập trong môi trường đào tạo, truyền nghề chuyên nghiệp… họ còn cần có thời gian hoạt động nghệ thuật liên tục để khẳng định tài năng trên sân khấu. Chính vì vậy, một trong những tiêu chuẩn khi xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND là yêu cầu về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10- 20 năm, tùy theo bộ môn mà nghệ sĩ đó tham gia biểu diễn.

Nghệ thuật giải trí trong giai đoạn hiện nay đang ngày một phát triển mạnh mẽ và tạo ra nguồn thu lớn cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi sáng tạo, cung ứng các sản phẩm nghệ thuật, giải trí, nhất là trong thời kỳ các nền tảng mạng xã hội, công nghệ số phát triển nhanh chóng, rộng khắp. Người nghệ sĩ đích thực luôn được công chúng trân trọng, quan tâm theo dõi và có sự ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng, xã hội về thẩm mỹ, phong cách...

Chính vì những giá trị vô hình và hữu hình từ danh xưng nghệ sĩ mang lại nên nhiều cá nhân mặc dù không có năng khiếu, không được đào tạo bài bản và không tham gia biểu diễn trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn tự xưng “tôi là nghệ sĩ” và tận dụng lợi thế từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube hay thậm chí là báo chí, truyền hình… để nhanh chóng nổi tiếng, được công chúng, xã hội chú ý và kiếm lợi từ những danh xưng tự phong này. Như chúng ta thấy, ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân tự gắn mác “nghệ sĩ” thực hiện những hành vi không phù hợp với giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục dân tộc và làm ảnh hưởng xấu tới danh xưng của những nghệ sĩ thực thụ.

Phải chăng hiện nay chưa có sự phân định rõ về danh xưng thế nào là nghệ sĩ nên họ cứ tha hồ, thoải mái tự phong?

- Ngoài khái niệm chung nhất như đã nói ở trên thì đúng là hiện nay chúng ta chưa có bất kỳ một văn bản pháp lý xác định rõ thế nào là nghệ sĩ hay nghệ sĩ hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Chính vì vậy, công chúng, khán giả dường như không có căn cứ để xác định đâu là nghệ sĩ và đâu là những cá nhân tham gia chuỗi cung ứng các sản phẩm giải trí đơn thuần, từ đó dẫn đến sự đánh đồng, lẫn lộn về giá trị giữa những người nghệ sĩ thực thụ và những danh xưng tự phong. Nhiều cá nhân cho ra một vài video clip cover lại một số bài hát, một vài clip hài nhảm, cẩu thả… và đăng tải lên trang mạng xã hội, nhưng lập tức được cộng đồng chú ý, theo dõi và bỗng một ngày bước lên sân khấu biểu diễn với danh xưng… nghệ sĩ.

Việc một cá nhân có xu hướng phát triển sang nghề nghiệp, lĩnh vực mới cũng là điều bình thường và không có quy định nào hạn chế việc làm này, tuy nhiên cá nhân đó cần đáp ứng được các yếu tố, tiêu chuẩn về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, lối sống… và được công chúng, xã hội ghi nhận, chứ không phải đánh bóng tên tuổi thông qua những scandal và tự phong tôi là diva này, ông hoàng nọ, bà chúa kia...

 

 Những nghệ sĩ thực thụ luôn lan tỏa đến cộng đồng giá trị nghệ thuật của dân tộc và nhân loại một cách chuyên nghiệp Ảnh: TRẦN HUẤN

Có nhiều ý kiến đề nghị nên tiếp tục xem xét việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

- Trong thời gian vừa qua, tôi thường xuyên theo dõi báo chí, truyền thông, ý kiến của chính giới và dư luận xã hội phản ảnh về tình trạng loạn danh xưng, tự phong nghệ sĩ. Có thể nói, đây là vấn đề đã và đang gây ra nhiều bức xúc. Có lẽ xuất phát từ những ý kiến này nên chúng tôi cũng nhận được rất nhiều kiến nghị cần khẩn trương nghiên cứu ban hành các biện pháp quản lý giúp phân định đâu là nghệ sĩ đích thực, trong đó có kiến nghị tiếp tục xem xét “cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ”. Tuy nhiên ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng nếu đã là nghệ sĩ thực thụ thì không cần phải có thêm “thẻ hành nghề” nữa, bởi họ có tự trọng cao, có trình độ chuyên môn tốt, có ý thức chính trị, xã hội nên mọi hành xử đều rất chuẩn mực. Họ luôn lan tỏa những điều tích cực, giá trị nhân văn và trong hoạt động chuyên môn thì không ngừng tìm tòi, sáng tạo để giới thiệu đến công chúng, khán giả những giá trị nghệ thuật của dân tộc và nhân loại một cách chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đời sống văn hóa, nghệ thuật, tôi cho rằng trong thời gian tới cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành những quy định phù hợp để phân định rõ ràng đâu là nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, đâu là những cá nhân lợi dụng danh xưng nghệ sĩ để được nổi tiếng và thu lợi từ những danh xưng tự phong này.

Vậy đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, tới đây theo ông cần có biện pháp gì để ngăn chặn hiện tượng “vàng thau lẫn lộn” này?

- Như tôi đã chia sẻ, xuất phát từ những bức xúc trước vấn nạn lợi dụng danh xưng nghệ sĩ của một bộ phận cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật nên vừa qua chúng tôi cũng nhận được rất nhiều kiến nghị về biện pháp quản lý. Tuy nhiên, tôi quan tâm nhiều hơn đến một kiến nghị về quy định “đăng ký hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp”. Ở đây, những cá nhân hoạt động nghệ thuật thường xuyên, có thu nhập từ hoạt động này sẽ được đăng ký hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và sẽ có những tiêu chí, điều kiện rõ ràng, cụ thể về quyền, trách nhiệm của mình. Còn lại những cá nhân khác vẫn được biểu diễn nghệ thuật rộng khắp và không cần đăng ký hoạt động, nhưng thuộc đối tượng không chuyên.

Tôi cho rằng đây là một kiến nghị có cơ sở, cần được quan tâm nghiên cứu, đánh giá tính phù hợp với thực tiễn đời sống nghệ thuật và xã hội trong bối cảnh hiện nay để đưa vào áp dụng, qua đó giúp công chúng, những người bỏ tiền mua vé xem nghệ thuật phân định được đâu là nghệ sĩ chuyên nghiệp, đồng thời ngăn chặn được tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay. Nếu thực hiện giải pháp quản lý này, có thể tiến tới từng bước bãi bỏ việc cấp giấy phép hay còn gọi là “giấy chấp thuận tổ chức biểu diễn” cho từng chương trình nghệ thuật đang thực hiện đối với đơn vị, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật thúc đẩy tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

 

 Tôi quan tâm nhiều đến một kiến nghị về quy định “đăng ký hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp”. Ở đây, những cá nhân hoạt động nghệ thuật thường xuyên, có thu nhập từ hoạt động này sẽ được đăng ký hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và sẽ có những tiêu chí, điều kiện rõ ràng, cụ thể về quyền, trách nhiệm của mình. Còn lại những cá nhân khác vẫn được biểu diễn nghệ thuật rộng khắp và không cần đăng ký hoạt động, nhưng thuộc đối tượng không chuyên.

(Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn LÊ MINH TUẤN)

 THUÝ HIỀN (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top